Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 12:26 (GMT +7)
Tăng cường xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn
Thứ 3, 21/03/2023 | 13:47:54 [GMT +7] A A
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, mỗi năm, trên địa bàn tỉnh phát sinh hơn 8.924 tấn chất thải nguy hại và hơn 614,942 tấn chất thải y tế. Công tác quản lý, xử lý loại chất thải này luôn được tỉnh chú trọng thực hiện.
Hiện trên địa bàn tỉnh có Nhà máy xử lý chất thải nguy hại tại xã Dương Huy (Cẩm Phả) của Công ty TNHH MTV Môi trường - TKV. Đây là cơ sở xử lý chất thải được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép, gồm 4 hệ thống với công suất: Lò đốt chất thải FB-500R với công suất thiết kế 500kg/giờ; hệ thống tái chế dầu thải với công suất thiết kế 8.500kg/ngày; hệ thống xử lý ắc quy thải với công suất thiết kế 1.000kg/ngày; hệ thống xử lý, tái chế thùng phuy với công suất thiết kế 1.500kg/ngày.
Để đảm bảo xử lý tốt chất thải nguy hại, tỉnh đã giao các đơn vị chủ nguồn thải hợp đồng với các đơn vị được cơ quan có thẩm quyền cấp phép xử lý chất thải nguy hại trong và ngoài tỉnh để xử lý. Nhờ vậy đã có 8.576,681 tấn chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh được hợp đồng vận chuyển xử lý theo quy định, số còn lại hiện đang lưu kho.
Chất thải y tế cũng được tỉnh đặc biệt chú trọng. Với 31 cơ sở y tế trực thuộc Sở Y tế và 177 trạm y tế tuyến xã đều được đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý nước thải y tế; nhờ đó đã tách biệt hệ thống thu gom nước mưa chảy tràn với nước thải y tế. Nước thải y tế từ các khoa, phòng với lượng thải trung bình khoảng 2.000m3/ngày đêm đều được dẫn về hệ thống xử lý và được xử lý trước khi hòa vào hệ thống thu gom chung của các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn. Phòng xét nghiệm của các bệnh viện, trung tâm y tế đều được lắp đặt hệ thống xử lý khí thải bằng phương pháp hấp thụ, đảm bảo khí thải được xử lý theo đúng quy định.
Về chất thải rắn y tế cũng được các cơ sở y tế phân loại để quản lý ngay tại nơi phát sinh và tại thời điểm phát sinh. Tại khoa, phòng, bộ phận đều đặt bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa để phân loại chất thải y tế ở những vị trí phù hợp, an toàn. Và ở những vị trí này đều có hướng dẫn cách phân loại và thu gom chất thải. Riêng rác thải độc hại được lưu cữu ở hệ thống bảo ôn rác. Các cơ sở y tế trên địa bàn đều có quy định luồng đi và thời điểm thu gom chất thải lây nhiễm phù hợp để hạn chế ảnh hưởng đến khu vực chăm sóc người bệnh và khu vực khác. Với chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao đều được xịt khử khuẩn để xử lý sơ bộ trước để loại bỏ mầm bệnh.
Hiện nay, các đơn vị y tế đều ký hợp đồng với công ty môi trường để thu gom rác thải sinh hoạt thông thường; đồng thời ký hợp đồng với những đơn vị được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép xử lý chất thải nguy hại để thu gom, vận chuyển đưa chất thải lây nhiễm đi xử lý. Ví dụ như Bệnh viện Bãi Cháy có lượng bệnh nhân đông; rác thải nguy hại khoảng 200kg/ngày. Bệnh viện đã hợp đồng với Công ty CP Đầu tư và kỹ thuật tài nguyên môi trường ETC (đơn vị được cơ quan có thẩm quyền cấp phép) cho xe chuyên dụng đến thu 1 lần/ngày chất thải y tế nguy hại để đưa đi xử lý.
Được biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn có hệ thống lò đốt của Trung tâm Y tế huyện Cô Tô hoạt động để xử lý chất thải nguy hại của huyện bởi do đặc điểm là huyện đảo, điều kiện vận chuyển khó khăn.
Còn tại các vùng sản xuất nông nghiệp cũng đã chú trọng xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật. Khối lượng bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên đồng ruộng khoảng 12 tấn/năm. Các địa phương đã chủ động đầu tư và huy động nguồn lực trong dân xây dựng mô hình thu gom rác thải sinh hoạt gắn với thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, từng bước khắc phục thói quen xả rác thải bừa bãi trên đồng ruộng. Toàn tỉnh hiện có 4.403 bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật. Số bao bì này cũng đã được các địa phương hợp đồng với những đơn vị được cấp phép để xử lý theo quy định.
6/6 khu công nghiệp có dự án thứ cấp hoạt động và 4/5 cụm công nghiệp trên địa bàn đã đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung và hoàn thành lắp đặt quan trắc môi trường tự động kết nối, truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường. Các doanh nghiệp thứ cấp hoạt động trong KCN đều xây dựng, bố trí kho lưu trữ chất thải rắn, chất thải nguy hại phát sinh và ký hợp đồng chuyển giao cho đon vị có chức năng thu gom xử lý theo quy định hiện hành. Với Cụm công nghiệp Kim Sen chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, tuy nhiên các nhà đầu tư thứ cấp đã có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo quy chuẩn trước khi thải ra môi trường.
Việc tăng cường quản lý, xử lý chất thải nguy hại của các ngành chức năng, các địa phương và các đơn vị đã góp phần vào nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân trên địa bàn tỉnh, góp phần thu hút đầu tư, du lịch, phục vụ phát triển bền vững kinh tế xã hội của tỉnh.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()