Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 22:20 (GMT +7)
Quyết tâm xây dựng Đặc khu hành chính - kinh tế: Sức bật không chỉ cho Quảng Ninh
Thứ 5, 25/05/2017 | 04:14:34 [GMT +7] A A
Theo kinh nghiệm quốc tế, hiệu quả của các đặc khu kinh tế không chỉ ảnh hưởng tích cực đối với địa bàn đặc khu kinh tế đó, mà còn tác động lan toả đến các vùng, khu vực khác. Vì vậy, khi nhận kết luận cho xây dựng Đề án Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn của Bộ Chính trị, tỉnh Quảng Ninh đặt quyết tâm thực hiện rất cao, bởi niềm tin chắc chắn rằng sự thành công của đặc khu kinh tế không chỉ là sức bật của riêng vùng đất địa đầu Đông Bắc Tổ quốc.
Phối cảnh Cảng hàng không Quảng Ninh. Ảnh: Đỗ Phương |
Vân Đồn sẽ đóng góp 1% tăng trưởng GDP của cả nước
Trước khi bắt tay xây dựng Đề án Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, các chuyên gia đã khảo sát và nhận thấy rất rõ những ưu thế nổi trội, khác biệt của huyện đảo này. Đó là, Vân Đồn có vị trí địa kinh tế, chính trị chiến lược quan trọng đối với trong nước và quốc tế, được đặt trong quy hoạch phát triển liên hoàn quốc gia, hội tụ đủ điều kiện thuận lợi để xây dựng hạ tầng chiến lược và phát triển kinh tế hướng ngoại, độ mở cao, như: Gần với các thị trường có mức độ tăng trưởng lớn, Vịnh Hạ Long - Vịnh Bái Tử Long, vị trí địa lý khá tách biệt và hiện tại dân số ít, chưa phát triển. Vân Đồn có khả năng kết nối nhanh cả bằng đường bộ, đường hàng không và đường biển với các trung tâm kinh tế lớn của ASEAN, châu Á. Đồng thời có sự liên kết thuận lợi với các khu vực đông dân, các trung tâm kinh tế, văn hoá lớn có khả năng đáp ứng nguồn nhân lực đã qua đào tạo chất lượng cao. Có lợi thế tiếp cận các thị trường lớn, nhiều tiềm năng trong và ngoài nước về kinh tế, thương mại, du lịch và dịch vụ. Đặc thù của quần đảo đã cho Vân Đồn có điều kiện tự nhiên và hệ sinh thái phong phú, đa dạng, sẵn sàng nguồn tài nguyên du lịch đặc sắc vào bậc nhất thế giới, môi trường sinh thái còn hoang sơ, đủ diện tích để phát triển. Sự khác biệt của Vân Đồn so với Vân Phong và Phú Quốc theo như đơn vị tư vấn khẳng định, đó là có khả năng hình thành khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng an ninh và phòng tuyến hợp tác cạnh tranh kinh tế quốc tế khu vực Đông Bắc. Nền tảng vững chắc mà tỉnh Quảng Ninh đã tạo dựng được cho Vân Đồn trong những năm gần đây càng khẳng định điểm tựa vững chắc để Vân Đồn bật lên, đó là đã lựa chọn Tập đoàn Sun Group có sự hợp tác với các tập đoàn tư vấn, quản lý và đầu tư nước ngoài, là nhà đầu tư chiến lược để phát triển các dự án động lực. Tạo được niềm tin, sự ủng hộ của Trung ương, các bộ, ban, ngành, sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị.
Từ những tiềm năng nổi trội này, Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn sẽ được xây dựng trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh; trung tâm kinh tế năng động phát triển ngành nghề mới, trình độ cao, trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo và giao thương quốc tế của khu vực hành lang kinh tế Trung Quốc - ASEAN, có bộ máy hành chính tinh gọn, thể chế, cơ chế, chính sách cạnh tranh toàn cầu ở mức cao nhất... Theo mục tiêu phát triển này, qua tính toán sơ bộ của các cơ quan chuyên ngành tỉnh, dưới sự tư vấn của Tập đoàn McKinsey (đơn vị lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020, tầm nhìn 2030) thì tổng nguồn vốn huy động đầu tư cho Vân Đồn đến năm 2030 đạt khoảng 286.500 tỷ đồng (tương đương 13 tỷ USD, trong đó vốn ngoài ngân sách (chiếm 91,2%). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2018-2030 đạt khoảng 25.949 tỷ đồng (tương đương 1,18 tỷ USD). Thu hút lao động mới 90.000-98.000 lao động vào năm 2020 và tăng lên tới 110.000-111.000 lao động vào năm 2030. Thu hút khoảng 1,6 triệu lượt khách quốc tế, chiếm 40% lượng khách quốc tế đến Quảng Ninh; tổng thu từ khách du lịch đạt 12.600 tỷ đồng (tương đương khoảng 0,57 tỷ USD); đến năm 2030 Vân Đồn sẽ thu hút được 4,1 triệu lượt khách quốc tế, chiếm 41% lượng khách quốc tế đến Quảng Ninh và chiếm 23% lượng khách quốc tế đến Việt Nam; tổng thu từ khách du lịch đạt 56.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 2,55 tỷ USD). Nâng mức đóng góp GRDP của Vân Đồn vào GRDP của tỉnh Quảng Ninh từ 1,6% (năm 2016) lên 16,4% (năm 2030), vào GDP vùng đồng bằng sông Hồng tương ứng từ 0,14% lên 1,64% và vào GDP cả nước từ 0,08% lên xấp xỉ 1% (năm 2030).
Đường băng Cảng hàng không Quảng Ninh đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: Đỗ Phương |
Chính quyền một cấp và những cơ chế đặc thù
Hội thảo về xây dựng các Đề án Khu hành chính - kinh tế đặc biệt giữa 3 tỉnh Quảng Ninh - Kiên Giang - Khánh Hoà vừa được tổ chức mới đây đã bàn rất sâu về mô hình chính quyền đặc khu hành chính - kinh tế và đã thống nhất quan điểm chung việc xây dựng trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc Đảng cầm quyền, lãnh đạo toàn diện mọi hoạt động của đặc khu, bộ máy hành chính linh hoạt, hiệu quả, cơ chế một cửa theo hướng tinh gọn. Theo đó, cả 3 địa phương đề xuất tổ chức của Khu hành chính - kinh tế đặc biệt là mô hình “một cấp chính quyền” trực thuộc tỉnh. Dưới khu không tổ chức thành cấp chính quyền (không tổ chức HĐND và UBND), chỉ tổ chức là các “Tiểu khu” đại diện của UBND khu tại địa bàn để thực hiện việc quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn. Bộ máy hành chính của đặc khu sẽ vận hành theo thông lệ quốc tế, tinh gọn, hiệu quả, đủ thẩm quyền giải quyết và hỗ trợ mọi hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của nhà đầu tư; HĐND, UBND và người đứng đầu UBND Khu hành chính - kinh tế đặc biệt được trao đủ thẩm quyền. Trong đó, Trưởng đặc khu có 11 nhóm thuộc thẩm quyền và được phân cấp, giao quyền thêm 79 thẩm quyền (hiện đang thuộc Thủ tướng Chính phủ; bộ trưởng và thủ trưởng các cơ quan ngang bộ; chủ tịch UBND tỉnh) ở 12 lĩnh vực.
Tháng 4-2017 khi nghe tỉnh Quảng Ninh báo cáo quá trình xây dựng Đề án Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã yêu cầu, các cơ chế tỉnh đề xuất với Trung ương cho Vân Đồn phải đảm bảo đủ sức cạnh tranh với các mô hình tương tự trên thế giới, đảm bảo thể chế, cơ chế chính sách nhất quán, ổn định, lâu dài. Và tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng xong 48 chính sách đặc thù phân thành 9 nhóm, gồm: Chính sách ưu đãi thuế; tài chính, tiền tệ, ngân hàng; đất đai và nhà ở; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; quản lý cư trú đối với công dân Việt Nam tại khu; xuất, nhập cảnh và giải quyết tranh chấp; hàng hoá xuất, nhập khẩu; cơ chế đầu tư nguồn ngân sách nhà nước và công tác quy hoạch; cơ chế chi thưởng phát triển thị trường, thu hút đầu tư và khởi nghiệp. Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động xây dựng, đề xuất quy định đặc thù cho Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn trong Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, gồm: Quy định chung (mục tiêu phát triển, ranh giới địa lý, diện tích tự nhiên); chính sách ưu đãi về kinh tế - xã hội; tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương. Để sớm có đặc khu hành chính - kinh tế, tỉnh Quảng Ninh đang khẩn trương thực hiện các bước lập đề án, phấn đấu trong tháng 6 sẽ hoàn chỉnh, tổ chức lấy ý kiến của nhân dân, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội.
Ngọc Lan
Liên kết website
Ý kiến ()