Ngày 17/12/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp thông qua Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2019-2021, trong đó có nội dung nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long, với sự tán thành của 100% đại biểu có mặt. Trước đó, chủ trương lớn này cũng đã nhận được sự đồng thuận gần như tuyệt đối của cử tri 2 địa phương Hoành Bồ và TP Hạ Long, cùng 100% sự tán thành của các đại biểu HĐND huyện Hoành Bồ, TP Hạ Long và đại biểu HĐND tỉnh.
Nhìn từ thực tiễn trong nước và quốc tế, các đô thị muốn phát triển bền vững đều phải có một chiến lược riêng để phát triển về không gian.
Việc sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long sẽ giải được bài toán về không gian phát triển cho thủ phủ của tỉnh Quảng Ninh. Bởi lẽ, trong các quy hoạch chiến lược của tỉnh cũng đã đánh giá TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ có mối liên hệ gắn bó đặc biệt trên hầu hết phương diện. Hai địa phương có nhiều điểm tương đồng, gắn kết khách quan với nhau từ lịch sử, văn hóa, địa giới, kết nối KT-XH. Mặt khác, theo các chuyên gia nhận định, việc sáp nhập sẽ giúp các địa phương có thêm nguồn lực để phát triển, đồng thời tháo gỡ được những điểm nghẽn cơ bản trong phát triển của 2 địa phương hiện nay. Đó là việc thiếu dư địa về không gian phát triển, việc giảm sút chất lượng đô thị trong khu vực nội thành, quá tải trong hệ thống hạ tầng kỹ thuật... ở TP Hạ Long.
Còn đối với Hoành Bồ - địa phương giáp ranh với TP Hạ Long, có diện tích tự nhiên lớn nhất tỉnh, tài nguyên thiên nhiên phong phú, có nền văn hóa nhiều màu sắc nhưng xuất phát điểm nền kinh tế lại chưa có tích lũy, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển như hiện nay. Quá trình khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên chưa tương xứng với tiềm năng của huyện, còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện bên ngoài và tiềm năng chưa được phát huy. Sức ép của việc giải quyết mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập với bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng lớn. Mức độ đô thị hóa của huyện thấp so với toàn tỉnh (khoảng 21,5%); hệ thống đô thị trong vùng còn phân bố không đều, chưa phát triển đồng bộ...
Nhìn lại lịch sử phát triển 2 địa phương, việc mở rộng địa giới hành chính, không gian phát triển của TP Hạ Long đã được Đảng và Nhà nước, các thế hệ lãnh đạo Trung ương và tỉnh Quảng Ninh qua các thời kỳ đặc biệt quan tâm. Điển hình như năm 1958, tỉnh đã sáp nhập xã Thành Công thuộc huyện Hoành Bồ vào TX Hồng Gai; đến năm 1991, tiến hành sáp nhập xã Thành Công vào phường Hà Khẩu; năm 2001, tiếp tục sáp nhập xã Việt Hưng và Đại Yên của huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long.
Chính vì thế, đầu quý IV/2019, khi cả nước đang tập trung thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021, Quảng Ninh đã quyết định sáp nhập Hạ Long và Hoành Bồ để có không gian phát triển. Đồng chí Đặng Huy Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, khẳng định: “Đây là thời điểm thích hợp để thực hiện nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long. Phương án này đã nhận được sự đồng thuận rất cao của nhân dân và cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ninh cũng như dư luận xã hội, cơ quan truyền thông”.
Theo Đề án Nhập địa giới hành chính huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long, khi hoàn thành việc sáp nhập, sẽ hình thành một đô thị loại I thuộc tỉnh lớn nhất cả nước về diện tích tự nhiên, độc đáo về cảnh quan, địa hình, tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, đặc trưng riêng có; tạo dư địa mới, nguồn lực mới, động lực mới, giá trị khác biệt mới thúc đẩy thu hút và phát huy mọi nguồn lực tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Củng cố tiềm lực và thế trận quốc phòng an ninh, tạo động lực lan tỏa trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và khu vực phía Bắc, hạt nhân thúc đẩy xây dựng tỉnh Quảng Ninh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Câu chuyện mở rộng không gian phát triển, không đơn thuần chỉ là việc nhập 2 địa phương trở thành 1 địa phương có diện tích lớn hơn. Mà đi cùng với đó, hệ thống chính trị sẽ phải giải quyết, làm rõ rất nhiều nội dung; những khó khăn chắc chắn sẽ gặp phải trong giai đoạn đầu.
Chính vì vậy, tỉnh Quảng Ninh đã đặt mục tiêu rất rõ, trong quá trình thực hiện các quy trình theo quy định về việc sáp nhập, phải đảm bảo không gây ảnh hưởng, xáo trộn đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của cả hai địa phương, hoạch định những nhiệm vụ trọng tâm tập trung thực hiện trước, trong và ngay sau khi thực hiện sáp nhập. Trong đó phải đảm bảo những yêu cầu như: Gắn sắp xếp, sáp nhập với việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, cơ cấu lại chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thống nhất cơ cấu, số lượng tổ chức bộ máy; đánh giá, phân loại, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức gắn với chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2020-2025 và bầu cử Hội đồng nhân dân thành phố nhiệm kỳ 2021-2026. Xác định rõ số lượng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư để có cơ chế, chính sách và lộ trình giải quyết phù hợp. Việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức phải đồng bộ, có lộ trình, cách làm phù hợp, thận trọng, làm đến đâu chắc chắn đến đó, không chủ quan, nóng vội, không cầu toàn.
Để làm tốt những điều này, Thường trực Tỉnh ủy đã yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo nghiên cứu, rà soát, tính toán kỹ lưỡng, cẩn trọng, dân chủ, khách quan. Đặc biệt là phải đảm bảo toàn bộ hệ thống chính trị của TP Hạ Long mới vận hành thông suốt, hiệu lực, hiệu quả; giải quyết tốt nhất mọi vướng mắc nảy sinh, phát huy cao nhất hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực và cải thiện dân sinh sau khi nhập địa giới hành chính. Chú ý giải quyết chế độ, chính sách hợp lý cho cán bộ, công chức, viên chức có liên quan theo đúng quy định của Trung ương và của tỉnh.
Từ sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của nhân dân đạt tới tỷ lệ gần 100% và sự ủng hộ của Trung ương, chắc chắn sẽ là nền tảng quan trọng để TP Hạ Long sớm vận hành, đưa Hạ Long và Quảng Ninh vươn tầm cao mới.
Hồng Nhung
Trình bày: Tất Đạt
Ý kiến ()