Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:06 (GMT +7)
Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XIV: Xem xét, quyết nghị nhiều nội dung quan trọng
Thứ 4, 07/12/2022 | 19:03:34 [GMT +7] A A
Ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh đã dành thời gian nghe các báo cáo, tờ trình thuộc phạm vi, thẩm quyền, trách nhiệm được giao. Đã có gần 50 báo cáo, tờ trình được trình tại kỳ họp - đây là một trong những kỳ họp có số lượng báo cáo, tờ trình được xem xét nhiều nhất trong những năm gần đây. Điều đó khẳng định, HĐND tỉnh luôn tâm huyết, trách nhiệm, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết, vì lợi ích phát triển chung của tỉnh và đất nước.
Khẳng định một năm thắng lợi
Ngay trong bài phát biểu khai mạc kỳ họp của đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH do đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh, đều khẳng định: Năm 2022 phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch Covid-19, Quảng Ninh đã chủ động nhận diện, triển khai toàn diện, quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, từ xa, từ sớm, từ cơ sở. Qua đó đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; giữ vững sự đoàn kết, thống nhất, đà đổi mới, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường; giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc và niềm tin của người dân, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên; giữ vững biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác, phát triển; tạo nền tảng quan trọng để Quảng Ninh hoàn thành và hoàn thành vượt mức 13/13 chỉ tiêu KT-XH và môi trường đề ra.
GRDP năm 2022 ước đạt 10,28%, là năm thứ 7 liên tiếp đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số, lập nên kỳ tích trong giai đoạn mới. Tổng thu NSNN ước đạt 56.500 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu Trung ương giao và dự toán tỉnh giao, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước. Phát triển văn hóa, xã hội, chăm lo bảo đảm an sinh xã hội được quan tâm hơn, nhất là ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 100% địa phương cấp xã, cấp huyện và tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, bước vào giai đoạn xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, gắn với đô thị hóa có chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Chính trị, xã hội ổn định; QP-AN được giữ vững; công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, đi vào chiều sâu; Quảng Ninh tiếp tục vươn lên, giữ vững vị trí là một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.
“Những kết quả đạt được trong năm 2022 và liên tục trong 3 năm (2020-2022) trước những thách thức chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra, Quảng Ninh tiếp tục khẳng định là một trong những địa phương điển hình về chủ động phòng chống, kiểm soát hoàn toàn dịch Covid-19, chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân và thực hiện thành công mục tiêu kép; giữ vững và phát huy vai trò cực tăng trưởng toàn diện của phía Bắc; tạo ra thế và lực mới để thực hiện các mục tiêu còn lại của cả giai đoạn 2021-2025” - đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc kỳ họp.
Thành công của Quảng Ninh không những được các tầng lớp nhân dân, thế hệ cán bộ, đảng viên và cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, mà còn được Trung ương biểu dương. Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, ĐBQH tỉnh, khẳng định: Quảng Ninh đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ, tạo ra nền tảng, tiền đề cho xác định, thực hiện và hoàn thành nhiều chỉ tiêu năm 2022 và cả nhiệm kỳ 2020-2025. Những thành quả đó thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh với truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” luôn được phát huy và lan tỏa. Quảng Ninh tiếp tục là địa phương có đóng góp quan trọng, là trọng điểm tăng trưởng, thể hiện vai trò tiên phong trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và cả nước.
Năm 2023 - năm bản lề có ý nghĩa quan trọng đối với việc hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2021-2025); kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh 30/10 (1963-2023), Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xác định chủ đề công tác năm là “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân” và phấn đấu hoàn thành 12 chỉ tiêu về KT-XH, môi trường. Đó là, GRDP đạt trên 10%; tổng thu NSNN trên địa bàn hơn 53.062 tỷ đồng, trong đó thu XNK và thu nội địa phấn đấu đạt số thu cao nhất và hoàn thành chỉ tiêu về thu tiền sử dụng đất; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%, trọng điểm là thu hút vốn FDI ít nhất đạt 1 tỷ USD và phát triển mới ít nhất 2.000 doanh nghiệp; phấn đấu hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và triển khai xây dựng chuẩn nghèo mới.
Đại biểu HĐND tỉnh cần tập trung trách nhiệm, trí tuệ, thẳng thắn trao đổi, thảo luận, từ đó đưa ra những biện pháp chỉ đạo, điều hành một cách sáng tạo, hiệu quả dựa trên những kinh nghiệm đã được đúc rút, tạo dựng.
Ưu tiên chính sách an sinh xã hội
Ngày làm việc đầu tiên, HĐND tỉnh đã dành thời lượng thỏa đáng để các cơ quan, đơn vị báo cáo, thẩm tra nhiều tờ trình mang mục tiêu, chiến lược dài hạn đối với nhiều chính sách đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Theo nhiều đại biểu HĐND tỉnh, kỳ họp đã bàn thảo nhiều chính sách tạo nguồn lực, động lực lớn để giúp cho nhiều đối tượng được thụ hưởng và qua đó có thêm những cố gắng hơn trong công việc, cuộc sống, nhất là đối với những đối tượng yếu thế. Điều này khẳng định cho quan điểm nhất quán của tỉnh không để ai bị bỏ lại phía sau, mọi người dân đều được hưởng thành quả tăng trưởng kinh tế.
Một trong những nội dung được đại biểu và cử tri đặc biệt quan tâm, đó là việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 21/NQ-HĐND (ngày 16/7/2021) của HĐND tỉnh quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh. Thực tế, quá trình đưa nghị quyết này vào cuộc sống, đến nay một số nội dung không còn phù hợp, cần được xem xét sửa đổi, bổ sung, đặc biệt có bổ sung thêm một số đối tượng có cuộc sống khó khăn. Theo đó, đối tượng bổ sung là người từ đủ 75 tuổi đến dưới 80 tuổi không có lương hưu, không có trợ cấp BHXH, trợ cấp xã hội hằng tháng khác và chưa được hưởng trợ cấp xã hội, đang sinh sống tại các xã, thị trấn thuộc các huyện và xã Lê Lợi (TP Hạ Long); người từ đủ 70 tuổi đến dưới 80 tuổi không có vợ hoặc chồng, không có con, không có lương hưu, không có trợ cấp BHXH, trợ cấp xã hội hằng tháng khác.
Theo đại biểu Vũ Thị Diệu Linh, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh, cần phải bổ sung thêm đối tượng được thụ hưởng tại tất cả các xã, phường thuộc thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, chứ không chỉ gói gọn đối tượng ở xã Lê Lợi (TP Hạ Long) và các huyện trong tỉnh. Bởi thực tiễn, các đối tượng đang sinh sống ở những xã, phường thuộc các thị xã, thành phố của tỉnh cuộc sống còn nhiều khó khăn và bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố về dịch vụ, giá cả...
Ngoài những đối tượng thuộc diện nêu trên, chính sách mới được xem xét cũng đề cập việc tăng mức trợ cấp xã hội đối với người nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội từ 500.000 đồng/tháng lên 650.000 đồng/tháng. Điều này thể hiện sự nỗ lực rất lớn của tỉnh trong việc quan tâm chăm lo đến các đối tượng yếu thế, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Tờ trình khác liên quan đến quy định về chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ đào tạo sau đại học đối với viên chức các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế giai đoạn 2023-2025, đây là nội dung mới, nhận được sự quan tâm rất lớn đối với cán bộ, viên chức đang làm việc tại các cơ sở y tế, giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Huệ, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh cho rằng, HĐND tỉnh cần thiết phải ban hành nghị quyết về quy định chính sách này, trong đó thống nhất hỗ trợ đào tạo sau đại học áp dụng đối với đội ngũ bác sĩ làm việc trong các đơn vị sự nghiệp y tế để nâng cao trình độ chuyên môn, nâng cao chất lượng của hệ thống y tế, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân và áp dụng đối với đội ngũ viên chức là giảng viên Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ để nâng cao chất lượng giảng viên, hướng tới xây dựng trường đạt chuẩn. Còn đối với đội ngũ viên chức là giáo viên các trường phổ thông, dự thảo Nghị quyết chưa tập trung vào đối tượng hỗ trợ theo mục tiêu của tỉnh, do vậy đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo rà soát, đề xuất chính sách hỗ trợ đảm bảo tổng thể, toàn diện, cụ thể hóa chủ trương của tỉnh.
Trong bài phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, khẳng định: Những nội dung trình, thảo luận, xem xét, quyết nghị tại kỳ họp này là những vấn đề rất quan trọng, cần thiết, không chỉ đảm bảo cho sự ổn định, đổi mới phát triển của tỉnh trong năm 2023, mà còn cho cả giai đoạn 2021-2025. Khối lượng công việc nhiều, đồng nghĩa với trọng trách đặt lên vai của các đại biểu HĐND tỉnh lại càng phải lớn hơn. Cử tri trên địa bàn tỉnh đều đang tập trung theo dõi và tin tưởng vào trí tuệ của các đại biểu HĐND tỉnh để xem xét, quyết nghị, đảm bảo các nghị quyết phù hợp với lòng dân, nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Mạnh Trường - Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()