Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 20:15 (GMT +7)
Quốc hội thông qua Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Bảo hiểm xã hội
Thứ 5, 20/11/2014 | 16:57:36 [GMT +7] A A
Sáng 20-11, tại hội trường, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi). Theo Phó chủ tịch Quốc hội, tại phiên họp toàn thể ngày 22-10, Quốc hội đã thảo luận về Dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi). Nhìn chung, các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành với những nội dung cơ bản của Dự thảo Luật; đồng thời, các vị đại biểu Quốc hội cũng tham gia ý kiến về nhiều nội dung cụ thể nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật.
Cụ thể, về nhiệm kỳ của Quốc hội (tại khoản 3, Điều 2), có ý kiến đề nghị không chỉ khống chế thời gian “kéo dài” nhiệm kỳ mà cần quy định cả thời hạn “rút ngắn” nhiệm kỳ tối đa của một khóa Quốc hội. Tuy nhiên, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết: Theo quy định tại khoản 3 Điều 71 của Hiến pháp thì “Trong trường hợp đặc biệt, nếu được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành thì Quốc hội quyết định rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của mình theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Việc kéo dài nhiệm kỳ của một khóa Quốc hội không được quá mười hai tháng, trừ trường hợp có chiến tranh”. Như vậy, Hiến pháp không quy định thời gian rút ngắn nhiệm kỳ mà chỉ giới hạn thời gian kéo dài nhiệm kỳ Quốc hội. Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, Dự thảo Luật chỉ quy định thời gian kéo dài nhiệm kỳ của một khóa Quốc hội. Quy định như vậy cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Mặt khác, việc kéo dài hay rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội phụ thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của đất nước trong từng gian đoạn. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ nội dung này như quy định trong dự thảo.
Công bố kết quả Biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi). Ảnh: Phạm Kiên – TTXVN. |
Về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội (Điều 22), có ý kiến cho rằng, Luật Tổ chức Quốc hội không nên quy định tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội mà để Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định. UBTVQH cho rằng: Do Luật này điều chỉnh các vấn đề về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Quốc hội mà trong đó đại biểu Quốc hội là chủ thể quan trọng nên việc quy định về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội trong Luật này là phù hợp. Đây không chỉ là tiêu chuẩn để cử tri xem xét, đánh giá khi bầu một người làm đại biểu Quốc hội mà các tiêu chuẩn này cần được tiếp tục duy trì, bảo đảm trong suốt nhiệm kỳ của đại biểu Quốc hội, để đại biểu tự mình trau dồi, rèn luyện; đồng thời, là cơ sở để Quốc hội hoặc cử tri xem xét, nhận xét đối với từng đại biểu Quốc hội.
Có ý kiến đề nghị chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung thuộc tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, quy định cụ thể hơn các tiêu chuẩn về trình độ, kinh nghiệm công tác....
Tiếp thu các ý kiến nêu trên, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý lại Điều 22 như Dự thảo Luật để quy định cụ thể, rõ ràng và chính xác hơn về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội.
Đặc biệt, một số ý kiến đề nghị ngoài tiêu chuẩn chung của đại biểu Quốc hội (Điều 22), Dự thảo Luật cần bổ sung quy định về tiêu chuẩn đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, cụ thể như tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, trình độ lý luận, thâm niên, kinh nghiệm công tác,...
UBTVQH nhận thấy, chất lượng của đại biểu, kể cả đại biểu hoạt động chuyên trách và đại biểu kiêm nhiệm có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Đại biểu Quốc hội dù chuyên trách hay kiêm nhiệm đều có chung tiêu chuẩn theo quy định của Luật. Đại biểu Quốc hội chuyên trách không có tiêu chuẩn riêng, khác biệt với đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm; có khác chăng là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách phải dành toàn bộ thời gian cho hoạt động của Quốc hội. Do vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về nội dung này như trong dự thảo.
Về việc biểu quyết tại phiên họp toàn thể (Điều 96), có ý kiến đề nghị quy định Quốc hội chỉ có hai hình thức biểu quyết tại phiên họp toàn thể là biểu quyết bằng bỏ phiếu kín và biểu quyết công khai, còn việc thực hiện bằng giơ tay hay bằng hệ thống điện tử chỉ là cách thức thực hiện.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý lại khoản 2 Điều 96 theo hướng Quốc hội quyết định áp dụng một trong các hình thức biểu quyết là biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín.
Ngoài ra, Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) cũng đề cập đến vấn đề về giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Về Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội (Chương IV); Về kỳ họp Quốc hội (Chương V); Về tổng thư ký Quốc hội và Văn phòng Quốc hội (Chương VI).
Sau phần trình bày của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) với tổng sổ 437 đại biểu tham gia (bằng 87,93% tổng số ĐBQH). Trong đó có 432 đại biểu tán thành (bằng 86,92% tổng số ĐBQH), số đại biểu không tán thành là 2 (bằng 0,40%) và có 3 đại biểu không bỏ phiếu (bằng 0,60%).
* Cũng trong sáng 20-11, bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã trình bày tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Theo báo cáo giải trình, về chế độ hưởng lương hưu có ý kiến đề nghị bổ sung quy định đối với cán bộ nữ chuyên trách, không chuyên trách ở cấp xã có đủ 15 năm đóng BHXH và đủ 55 tuổi được nghỉ hưu hưởng mức lương hưu 45%; đồng thời, cân nhắc cho đồng bộ với nhóm lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Do còn ý kiến khác nhau về vấn đề này, UBTVQH đã gửi Phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội, đa số Phiếu tán thành với việc bổ sung nhóm lao động nữ là người hoạt động chuyên trách, không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ 55 tuổi thì được hưởng lương hưu như quy định tại khoản 3, Điều 54 (có 189/358 phiếu đồng ý với phương án này, chiếm tỷ lệ 53%).
Sau khi tiếp thu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH nhận thấy, hiện nay cán bộ nữ ở cơ sở khi đủ 55 tuổi đã có 15 năm đóng bảo hiểm xã hội khó có điều kiện để tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện cho đủ 20 năm đóng BHXH để hưởng lương hưu, đảm bảo an sinh khi hết tuổi lao động và chính sách này cũng không ảnh hưởng đến cân đối Quỹ BHXH. Do vậy, UBTVQH xin Quốc hội cho giữ như khoản 3 Điều 54 Dự thảo Luật.
Đối với nhóm lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, Dự thảo Luật đã quy định nhóm lao động nữ được nghỉ hưu ở độ tuổi từ đủ 50 tuổi đến 55 tuổi, trường hợp bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì nghỉ hưu khi đủ 46 tuổi nhưng phải có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, tuy nhiên, khi mức lương hưu của nhóm này thấp hơn mức lương cơ sở thì họ sẽ được điều chỉnh bằng mức lương cơ sở (điểm b, c, khoản 1, Điều 54; khoản 1, Điều 55 và khoản 4, Điều 56).
Tuy nhiên, khi biểu quyết tại hội trường sáng 20-11 về nội dung thay đổi của Điều 54 thì có tới 95 ĐB không tán thành trong tổng số 425 ĐB tham dự, tỷ lệ 19,11%. Số ĐB không biểu quyết là 15 ĐB, tỷ lệ 3,02%.
Về điều chỉnh mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần đối với người tham gia BHXH (Điều 62).
Đa số ý kiến đại biểu tán thành với phương án của UBTVQH; có ý kiến đề nghị giữ nguyên như quy định của Luật BHXH hiện hành; có ý kiến đề nghị từ ngày 1-1-2020 trở đi thì tiền lương hưu của khu vực công thực hiện theo cách tính bình quân của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu; đề nghị quy định hạch toán riêng Quỹ BHXH của khu vực công và tư; đề nghị ngân sách Nhà nước hỗ trợ phần chi lương hưu cho lực lượng vũ trang.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, để đảm bảo mục tiêu quan trọng của việc sửa đổi chính sách BHXH phải dựa trên nguyên tắc đóng – hưởng, hướng tới bình đẳng trong công thức tính lương hưu giữa khu vực công và khu vực tư, đảm bảo an toàn đối với quỹ an sinh của hàng chục triệu người lao động tham gia, Dự thảo Luật đã xây dựng thêm 2 lộ trình tính lương hưu trước khi thực hiện đầy đủ mục tiêu đóng – hưởng vào năm 2025 để không tạo sự chênh lệch lớn về mức lương hưu giữa các thế hệ. Đồng thời, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định Quỹ BHXH được hạch toán theo nhóm đối tượng tại khoản 4 Điều 5 Dự thảo Luật.
Với 424 ĐBQH có mặt tại phiên họp, chiếm 85,31%, Quốc hội đã biểu quyết thông qua toàn bộ nội dung Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) với 355 ĐB tán thành, chiếm tỷ lệ 71,43%. Số không tán thành là 59, chiếm tỷ lệ 11,87% và số không biểu quyết là 10, chiếm 2,01%.
Theo QDND
Liên kết website
Ý kiến ()