Sau video giới thiệu của YouTuber Stranger Part giữa tháng 7, hệ thống sửa lỗi màn hình OLED của iPhone bằng laser được thảo luận sôi nổi trên các diễn đàn công nghệ trong và ngoài nước. Thực tế, thiết bị này đã được một số cửa hàng ở Việt Nam nhập về khoảng ba tháng nay.
Ông Trần Anh, chủ cửa hàng sửa chữa điện thoại ở Cầu Giấy (Hà Nội), cho biết đã đầu tư vài trăm triệu đồng để sở hữu sớm một máy laser loại cao cấp. Trong khi đó, trên thị trường đang phổ biến dòng máy số hiệu EN-LS23 với mức giá khoảng 290 triệu đồng theo niêm yết trên trang web của các đơn vị phân phối.
Không thể sửa mọi lỗi sọc màn hình iPhone
Quốc Đạt (Hưng Yên) cho biết iPhone 12 Pro Max của anh xuất hiện đường sọc ngang màn hình sau khi đánh rơi và giới thiệu giải pháp khắc phục bằng thiết bị laser với chi phí chỉ bằng 20-30% so với thay mới. Kỹ thuật viên thực hiện quá trình chiếu tia và phục hồi màn hình. Tuy nhiên, đến công đoạn ép lại mặt kính, iPhone tiếp tục gặp lỗi và Đạt phải thay màn hình mới với giá vài triệu đồng.
Trên nhóm Facebook chuyên về sửa chữa điện thoại với 100.000 thành viên, nhiều người cho biết đã sửa thành công với phương pháp mới. Tuy nhiên, một số phản ánh tình trạng lỗi sọc sớm xuất hiện trở lại, dù họ chỉ để chung iPhone với đồ dùng trong túi, không làm rơi hay va đập mạnh.
Các chuyên gia đánh giá thiết bị laser hoạt động không "thần thánh" như được mô tả. Ông Trần Anh cho biết máy ứng dụng tính tạo nhiệt của tia laser để hàn đoạn mạch đứt, giúp tín hiệu được thông suốt và loại bỏ đường sọc.
"Nguyên lý sửa chữa tương tự việc người thợ hàn xì dùng que hàn nối hai thanh thép", ông Trần Anh giải thích.
Theo ông, chỉ số ít iPhone phù hợp sửa bằng laser. Hai chi tiết quan trọng đảm nhiệm chức năng hiển thị của màn hình iPhone là tấm nền OLED và bộ cáp màn hình. Phần nối giữa tấm nền và cáp gọi là cổ cáp. Khi cổ cáp bị tổn thương do tác động vật lý, thiết bị laser mới có thể can thiệp để sửa chữa.
"Đa phần cổ cáp bị tổn hại khi người dùng làm rơi máy, phần mặt kính vỡ gây chèn ép khiến nứt, gãy mạch. Ngoài ra, quá trình tháo lắp máy của thợ cũng có thể ảnh hưởng đến cổ cáp và tạo sọc màn hình", ông nói.
Thợ sửa điện thoại cho biết trường hợp iPhone đột nhiên bị sọc nhưng trước đó không chịu va đập, bị ngấm nước hoặc do vỡ tấm nền OLED đều không thể sửa bằng thiết bị laser. Bên cạnh đó, nếu vết nứt mạch cổ cáp quá rộng và nhiều, thiết bị laser cũng "bó tay".
Theo ông Đoàn Văn Cường, chủ cửa hàng sửa điện thoại tại Thanh Xuân (Hà Nội), sau chiếu laser, vết nứt trên mạch cổ cáp tan chảy, nối lại với nhau nhưng cũng trở nên mỏng và yếu. Điều này lý giải trường hợp thợ xóa sọc thành công cho khách, nhưng điện thoại tiếp tục xuất hiện sọc dù không bị tác động mạnh. "Mạch được nối luôn yếu hơn mạch nguyên bản, thợ và người dùng chỉ nên coi đây là giải pháp tình thế", ông nói.
Theo ông Trần Anh, chỉ 10% iPhone bị sọc màn hình trên thị trường có thể sửa bằng phương pháp mới. Các dòng iPhone X, XS Max, iPhone 11 có mạch cổ cáp rất mỏng nên thường bị cháy khi chiếu laser. Do đó, chỉ dòng iPhone 12 trở lên áp dụng được. Ông cho biết điều này làm giảm tệp khách hàng, khiến cửa hàng khó hoàn vốn sau khi đã bỏ vốn lớn đầu tư thiết bị.
Trong khi đó, người dùng cần khoảng 1,5 triệu đồng và hai tiếng chờ đợi nếu chọn giải pháp chiếu laser. Con số này khá thấp so với chi phí từ 5 đến 8 triệu đồng để thay màn hình OLED cho iPhone. Tuy nhiên, dù máy hội tụ đủ yếu tố để sửa bằng laser, khả năng màn hình hoạt động ổn định lâu dài không cao.
Một số chuyên gia đánh giá chiến lược giới thiệu sản phẩm của nhà sản xuất thiết bị laser đang khiến cộng đồng hiểu nhầm về công dụng của máy. Sau nhiều lần thử nghiệm, ông Cường nhận thấy phương pháp laser vẫn đòi hỏi thợ phải tháo máy, bóc tách mặt kính cùng lớp cảm ứng để bộc lộ tấm nền OLED, không như quảng cáo của nhà sản xuất về việc giúp sửa màn hình mà không cần can thiệp sâu. Sau khi chiếu laser, máy vẫn bị xếp vào dạng đã can thiệp phần cứng và giảm giá trị.
Ý kiến ()