4
18
/
1020388
Tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường - Bài 3: Giải bài toán nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên
longform
Tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường - Bài 3: Giải bài toán nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên

 

 

Trong quá trình phát triển, những nguy cơ, tác động xấu đến môi trường tự nhiên xuất hiện ngày càng nhiều, đòi hỏi tỉnh Quảng Ninh phải nỗ lực đi tìm những giải pháp tổng thể, đồng bộ, dài hơi. Quá trình này không chỉ diễn ra 1-2 năm mà trong cả thập kỷ qua, với sự nỗ lực không ngừng. Quảng Ninh đã có nhiều cách làm hay, riêng có, phù hợp với thực tiễn địa phương để đi tìm lời giải tối ưu cho bài toán nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên.

Giai đoạn trước năm 2010, nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, như: Vàng Danh (TX Uông Bí); Hà Tu, Hà Khánh, Hồng Hà (TP Hạ Long); Cọc Sáu, Mông Dương, Cao Sơn (TX Cẩm Phả)... Ở những khu vực này, những hàng cây, nền đường, nhà cửa, tường rào đều bị bám bụi than đen xì, nhiều người dân bị mất ngủ bởi tiếng ồn của những đoàn xe chạy liên tục suốt ngày đêm. Theo số liệu quan trắc và phân tích môi trường của Sở TN&MT giai đoạn này, tại những khu vực trên, hàm lượng bụi lơ lửng trong không khí đều vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1-4 lần và phần lớn bị tác động bởi hoạt động khai thác than, xi măng, nhiệt điện.

Đi cùng với bụi, nước thải cũng là một vấn đề từng gây nhiều bức xúc cho người dân. Mặc dù có trên 90% dân số đô thị được tiếp cận với nước sạch, cao hơn so với các tỉnh, thành khác trong nước, nhưng chất lượng của nguồn nước vẫn chưa được chú trọng; chỉ có 30% các hộ gia đình khu vực nông thôn được tiếp cận với nước sạch đạt chuẩn. Phần nước mặt và nước ven biển bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi hoạt động sản xuất công nghiệp nặng, khi phần lớn nước thải không được xử lý trước khi thải ra biển.

Ngoài nước thải từ sản xuất công nghiệp, Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long còn bị đe dọa bởi hàng nghìn tàu cá, tàu du lịch và hoạt động của các làng chài trên biển. Tải lượng ô nhiễm từ các hoạt động này tương đương với 30% tải lượng ô nhiễm từ dân cư trong khu vực. Trung bình mỗi năm Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long hứng chịu khoảng 43.000 tấn COD, 135 tấn kim loại nặng, 800.000 tấn rác thải rắn…, khiến cho hàm lượng chất rắn lơ lửng trong môi trường nước khá cao, vượt giới hạn cho phép  từ 1,55-40 lần, gây những tác động lớn và toàn diện tới môi trường cũng như cuộc sống của người dân.

Mặc dù là địa phương giàu có về nguồn tài nguyên, đa dạng sinh học biển với hơn 60.000ha vùng ven biển, nhiều loài hải sản quý giá, thế nhưng việc môi trường nước bị ô nhiễm cộng với tình trạng đánh bắt thủy sản theo phương thức tận diệt, dẫn đến nhiều nguồn lợi thủy sản bị suy giảm một cách nghiêm trọng.

Điển hình như hệ thống rạn san hô tại Cô Tô. Trong nhiều năm, những phương pháp khai thác tận diệt như lưới đóng, giã cào, te, cầu, chất nổ... đã làm hệ sinh thái rạn san hô tại vùng biển Cô Tô mất tới 90% về độ phủ và phạm vi phân bố. Hậu quả là nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế ở Cô Tô đã ít như tôm hùm, bào ngư, hải sâm... và loại hình dịch vụ du lịch thú vị là lặn ngắm san hô mất đi cơ hội phát triển, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, việc làm của một bộ phận dân cư trên địa bàn.

Về tài nguyên rừng, Quảng Ninh là tỉnh có diện tích rừng lớn nhất (388.000ha) so với các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Thống kê cho thấy, dù diện tích rừng ngày càng tăng nhờ những nỗ lực của tỉnh và Nhà nước, nhưng diện tích rừng nguyên sinh, rừng đặc rừng đã bị giảm mạnh, diện tích rừng gỗ lớn không nhiều. Đối với rừng ngập mặn, từ năm 2000-2010 đã giảm 262ha/năm (tương đương với 1,21%/năm), khiến cho sinh kế của người dân bị ảnh hưởng và giảm nguy cơ chống chọi với thiên nhiên.

10 năm trở lại đây, Quảng Ninh đã tìm mọi giải pháp để giảm thiểu sự tác động đến môi trường tự nhiên, coi nhiệm vụ này là một trong những "xương sống" trong chiến lược phát triển của tỉnh. Tỉnh yêu cầu ngành Than, nhiệt điện, xi măng và các doanh nghiệp phải triển khai đồng bộ các giải pháp, như: Hoàn thiện đánh giá tác động môi trường, thực hiện quan trắc môi trường, xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung, lắp đặt hệ thống phun sương dập bụi, lắp đặt băng tải khép kín trong vận chuyển than, di dời Nhà máy sàng tuyển than Nam Cầu Trắng... Hiện nay, các điểm nóng về ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh không còn nhiều, chất lượng cuộc sống của người dân ngày một nâng lên.

Đối với ô nhiễm nguồn nước mặt, nước biển, 10 năm qua, Quảng Ninh cũng cho thấy những hành động rất mạnh mẽ trong bảo vệ tài nguyên nước, nâng cao chất lượng nước sạch. Cụ thể, tỉnh đã yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường  kiểm tra, kiểm soát các hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm; kiểm tra đột xuất các cơ sở có hoạt động xả nước thải vào nguồn nước; tổ chức giám sát trữ lượng, chất lượng nguồn nước trong khai thác; yêu cầu trám lấp các giếng khoan thăm dò, khai thác nước ngầm không phù hợp quy hoạch, các giếng khoan tại khu vực, khu công nghiệp đã đấu nối với hệ thống cấp nước sạch tập trung.

Đồng thời, kiên quyết cấm các hoạt động chuyển tải clinker, xi măng; di chuyển các hoạt động khai thác, sàng tuyển, bóc rót than trên Vịnh; quản lý hoạt động vận chuyển khách tham quan du lịch và tàu lưu trú du lịch; tổ chức thu gom rác thải bảo vệ môi trường sinh thái trên Vịnh; hạn chế tối đa việc phát triển quỹ đất đô thị bằng hình thức lấn biển... Tỉnh cũng yêu cầu các địa phương phải chịu trách nhiệm toàn diện đối với các sự cố môi trường xảy ra trên địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý nếu để ảnh hưởng đến chất lượng nước đầu nguồn và hồ chứa nước trên địa bàn.

Trong 10 năm qua, Quảng Ninh đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết nhằm nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái. Đáng chú ý, có nhiều giải pháp quyết liệt, lần đầu tiên được tỉnh đưa vào thực hiện.

Trong đó phải kể đến Đề án di dân ở các làng chài trên Vịnh Hạ Long lên bờ sinh sống, được triển khai từ năm 2014. Đề án được đánh giá là sự thay đổi mang tính bước ngoặt, tạo sinh kế ổn định, lâu dài, nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng nghìn người dân làng chài bao đời lênh đênh trên sông nước, thiếu thốn trăm bề; đồng thời, góp phần quan trọng bảo tồn, phát triển bền vững môi trường Di sản Vịnh Hạ Long. Đến nay, hơn 1.700 cư dân vạn chài trên Vịnh đã có cuộc sống ổn định, được ở trong những ngôi nhà khang trang tại khu tái định cư Cái Xà Cong - khu 8 (phường Hà Phong, TP Hạ Long).

Năm 2017, Quảng Ninh xây dựng và triển khai Chỉ thị số 18-CT/TU "Về tăng cường công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh". Trong đó, có những giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ, không khoan nhượng đối với hoạt động đánh bắt thủy sản bằng hình thức tận diệt, để tái tạo lại những ngư trường xanh cho muôn đời sau.

Ông Nguyễn Đức Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT, đánh giá: Ngay sau khi có Chỉ thị số 18-CT/TU, cả hệ thống chính trị đã đồng lòng “tuyên chiến” với nạn khai thác thủy sản tận diệt và bất hợp pháp, việc tuyên truyền được tiến hành song song với các chế tài xử phạt rất nặng. Trong 2 năm, toàn tỉnh đã xử phạt 4.631 vụ vi phạm công tác quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thu phạt nộp ngân sách nhà nước gần 23 tỷ đồng; tịch thu, tiêu hủy nhiều ngư cụ tận diệt... Điều này đã giúp cho nhận thức của đông đảo ngư dân có sự chuyển biến rõ nét về hành vi, ngày càng có nhiều người dân hưởng ứng việc giải cứu, thả về tự nhiên các loài thủy sinh vật quý hiếm. Đặc biệt, tình trạng sử dụng các ngư cụ cấm, ngư cụ khai thác mang tính tận diệt nguồn lợi thủy sản đã từng bước được kiểm soát, không còn phổ biến, tràn lan như trước.

Cùng với thực hiện quyết liệt Chỉ thị số 18-CT/TU, để bảo tồn cảnh quan môi trường tự nhiên và đa dạng sinh học biển, phát triển lâm nghiệp bền vững, tỉnh đã ưu tiên nguồn lực và ban hành một loạt các chính sách lớn, dài hơi, như: Nghị quyết số 19-NQ/TU (28/11/2019) về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 1614/QĐ-UBND (19/5/2020) phê duyệt Quy hoạch chi tiết Khu bảo tồn biển Cô Tô, đảo Trần là khu bảo tồn loài, sinh cảnh cấp tỉnh. Đặc biệt, năm 2018, tỉnh lấy chủ đề công tác năm là “Bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên”.

Cách làm đồng bộ của tỉnh đã đem lại hiệu quả rõ rệt, gỡ dần những "nút thắt" trong bài toán phát triển theo hướng xanh hơn. Môi trường sống tại các khu đô thị, khu vực nông thôn miền núi, hải đảo tiếp tục được cải thiện theo hướng nâng cao bền vững. Hiện tượng bụi than, tiếng ồn trong các khu dân cư, rác thải, dầu mỡ trên mặt biển và nguồn nước mặt đã được hạn chế tối đa. Đặc biệt là chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong việc bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên, đảm bảo mọi người dân đều được thụ hưởng thành quả của sự phát triển.

Thực hiện: Hồng Nhung - Hoàng Nga

Trình bày: Đỗ Quang

Bài 4: Tăng trưởng xanh - kinh tế xanh

 

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu