Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 10:27 (GMT +7)
Tăng cường phối hợp chống buôn lậu khu vực biên giới, cửa khẩu
Thứ 4, 15/07/2015 | 07:53:39 [GMT +7] A A
Quảng Ninh là tỉnh duy nhất có đường biên giới trên bộ, trên biển tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) và có nhiều cửa khẩu, cảng biển quốc tế. Đây là những lợi thế để tỉnh thúc đẩy các hoạt động giao lưu kinh tế, lưu thông hàng hoá, kích thích sản xuất, phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ...
Một lô hàng không rõ nguồn gốc bị lực lượng, chức năng TP Móng Cái thu giữ tiêu huỷ tháng 6-2015. (Ảnh tư liệu) |
Trong năm 2013, 2014, nền kinh tế thế giới suy giảm, hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng gặp nhiều khó khăn. Tại các khu vực biên giới, cửa khẩu của tỉnh, đối tượng buôn lậu thường xuyên lợi dụng địa hình phức tạp có nhiều sông, suối, đường mòn, lối mở để làm địa điểm trung chuyển hàng hoá buôn lậu. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã bám sát văn bản chỉ đạo của Trung ương trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, chỉ đạo các địa phương, BCĐ 389 các địa phương và các ngành chức năng phối hợp xây dựng chương trình, phương án kiểm tra, kiểm soát; tăng cường biện pháp nghiệp vụ, thường xuyên theo dõi, nắm bắt diễn biến thị trường và đánh giá, dự báo tình hình để chủ động tham mưu, đề xuất, triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương. Tỉnh cũng chỉ đạo thành lập BCĐ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ở các địa phương, từ đó xây dựng quy chế về trách nhiệm, quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, phân định rõ địa bàn, khu vực, trách nhiệm và quan hệ phối hợp của từng ngành, từng lực lượng để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu…
Định kỳ hàng tháng, hàng quý và năm, các ngành chức năng phối hợp tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm. Các đơn vị duy trì trao đổi thông tin, trong đó tập trung phân tích những phương thức, thủ đoạn mới, các đường dây, ổ nhóm, các tuyến, địa bàn trọng điểm, hàng hoá, đối tượng và các vụ việc vi phạm… để các đơn vị chủ động nắm tình hình triển khai phương án đấu tranh, ngăn chặn; đồng thời triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển hàng hoá trái phép qua biên giới. Mặc dù các đối tượng buôn lậu hoạt động ngày càng tinh vi, thường xuyên bố trí người theo dõi, thậm chí chống trả quyết liệt khi bị phát hiện, nhưng nhờ chủ động bám sát địa bàn và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp của lực lượng chức năng, tình hình buôn lậu cơ bản được kiểm soát. Các vụ buôn lậu giảm cả về số lượng và giá trị hàng hoá vi phạm. Tính riêng năm 2013 và 2014, lực lượng chức năng trên địa bàn đã bắt giữ, xử lý 6.826 vụ/6.620 đối tượng; tổng số tiền xử phạt hành chính là trên 19,948 tỷ đồng; tịch thu hàng hoá trị giá 137.564 tỷ đồng; khởi tố 172 vụ/254 đối tượng… Mặc dù đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu khu vực biên giới, cửa khẩu, tuy nhiên, hoạt động buôn lậu ở khu vực này vẫn diễn biến phức tạp, đòi hỏi cơ quan, các ngành chức năng tiếp tục phối hợp tích cực hơn nữa và triển khai đồng bộ các giải pháp đấu tranh, ngăn chặn và xử lý hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới.
Thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về chương trình giám sát năm 2015, trước kỳ họp thứ 21 HĐND tỉnh, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát “Việc chấp hành pháp luật về thực hiện trách nhiệm phối hợp của các ngành chức năng trong phòng, chống buôn lậu khu vực biên giới, cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. Qua kết quả giám sát của Ban tại một số địa phương, cơ quan, đơn vị cho thấy rõ hơn “bức tranh” về công tác phối hợp giữa các ngành trong phòng, chống buôn lậu khu vực biên giới, cửa khẩu của tỉnh. Qua quá trình giám sát, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã chỉ ra những tồn tại trong công tác phòng, chống buôn lậu khu vực biên giới, cửa khẩu của các ngành chức năng. Cụ thể là: Ở một số địa phương, công tác chỉ đạo, kiểm tra phòng, chống buôn lậu chưa thường xuyên; việc đề xuất, tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương của một số đơn vị, bộ phận chức năng chưa kịp thời; công tác nắm, dự báo, phân tích tình hình đối tượng, địa bàn liên quan đến buôn lậu và khả năng xử lý tình huống đột xuất của một số ngành, lực lượng có thời điểm chưa tốt. Hiện nay, nhiều địa phương, đơn vị và lực lượng chức năng thiếu về phương tiện phục vụ công tác chống buôn lậu; cơ sở hạ tầng, kho bãi tập kết kiểm tra, tạm giữ hàng hoá còn hạn hẹp. Trong khi đó, nhiều đối tượng buôn lậu sử dụng phương tiện rất tinh vi, hiện đại; các phương tiện có tải trọng lớn, công suất cao, gây khó khăn cho việc thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn, truy đuổi đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới… Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh và các địa phương có đường biên giới, cửa khẩu tăng cường phối hợp dự báo tình hình, chia sẻ thông tin để chủ động hơn nữa trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới; đẩy mạnh kiểm tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của các cơ quan chức năng; có giải pháp lâu dài trong xây dựng chính sách tạo việc làm, chuyển đổi nghề bền vững cho người dân khu vực biên giới để họ yên tâm định cư lâu dài. Cùng với đó, các ngành chức năng tăng cường hơn việc rà soát quy chế phối hợp để điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp; đồng thời đổi mới nội dung và phương pháp tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống buôn lậu…
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()