Tăng trưởng xanh được xác định là trọng tâm trong chính sách phát triển quốc gia của nhiều khu vực trên thế giới trong nỗ lực để đạt được sự phát triển bền vững. Đối với Việt Nam, điều này cũng đã được thể hiện rất rõ trong chiến lược của đất nước, thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, hay Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2050. Tại Quảng Ninh, có thể nói, chủ trương của Đảng, Nhà nước đã được tỉnh nghiên cứu, thực hiện từ khá sớm. Khi ngành Công nghiệp của tỉnh vẫn đang phát triển mạnh, áp đảo cả về tỷ trọng cơ cấu kinh tế và số thu ngân sách địa phương so với các ngành kinh tế khác, Quảng Ninh đã có những định hướng để chuyển đổi mục tiêu tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh” một cách bền vững.
Quảng Ninh được biết đến là nơi hình thành ngành Công nghiệp sớm nhất cả nước. Với nguồn tài nguyên về khoáng sản phong phú, nhất là than đá, đã tạo cho tỉnh nền tảng vững chắc trong phát triển các ngành Công nghiệp.
Theo thống kê của Sở TN&MT, toàn tỉnh có trên 240 mỏ và điểm quặng đã và đang được khai thác; trong đó, sản lượng khai thác nguyên khai một năm các loại khoáng sản như than đạt trên 40 triệu tấn, vật liệu xây dựng trên 1,4 triệu m3, đá vôi xi măng trên 6,5 triệu tấn, sét xi măng trên 1,3 triệu tấn... Giai đoạn năm 2011 trở về trước, so với các ngành kinh tế khác, tỷ trọng ngành công nghiệp của tỉnh chiếm tới 59% cơ cấu nền kinh tế; cơ cấu thu nội địa dựa vào than và đất chiếm tới 77% số thu ngân sách nội địa. Trong đó, chỉ riêng số thu ngân sách từ ngành Than đã chiếm 67% số thu nội địa của tỉnh mỗi năm.
Không thể phủ nhận, những đóng góp của ngành Công nghiệp đã đưa Quảng Ninh trong nhiều năm nằm trong tốp những tỉnh miền núi phía Bắc có tốc độ phát triển vào loại tốt. Trong đó, khai thác than, khoáng sản đóng vai trò chủ đạo. Tuy nhiên, đây lại là ngành có tài nguyên hữu hạn, dần tiến đến cạn kiệt; đi cùng với những mặt tích cực, theo thời gian, những tác động xấu từ mô hình tăng trưởng “nâu” ngày càng thể hiện rõ hơn.
Theo quy hoạch, để khai thác than lộ thiên, hàng năm ngành Than thải ra môi trường khoảng 300-500 triệu m3 đất đá và 100-250 triệu m3 nước thải. Cùng với đó, các ngành vận tải biển, cảng biển, lấn biển phát triển đô thị, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn phát triển thiếu quy hoạch, định hướng, cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước biển ven bờ, sông suối, diện tích bồi lắng do đất đá trôi lấp. Việc phát triển đô thị cùng với tình trạng rửa trôi đất đá xuống các vùng cửa sông và vùng nước ven bờ đã làm giảm diện tích rừng ngập mặn, tác động tiêu cực đến môi trường sinh thủy, hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản... Từ lâu, Quảng Ninh cũng là địa phương được cơ quan môi trường Trung ương cảnh báo là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu.
Dưới tác động của tăng trưởng “nâu”, về phát triển kinh tế, dù là tỉnh được cho là có những lợi thế nổi trội để phát triển du lịch, đặc biệt là có Di sản Thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, cùng nhiều thắng cảnh đẹp, tuy nhiên, việc phát triển đan xen giữa công nghiệp, du lịch, dịch vụ thiếu tính quy hoạch đã khiến các ngành kinh tế khác ngoài công nghiệp tăng trưởng chậm. Theo thống kê của tỉnh, số thu ngân sách nội địa từ ngành Du lịch Quảng Ninh năm 2011 chỉ chiếm khoảng 2,6% tổng thu ngân sách.
Bên cạnh những bất cập do mô hình tăng trưởng không bền vững, quá phụ thuộc vào công nghiệp khai khoáng, thì một yếu tố bất lợi khác đó là hạ tầng giao thông của Quảng Ninh không mấy thuận lợi; việc phát triển các ngành, lĩnh vực chưa được quan tâm đầu tư về khoa học công nghệ, đặc biệt là những công nghệ mới, sạch, thân thiện với môi trường… Đó là những yếu tố kìm hãm sự phát triển bền vững của tỉnh.
Nhận diện được những bất cập trong quá trình phát triển, từ những năm đầu của nhiệm kỳ 2010-2015, Quảng Ninh xác định, phải thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững. Tỉnh xác định tăng trưởng xanh sẽ được thực hiện dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển gắn chặt với việc thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược là cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển kết cấu hạ tầng. Qua đó, để dần giảm bớt việc dựa vào các yếu tố không bền vững như tài nguyên hữu hạn và tăng dần các yếu tố bền vững dựa vào vị trí địa chính trị, kinh tế tri thức, khoa học công nghệ, tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, cảnh quan, văn hoá, truyền thống lịch sử và trí tuệ con người... để phát triển, trên cơ sở định vị được tiềm năng, thế mạnh, sự phát triển của địa phương đặt trong bối cảnh khu vực, quốc gia, quốc tế.
Để tạo được sự thống nhất, đồng bộ trong triển khai thực hiện, mục tiêu tăng trưởng xanh của tỉnh đã được đưa ra bàn và nhận được sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị, cũng như của nhân dân trong tỉnh tại các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII (2010-2015), Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (2015-2020). Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã nhấn mạnh: Phấn đấu đến năm 2020, xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ, công nghiệp; là trung tâm du lịch chất lượng cao của khu vực, một trong những cực tăng trưởng kinh tế của miền Bắc và cả nước...
Trong kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Quảng Ninh đặt mục tiêu, đến năm 2020, giảm cường độ phát thải khí nhà kính từ 8-10% (so với năm 2010); giảm lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng khoảng 10-20% so với phương án phát triển bình thường; tăng tỷ lệ che phủ rừng đạt 55%; tỷ lệ khu công nghiệp, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu đạt 100%; tỷ lệ đầu tư phát triển các ngành nghề hỗ trợ bảo vệ môi trường và làm giàu nguồn tài nguyên thiên nhiên đóng góp 3-4% GDP...
Những quan điểm, nghị quyết, chỉ thị liên quan đến tăng trưởng xanh của Quảng Ninh đã trở thành kim chỉ nam cho sự phát triển toàn diện kinh tế - xã hội. Trên cơ sở bám sát các Nghị quyết của Đảng và thực tiễn địa phương, Quảng Ninh đã sáng tạo những cách làm mới, mô hình mới, thậm chí là chưa có trong tiền lệ ở Việt Nam. Qua đó, khẳng định sự đúng đắn trong công tác chỉ đạo, điều hành của hệ thống chính trị địa phương; nâng cao hiệu quả công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng…
Tầm nhìn chiến lược của Quảng Ninh là tạo bước phát triển đột phá, trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại vào năm 2020, địa phương đi đầu trong cả nước đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, tạo nền tảng vững chắc để Quảng Ninh phát triển nhảy vọt, toàn diện sau năm 2020.
Bài: Hồng Nhung - Đặng Nhung
Trình bày: Hùng Sơn
Ý kiến ()