Bác sĩ Phạm Lê Duy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết khi có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 hoặc có tiếp xúc với người đã nhiễm bệnh, bạn có thể mua kit test nhanh Covid-19 tự thực hiện tại nhà. Việc này có ý nghĩa giúp biết sớm tình trạng bệnh và liên hệ kịp thời với cơ sở y tế.
Các hãng sản xuất đều có hướng dẫn cụ thể ghi trên bộ kit test, người dùng cần đọc kỹ thông tin sử dụng và thực hiện đúng sẽ đem lại kết quả tối ưu. Tuy nhiên, có những sai lầm mà người tự lấy mẫu thường gặp.
Theo bác sĩ Duy, sai lầm đầu tiên là lấy sai mẫu bệnh phẩm. Ví dụ, test xét nghiệm nhanh hướng dẫn lấy mẫu dịch tỵ hầu nhưng bạn lại lấy nhầm sang dịch mũi, hoặc ngược lại, thì sẽ làm kết quả bị sai lệch.
Thứ hai, trong quá trình lấy mẫu, bạn đưa tăm bông không đến được vị trí cần đến. Ví dụ, khi lấy dịch tỵ hầu thì tăm bông phải đến được thành sau của dịch tỵ hầu. Nếu tăm bông đưa quá nông, không đến được thì sẽ làm kết quả không chính xác.
Thứ ba, trong quá trình xử lý mẫu, tức là khi cho tăm bông vào dung dịch đệm, bạn làm không kỹ, không vắt được hết dung dịch trong đầu tăm bông vào dung dịch đệm, điều này có thể làm cho kết quả không chính xác.
Thứ 4, nhiều người đọc kết quả sớm hơn thời gian chờ khiến kết quả bị sai. Thông thường, bạn phải chờ ít nhất là 15 phút, đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trên bộ kit, là nhỏ bao nhiêu giọt dung dịch đệm, có kit nhỏ ba giọt, có kit nhỏ 5 giọt, sau đó chờ đúng số phút theo chỉ dẫn rồi đọc kết quả.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn Khoa Nhiễm Khuẩn - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, đưa ra một số lưu ý. Trên que lấy mẫu, bạn sẽ thấy có một khấc màu đỏ. Đưa que lấy mẫu vào mũi đủ sâu tức là bạn cần đưa qua khấc này. Bạn ngửa cổ ra, đưa que vào mũi một cách từ từ, khi đụng đến vùng tỵ hầu thì xoay nhẹ một lúc, rồi kéo ra một cách nhẹ nhàng.
Bác sĩ nhận định, nhân viên y tế lấy mẫu hàng loạt, vì vậy kỹ thuật nhuần nhuyễn, nhanh, gọn, chuẩn xác, nhẹ nhàng, ít khó chịu. Khi mình tự lấy thì tư thế ngồi khó đúng chuẩn, bạn khó hình dung ra đường đi của tăm bông. Bí kíp là bản thân cần thả lỏng, không gồng cơ. Khi đưa que tăm bông vào thì đi chậm rãi, lúc rút que ra thì đi nhanh hơn. Như vậy, bạn sẽ đỡ khó chịu hơn. Ngoài ra, để lấy mẫu không đau, bạn nên giữ chắc tay, không để tay rung.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, TP HCM, nhắc nhở điều quan trọng nhất cần lưu ý là khi dùng que lấy dịch bệnh phẩm, que phải đưa đủ sâu, vùng đầu của que đụng vào tỵ hầu và quẹt đủ 10 giây. Nếu chỉ quẹt khoảng 2-3 giây thì có thể kết quả sẽ ra sai.
Trong gia đình nếu người già không tự lấy được mẫu thì người khác có thể hỗ trợ. Người lấy mẫu cần đeo khẩu trang N95 là tốt nhất, đeo kính chống giọt bắn, đeo găng tay, rửa tay khử khuẩn trước và sau khi thực hiện lấy mẫu.
Bác sĩ Duy lưu ý khi mua kit xét nghiệm cần hỏi dược sĩ kit này cần lấy mẫu ở vị trí nào. Đối với những người khó lấy mẫu như trẻ em hoặc người có vấn đề ở mũi, có thể chọn kit xét nghiệm lấy dịch mũi và họng sẽ đơn giản hơn.
Về cách đọc kết quả, bác sĩ Khanh hướng dẫn cho que lấy mẫu vào dụng cụ theo hướng dẫn, sau đó nhỏ giọt mẫu dịch mũi vào bộ kit test nhanh, kết quả hiện "hai vạch", tức là dấu hiệu dương tính.
Nếu test nhanh âm tính, có 4 khả năng. Thứ nhất là bạn không mắc Covid-19; thứ hai là cơ thể đang ủ bệnh; thứ ba là có thể bạn mới mắc bệnh nên tải lượng virus còn thấp, test nhanh không tìm thấy; thứ 4 là bạn đã bị mắc bệnh trước đó nhưng không biết, hiện cơ thể sắp hết virus nên tải lượng virus thấp, test nhanh không tìm thấy.
"Vì vậy, khi test nhanh âm tính vẫn chưa chắc mình an toàn, ba ngày sau cần làm lại. Nếu 15 ngày sau vẫn cho kết quả âm tính thì tương đối an toàn, bạn cần thực hiện tốt biện pháp 5K", bác sĩ Khanh nói.
Các bác sĩ khuyến cáo test nhanh dương tính thì không chắc chắn đã mắc Covid-19, cần bình tĩnh xử trí phù hợp. Với một người có tiếp xúc dịch tễ hoặc có triệu chứng, kết quả test nhanh dương tính nCoV thì khả năng xét nghiệm bằng kỹ thuật RT-PCR cũng sẽ dương tính. Tuy nhiên, có những trường hợp test nhanh dương nhưng PCR âm tính. Vậy nên, về nguyên tắc, người dân test nhanh tại nhà, khi có kết quả cần tham khảo thêm ý kiến chuyên gia y tế để có hướng giải quyết thích hợp.
Trong thời gian đó, bạn nên tự cách ly tại nhà, cách ly thành viên còn lại, thường xuyên theo dõi dấu hiệu bản thân như sốt, cần có cặp nhiệt độ đo từ 2- 3 lần để xem mình có sốt không, kẹp ở nách nếu 38,5 độ là sốt. Nếu có biểu hiện thông thường như sốt, ho, mất khứu giác, vị giác, mệt mỏi... cần nhanh chóng thông báo đến nhân viên y tế theo quy trình.
Tháng 7, Bộ Y tế đã công bố 15 loại kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên nCoV được cấp phép sử dụng. Trong một số cuộc họp lãnh đạo UBND TP HCM cũng như lãnh đạo Sở Y tế thành phố đã khuyến cáo người dân thận trọng hoặc không nên mua các bộ test nhanh được rao bán trên mạng, không có tên trong danh mục được cấp phép. Theo đó, nhiều loại test nhanh đang bán trên thị trường có độ nhạy thấp, kết quả không chính xác. Người dân khi thử ra kết quả âm tính sẽ mất cảnh giác, đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, trong khi thực tế kết quả đó có thể là dương tính, nguy cơ phát tán và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Test nhanh kháng nguyên là xét nghiệm chẩn đoán nhanh phát hiện sự hiện diện kháng nguyên virus Covid-19 có trong mẫu dịch đường hô hấp. Đây là phương pháp đơn giản, dễ thực hiện, có kết quả chỉ sau 15-30 phút, cho phép nhanh chóng phát hiện người nhiễm bệnh. Những trường hợp có kết quả dương tính được cách ly riêng ngay và xét nghiệm khẳng định bằng RT-PCR.
Test nhanh kháng nguyên có thể sử dụng ở ngoài phòng xét nghiệm, nhưng khả năng chính xác không bằng phương pháp RT-PCR. Ngược lại, RT-PCR độ chính xác rất cao, là kết quả khẳng định, nhưng cần 4 đến 6 giờ mới có kết quả. Phương pháp test nhanh không phải là xét nghiệm khẳng định nhưng góp phần hỗ trợ nhanh trong việc giám sát, phát hiện trường hợp nghi ngờ.
Ý kiến ()