Với vị trí, vai trò của tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và những tiềm năng, lợi thế riêng có của tỉnh, cùng với sự quyết tâm chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh", tỉnh Quảng Ninh đã sớm nhận thấy những định hướng chiến lược trong các quy hoạch cũ đã không còn phù hợp; những khó khăn, thách thức mới nảy sinh làm hạn chế phát triển. Để đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, cần thiết phải xây dựng các quy hoạch chiến lược, cách làm chiến lược, có tính đột phá, đủ sức kiến tạo cho phát triển, tương xứng với tiềm năng và xây dựng nền tảng cho những bước đi thích hợp sau này.
Năm 2012, Quảng Ninh đã mạnh dạn báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho thuê tư vấn nước ngoài lập một số quy hoạch quan trọng của tỉnh. Thời điểm đó, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong nước thực hiện lập các quy hoạch chiến lược có thuê đơn vị tư vấn nước ngoài.
Tỉnh còn huy động được 237 tỷ đồng từ nguồn lực ngoài ngân sách để thực hiện các quy hoạch chiến lược. Điều này không chỉ thể hiện sự chủ động, sáng tạo của tỉnh trong khai thác nguồn lực ngoài ngân sách, mà còn cho thấy niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược đối với tỉnh ngay trong những giai đoạn khởi phát mô hình tăng trưởng xanh tại địa phương.
Trong xây dựng quy hoạch chiến lược, tỉnh đã lựa chọn các tư vấn hàng đầu thế giới về lập quy hoạch, như: McKinsey, BCG (Mỹ); Nikken Sekkei, Nippon Koei (Nhật Bản). “Đề bài” của tỉnh đối với đơn vị tư vấn là các quy hoạch phải đáp ứng được những mục tiêu: Phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của vùng và các quy hoạch ngành, lĩnh vực; có tính liên kết vùng; phải tạo nên bước đột phá trên cơ sở phát huy các tiềm năng, lợi thế đặc biệt của tỉnh; đảm bảo tính hiện đại, đồng bộ xứng tầm quốc tế về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đáp ứng yêu cầu chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh", làm thay đổi nhanh diện mạo, tạo ra một Quảng Ninh khác biệt, phát triển vượt trội về đẳng cấp và bứt phá về thời gian. Đồng thời, quy hoạch phải là sự kết tinh trí tuệ tập thể, kinh nghiệm của thế giới và thực tiễn của Quảng Ninh; cần có những đề xuất cải cách thể chế không giới hạn trong phạm vi Quảng Ninh mà ở tầm vĩ mô quốc gia.
Không “khoán trắng” mọi việc cho tư vấn, tỉnh đã đổi mới cách thức, phương pháp triển khai lập quy hoạch, thành lập Ban chỉ đạo công tác lập quy hoạch (đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban) để chỉ đạo triển khai xây dựng đồng bộ các quy hoạch từ cấp tỉnh đến địa phương; thành lập các tổ tư vấn giúp việc và trực tiếp làm việc với các đơn vị tư vấn triển khai nghiên cứu lập quy hoạch. Đồng thời, tranh thủ tối đa các ý kiến tham gia phản biện từ các bộ, ngành Trung ương, các nhà khoa học, các tỉnh, thành phố lân cận, đặc biệt có sự giám sát của HĐND, sự tham gia góp ý của doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh.
Tham dự hội nghị công bố, các chuyên gia, nhà kinh tế, bộ, ngành đã đánh giá rất cao về tính hiện đại, sự đồng bộ, những giải pháp đột phá rất táo bạo nhưng có cơ sở khoa học thực tiễn rất cao; có đầy đủ các giải pháp thực hiện các quy hoạch một cách chi tiết.
Cùng với 7 quy hoạch chiến lược nói trên, cũng trong năm 2014, cơ bản các quy hoạch khác của tỉnh và các địa phương trong tỉnh cũng đã được hoàn thiện. Qua đó, đã đồng bộ các quy hoạch chiến lược từ tỉnh đến địa phương, đảm bảo chất lượng và thống nhất trong quá trình điều hành quản lý làm cơ sở kiến tạo cho sự phát triển bền vững.
Song song với triển khai các quy hoạch chiến lược, Quảng Ninh bắt tay ngay thực hiện 3 đột phá chiến lược: Phát triển kết cấu hạ tầng; xây dựng thể chế và cải cách hành chính; đào tạo nguồn nhân lực. Qua đó, tạo động lực, đòn bẩy thực hiện tăng trưởng xanh một cách nhanh, mạnh, bền vững hơn.
Tháo gỡ những nút thắt về hạ tầng giao thông, tỉnh đã tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, tập trung và thu hút mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực ngoài ngân sách, để đầu tư các tuyến đường giao thông huyết mạch, các tuyến đường ra cửa khẩu, biên giới và các khu kinh tế, khu công nghiệp. Đặc biệt, Quảng Ninh là tỉnh tiên phong trong việc đầu tư ngân sách, ứng vốn cho Trung ương để cải tạo, nâng cấp, xây dựng quốc lộ, cũng là tỉnh đầu tiên được Trung ương giao làm chủ đầu tư xây dựng các tuyến đường cao tốc.
Chỉ trong 2,5 năm (2015-2018), hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ, hiện đại với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 36.000 tỷ đồng, trong đó vốn xã hội hóa chiếm trên 75%. Tỉnh có gần 200km đường cao tốc (chiếm 10% số km cao tốc trong toàn quốc), cảng hàng không quốc tế đầu tiên trong cả nước được đầu tư từ nguồn xã hội hóa. Hạ tầng du lịch, dịch vụ phát triển ngày càng hiện đại, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới đẳng cấp, khác biệt, như Sun World Halong Park, Vinpearl Halong, khu nghỉ dưỡng và sân golf FLC, Trạm dừng nghỉ và khu du lịch Quảng Ninh gate, cảng tàu khách quốc tế. Các công trình dịch vụ công như hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa thể thao, trụ sở các cơ quan, được đầu tư theo hướng hợp tác công - tư, góp phần nâng cao chất lượng các dịch vụ công phục vụ người dân.
Trong thực hiện cải cách hành chính, hướng tới mục tiêu xây dựng chính quyền kiến tạo, liêm chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục có những giải pháp quyết liệt, cụ thể. Quảng Ninh đã tìm tòi và đưa ra mô hình mới là xây dựng Trung tâm Phục vụ Hành chính công của tỉnh sau đó triển khai đồng loạt xuống 14 địa phương cấp huyện, đồng thời kết nối một cửa hiện đại đến tất cả các xã, phường, thị trấn. Tỉnh đã rà soát cắt giảm 201 thủ tục hành chính ở 3 cấp so với Đề án 30 của Chính phủ. Nhờ đó, người dân và doanh nghiệp giảm được 40% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định của Trung ương, tỉnh phấn đấu giảm 50%.
Đối với phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhằm đảm bảo đáp ứng tốt yêu cầu đưa nhân lực trở thành nền tảng và lợi thế quan trọng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Quảng Ninh đã dành nguồn lực thỏa đáng cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Tỉnh đã hoàn thành Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; tập trung xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020” với phạm vi, quy mô toàn tỉnh, bao phủ toàn diện về đối tượng; thành lập Trường Đại học Hạ Long và đi vào tuyển sinh trong năm 2015 theo hướng đào tạo chất lượng cao gắn với nhu cầu sử dụng. Tỉnh cũng đã cử nhiều CBCCVC đi học tập, bồi dưỡng ở trong nước và quốc tế. Đến hết năm 2018, số lượng thạc sĩ, tiến sĩ trong tỉnh tăng gấp 2,33 lần so với năm 2010.
Xác định mối quan hệ mật thiết, có tác động tương hỗ trong quá trình phát triển giữ tăng trưởng xanh và kinh tế xanh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIV đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển dịch vụ tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2030, với mục tiêu phát triển du lịch bền vững theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả. Qua đó, nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Trong đó, tỉnh tập trung phát triển hệ thống sản phẩm, loại hình du lịch đặc sắc, với trọng tâm là du lịch biển đảo chất lượng cao, gắn với việc phát huy giá trị Di sản, Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, du lịch tâm linh, nhất là Trung tâm Phật giáo, danh thắng Yên Tử. Quan tâm đầu tư phát triển đồng thời 4 trung tâm du lịch của tỉnh (Hạ Long, Móng Cái - Trà Cổ, Vân Đồn - Cô Tô, Uông Bí - Đông Triều - Quảng Yên). Phấn đấu đến năm 2020, Hạ Long trở thành thành phố du lịch hiện đại và văn minh; Vân Đồn - Cô Tô trở thành trung tâm du lịch biển đảo chất lượng cao, trung tâm công nghiệp giải trí cao cấp có casino; Uông Bí - Đông Triều - Quảng Yên trở thành trung tâm du lịch văn hoá - lịch sử - tâm linh đặc sắc; Móng Cái - Hải Hà trở thành trung tâm du lịch biên giới kết hợp mua sắm...
Tỉnh đã xây dựng lộ trình, báo cáo Chính phủ di dời các nhà máy gây ô nhiễm môi trường, đồng thời điều chỉnh quy hoạch các nhà máy nhiệt điện, xi măng theo hướng ra xa khu vực đông dân cư. Trong năm 2019, tỉnh đã di dời và chấm dứt hoạt động của Nhà máy Tuyển than Nam Cầu Trắng ra khỏi khu vực Vịnh Hạ Long; đến năm 2020 chấm dứt khai thác than lộ thiên tại khu vực Hạ Long, tiến đến năm 2030 di chuyển các Nhà máy xi măng ra khỏi vùng Hạ Long...
Đối với phát triển nông - lâm - thủy sản, tỉnh đều có những cơ ch, chính sách mới, đặc thù nhằm hướng các ngành kinh tế này đến mục tiêu tăng trưởng xanh, như: Hỗ trợ ngân sách đầu tư công nghệ cao trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp; chỉ đạo triển khai Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng bền vững; ban hành chỉ thị phát triển ngành thủy sản bền vững...
Bài: Hồng Nhung - Đặng Nhung
Ảnh: Đỗ Phương - Hùng Sơn
Trình bày: Đỗ Quang
Bài 3: Giá trị của sự khác biệt
Ý kiến ()