Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 05/12/2024 01:59 (GMT +7)
Tái cơ cấu đầu tư công: Biện pháp sử dụng nguồn vốn hiệu quả
Thứ 4, 03/09/2014 | 10:55:15 [GMT +7] A A
Sau 3 năm thực hiện quyết liệt tái cơ cấu đầu tư công, Quảng Ninh đã bước đầu khắc phục được tình trạng bố trí vốn dàn trải trong đầu tư xây dựng cơ bản, góp phần sử dụng nguồn vốn đầu tư có hiệu quả.
Huỷ bỏ, giãn, hoãn 318 dự án đầu tư
Theo đó, công tác rà soát các dự án đầu tư xây dựng cơ bản tiếp tục được tỉnh đẩy mạnh thực hiện. Đến hết năm 2013, số lượng dự án đã có văn bản chính thức huỷ bỏ quyết định đầu tư, đình hoãn, giãn tiến độ, xác định điểm dừng kỹ thuật, chuyển đổi hình thức đầu tư là 318 công trình. Trong đó: 16 công trình do các sở, ngành của tỉnh làm chủ đầu tư; 302 công trình ở các huyện, thị xã, thành phố.
Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Minh Chính kiểm tra tiến độ xây dựng trường dân tộc nội trú Tiên Yên. |
Các dự án bị cắt giảm, hoãn, giãn tiến độ để tập trung vốn đầu tư công cho các dự án trả nợ, chuyển tiếp và các dự án có khả năng hoàn thành trong năm làm giảm nợ đọng một số dự án, tạo điều kiện cho một số nhà thầu có dự án tập trung đầu tư giải quyết được nợ xấu ngân hàng, hàng tồn kho… Đặc biệt, tỉnh đã tăng cường kiểm tra, rà soát đôn đốc công tác quyết toán dự án hoàn thành để kịp thời chấn chỉnh tình trạng vi phạm thời gian lập báo cáo quyết toán, thẩm định, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành trên địa bàn toàn tỉnh và xây dựng phương án xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, các nguồn hợp pháp khác theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đến hết tháng 6-2014, nợ XDCB của tỉnh Quảng Ninh là 627.714 triệu đồng. Trong đó: Nợ XDCB các dự án hoàn thành đã phê duyệt quyết toán là 26.998 triệu đồng, nợ XDCB các dự án hoàn thành đã có quyết toán A-B nhưng chưa phê duyệt quyết toán là 60.443 triệu đồng, nợ XDCB các dự án hoàn thành chưa có quyết toán A-B là 193.610 triệu đồng, nợ XDCB các dự án chuyển tiếp là 346.663 triệu đồng.
Về khởi công các công trình mới được kiểm soát ngày càng chặt chẽ, tỉnh đã có nhiều chỉ đạo yêu cầu dừng quyết định đầu tư dự án, khởi công công trình mới. Do vậy, số dự án khởi công mới trên địa bàn toàn tỉnh đã giảm rõ rệt: Năm 2012, khởi công mới 268 dự án (khối tỉnh 16, khối huyện 252); năm 2013 khởi công mới 140 dự án (khối tỉnh 40, khối huyện 100); năm 2014 khởi công mới 96 dự án (khối tỉnh 39, khối huyện 57). Ở khối tỉnh chỉ khởi công các công trình thực sự quan trọng, cấp thiết; các huyện, thị xã, thành phố chủ yếu tập trung vào nhóm công trình để hoàn thành tiêu chí nông thôn mới.
Tập trung nguồn lực cho các công trình động lực
Mặc dù gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, song với sự chủ động, tích cực, quyết liệt, điều hành linh hoạt của cấp uỷ Đảng, chính quyền, nhiều giải pháp về đầu tư phát triển đã được triển khai có hiệu quả nhằm thực hiện tốt mục tiêu tái cơ cấu đầu tư công, thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, tập trung cho các công trình động lực, tạo sức lan toả.
Đặc biệt, trong lúc Chính phủ gặp khó khăn về bố trí vốn, tỉnh đã huy động và ứng vốn ngân sách để hoàn thành dứt điểm các tuyến đường huyết mạch, động lực cho phát triển các địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa (QL18C lên cửa khẩu Hoành Mô, Đường tỉnh 329 đoạn Mông Dương - Ba Chẽ…); giải phóng mặt bằng dự án nâng cấp QL18A đoạn Uông Bí - Hạ Long, đường nối QL18A với KCN cảng biển Hải Hà... Tập trung nguồn lực để hoàn thành đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện quốc gia khu vực nông thôn, dự án đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô; Bệnh viện Sản Nhi; Bảo tàng - Thư viện tỉnh; đường bao biển núi Bài Thơ, đường bao biển Lán Bè - Cột Đồng Hồ; Trường THPT Chuyên Hạ Long (giai đoạn 2); khu văn hoá Núi Bài Thơ và nhiều công trình, dự án khác. Đồng thời đa dạng hoá các hình thức đầu tư, chuyển đổi hình thức đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước sang các hình thức đầu tư BT, BOT đối với một số dự án động lực như: Dự án nâng cấp cải tạo QL18A đoạn Uông Bí - Hạ Long… Bên cạnh đó, tỉnh còn tích cực kêu gọi tài trợ từ các tổ chức, cá nhân (dự án đưa điện lưới ra Cô Tô, xây dựng các trường học, lập các quy hoạch quan trọng, trang thiết bị y tế, tổ chức các sự kiện) với tổng kinh phí đã tiếp nhận trên 300 tỷ đồng; xây dựng nông thôn mới, đường vào Khu di tích Ngoạ Vân huyện Đông Triều, trường PTDT nội trú Tiên Yên, bổ sung trang thiết bị y tế…
Theo đó, tổng vốn huy động đầu tư phát triển từ năm 2011 đến hết kế hoạch năm 2014 là 167.991 tỷ đồng, tăng bình quân 5,17%/năm. Tỷ lệ vốn đầu tư/GDP giảm dần lần lượt qua các năm từ 70%, 60%, 57% và xuống 52% năm 2014. Trong đó vốn đầu tư nước ngoài tăng 74,67%/năm (do hiệu quả của Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2012).
Với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong tái cơ cấu đầu tư, Quảng Ninh đã giữ ổn định được tổng mức đầu tư toàn xã hội, duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế. Điều này đã khẳng định sự chỉ đạo đúng hướng của tỉnh trong việc cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư quốc tế vào tỉnh; việc vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh sẽ có tác dụng tích cực đến sự thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế.
Thanh Phong
Liên kết website
Ý kiến ()