Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 07:55 (GMT +7)
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ
Thứ 2, 14/03/2022 | 13:48:18 [GMT +7] A A
Những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đang được nhiều người tiêu dùng lựa chọn dù giá thành cao hơn những nông sản khác cùng loại. Xuất phát từ nhu cầu đó, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đang lựa chọn hướng đi này để nâng giá trị cho nông sản, tăng thu nhập và phát triển ngành Nông nghiệp bền vững.
Một năm trước, ngành Nông nghiệp Quảng Ninh nhận tín hiệu vui khi gần 250ha quế hữu cơ Đầm Hà xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản. Việc cây quế được đón nhận tại các thị trường khó tính thêm phần khẳng định hướng đi đúng của nông nghiệp hữu cơ với ngành Nông nghiệp tỉnh. Điều này tiếp tục thôi thúc nhiều nông hộ trong tỉnh thay đổi tư duy sản xuất theo hướng nông nghiệp an toàn, là sản xuất hữu cơ. Đến nay trên địa bàn tỉnh bước đầu hình thành một số mô hình nông nghiệp hữu cơ, điển hình như: Vùng nuôi rươi kết hợp trồng lúa hữu cơ Đông Triều, Quảng Yên, Uông Bí; chăn nuôi lợn thịt hữu cơ tại Cẩm Phả; trồng rau hữu cơ tại Quảng Yên…
Nhận thấy tác động to lớn của việc sản xuất hữu cơ, để bắt nhịp xu thế này, HND các cấp trong tỉnh đang tích cực phối hợp với các ban, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân chuyển đổi quy trình sản xuất theo hướng an toàn. Bước đầu là áp dụng và nâng cấp quy trình trồng trọt, chăn nuôi theo hướng VietGAP, Global Gap lên tầm cao hơn.
Trước đây, người dân xã Sơn Dương (TP Hạ Long) trồng cây ổi theo phương pháp truyền thống, bước đầu xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm này. Tuy nhiên, cách làm này khiến cho quả ổi không đạt chất lượng đồng đều, sản lượng thấp, giá thành không cao. Từ đầu năm 2021, HND xã Sơn Dương phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp vận động 45 hộ trồng cây ổi thôn Đồng Giang áp dụng quy trình VietGAP vào trồng, chăm sóc cây ổi. Với quy trình này, hơn 9ha cây ổi của các hộ thử nghiệm đã đạt chứng nhận VietGAP với sản lượng, chất lượng và giá thành cao hơn trước.
Ông Vy Văn Tuyên, một hộ trồng cây ổi xã Sơn Dương, cho biết: So với mô hình trồng cây ổi thông thường, trồng cây ổi theo quy trình VietGAP phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về liều lượng, chủng loại, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Các hộ trồng được khuyến khích xử lý cỏ dưới gốc cây ổi bằng phương pháp thủ công, hạn chế dùng thuốc gốc hóa học để đảm bảo an toàn thực phẩm. Áp dụng quy trình này, chất lượng quả ổi tốt hơn các vườn ngoài mô hình, thịt quả thời kỳ thu hoạch chắc và ít chua hơn, bán được giá hơn. Quan trọng nhất là sản phẩm tạo ra có uy tín với người tiêu dùng.
Theo HND xã Sơn Dương, việc áp dụng quy trình VietGAP là bước đầu, về lâu dài Hội khuyến khích các hộ trồng cây ổi cải tiến quy trình trồng trọt, chăm sóc theo hướng sản xuất hữu cơ để không ngừng nâng cao giá trị nông sản, mang lại thu nhập tốt hơn cho người trồng cây ổi trên địa bàn.
Hướng đi của HND xã Sơn Dương cũng là lựa chọn lâu dài của HND TX Đông Triều, HND huyện Hải Hà... với kỳ vọng đưa diện tích na VietGAP, chè VietGAP của hội viên, nông dân phát triển cao hơn về chất lượng, để thương hiệu na dai Đông Triều, chè Hải Hà tiếp tục hiện diện ở nhiều thị trường lớn hơn.
Yến Vy
Liên kết website
Ý kiến ()