Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 26/12/2024 11:00 (GMT +7)
Rừng phục hồi môi trường của ngành than: Cần sớm khắc phục những bất cập
Thứ 3, 15/11/2016 | 12:57:32 [GMT +7] A A
Số liệu báo cáo của Sở TN-MT cho thấy, đến thời điểm này các đơn vị ngành Than đã trồng được 800ha rừng tại các bãi thải, khai trường đã ngừng hoạt động. Hiện nay, các đơn vị đang tiếp tục trồng 760ha rừng đối với các bãi thải, khai trường có lộ trình kết thúc khai thác vào năm 2020. Riêng năm 2017, diện tích cần trồng khoảng 310ha, 3 năm tiếp theo trồng 450ha. Điều đáng nói qua các cuộc kiểm tra, khảo sát, đánh giá gần đây của ngành chức năng, một phần diện tích rừng phục hồi môi trường đã trồng của các đơn vị ngành Than tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Nguyên nhân là do các đơn vị chủ yếu lựa chọn trồng cây keo với mật độ trồng dày, trung bình 5.000 cây/ha - gấp hơn 3 lần bình thường. Một số diện tích trồng loại cỏ Vetiver, cỏ le, chít, sắn dây và diện tích trồng thử nghiệm cây lấy dầu như đậu dầu, cọc rào, trẩu, sở cho diện tích rừng cải tạo, phục hồi môi trường cũng có nguy cơ cháy cao.
Chăm sóc diện tích rừng cải tạo, phục hồi môi trường ở Công ty CP Than Vàng Danh. |
Theo ông Hà Xuân Kinh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TP Cẩm Phả, những loại cây này tuy có khả năng cải tạo đất, giữ đất nhằm tránh sạt lở, nhưng lại dễ dẫn tới nguy cơ cháy. Bởi đây là các đối tượng cây trồng có tuổi thọ ngắn, trong đó chu kỳ phát triển của các loại cỏ lau le, cây thân dây chỉ trong khoảng 2 năm, cây keo phát triển đến hơn 10 năm là có tình trạng rỗng ruột, sâu thân... Bên cạnh đó, hầu hết các diện tích rừng cải tạo phục hồi môi trường này có tầng thực bì rất dày do ít được phát tỉa, vệ sinh rừng và thiếu hệ thống các biển cảnh báo cháy, đồng thời các loại cỏ lau le, cây thân dây đều dễ bắt cháy và là chất dẫn lửa tốt, nhất là khi cây ở tình trạng khô, nên khi xảy ra cháy thì dễ dẫn tới cháy lan, gây thiệt hại lớn.
Theo dự án cải tạo phục hồi môi trường của ngành Than đã được phê duyệt, các đơn vị trong ngành sẽ phải hoàn thành trồng trên 4.000ha diện tích rừng. Thực hiện dự án này, thời gian qua các đơn vị ngành Than đã tăng cường trồng rừng tại các khai trường, bãi thải đã ngừng hoạt động và chuẩn bị diện trồng rừng cho các vị trí bãi thải, khai trường sắp kết thúc khai thác. |
Trước tình trạng này, Sở NN&PTNT cũng đã có văn bản tham mưu UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị ngành Than lựa chọn, chuyển đổi đối tượng cây trồng trên diện tích rừng thực hiện theo dự án cải tạo, phục hồi môi trường. Trong đó hạn chế trồng cây keo, không trồng các loại cỏ, lau le, mà thay bằng các loại cây trồng bản địa có sức sống tốt, tuổi thọ cao như thông, sến, táu... Đặc biệt, đối với tổng diện tích rừng cải tạo, phục hồi môi trường còn lại mà ngành Than chưa thực hiện (3.200ha, trong đó có 760ha sẽ thực hiện từ nay đến năm 2020) sẽ phải nghiêm túc thực hiện quy định trên. Việc này không chỉ phòng tránh, giảm thiểu nguy cơ cháy rừng, mà còn đáp ứng mục tiêu lâu dài là phát triển rừng bền vững, nâng cao vốn rừng và độ che phủ rừng, tiến tới chuyển toàn bộ diện tích rừng trồng theo dự án cải tạo phục hồi môi trường của ngành Than sang rừng phòng hộ theo đúng chỉ đạo của tỉnh. Để nâng cao chất lượng rừng, trong đó có tính ổn định, bền vững của rừng và phòng chống cháy rừng, đối với 800ha diện tích rừng cải tạo, phục hồi môi trường các đơn vị ngành Than đã thực hiện, Sở NN&PTNT cũng đề xuất tỉnh giao đơn vị chức năng lập hồ sơ đánh giá hiện trạng và chuyển hình thức cho các đơn vị này từ thuê đất phục vụ khai thác khoáng sản sang hình thức giao rừng, thuê rừng, để các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng theo quy chế quản lý rừng phòng hộ.
Ông Mạc Văn Xuyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh khẳng định: Với cách làm quyết liệt này sẽ nâng cao chất lượng diện tích rừng của các đơn vị ngành Than thực hiện theo dự án cải tạo, phục hồi môi trường trừng, trong đó trước mắt là giảm thiểu nguy cơ dẫn đến cháy rừng.
Thanh Bình
Liên kết website
Ý kiến ()