Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:39 (GMT +7)
Tạo sức bật cho nông sản từ liên kết sản xuất
Thứ 5, 12/10/2023 | 16:24:51 [GMT +7] A A
Liên kết trong sản xuất nông nghiệp được xem là giải pháp quan trọng để nâng cao giá trị sản phẩm một cách bền vững, chính vì vậy, thời gian qua nhiều nông hộ, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đã chủ động hợp tác, hình thành các HTX, tổ hợp tác. Qua đó, từng bước nâng tầm thương hiệu cho nông sản, phấn đấu xây dựng danh hiệu "Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh".
Việc hình thành liên kết sản xuất thông qua mô hình HTX đã và đang mang lại nhiều cơ hội cho thương hiệu sản phẩm trứng vịt biển Đồng Rui (huyện Tiên Yên). Sản phẩm này được Hội Nông dân tỉnh tôn vinh là "Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh Quảng Ninh năm 2023" và đang được xếp hạng OCOP 4 sao.
Để có được kết quả như hôm nay, năm 2015, đứng trước nguy cơ suy giảm về chất lượng, các hộ chăn nuôi vịt biển đẻ trứng tại xã Đồng Rui đã thống nhất hình thành HTX để vực lại vị thế của thương hiệu trứng vịt biển Đồng Rui. Ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc HTX Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tiến cho biết: Năm 2015, HTX được thành lập với 7 thành viên là các hộ chăn nuôi vịt biển lấy trứng. Đến nay, HTX đã có 25 thành viên tham gia. Để sản phẩm trứng vịt biển Đồng Rui đạt tiêu chuẩn đồng nhất về chất lượng, chúng tôi đã đưa ra quy trình chăn nuôi riêng. Theo đó, HTX hỗ trợ từ cung ứng con giống, thức ăn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống bệnh, tiêm vaccine... đến bao tiêu sản phẩm. Các hộ tham gia vào quá trình chăn nuôi, thu hoạch.
Tính đến hiện tại, sản phẩm OCOP trứng vịt biển Đồng Rui đang có được đầu ra ổn định tại các siêu thị lớn, chuỗi cửa hàng thực phẩm, nông sản sạch trong tỉnh và các địa phương lân cận như Hà Nội, Hải Phòng... Ngoài ra, sản phẩm còn được đưa vào bếp ăn của các công ty than trên địa bàn tỉnh với lượng tiêu thụ khoảng 7.000 quả/ngày.
Còn đối với sản phẩm trà hoa vàng Ba Chẽ, việc hình thành liên kết sản xuất cũng đưa thương hiệu nổi tiếng của địa phương trở thành sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh trong năm 2023. Hiện tại, trên địa bàn huyện Ba Chẽ, các hộ trồng trà đã và đang liên kết với Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh và HTX Dược liệu trà hoa vàng Ba Chẽ để xây dựng vùng trồng, chế biến, bao tiêu sản phẩm.
Việc tham gia liên kết sản xuất đã góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm trà hoa vàng Ba Chẽ khi quy trình trồng, chăm sóc được chú trọng hơn, đảm bảo theo kỹ thuật, an toàn. Ngoài ra, các HTX, doanh nghiệp cũng đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chế biến, đóng gói, qua đó nâng cao giá trị thương hiệu, tính cạnh tranh trên thị trường của sản phẩm, từng bước đưa trà hoa vàng Ba Chẽ hướng đến mục tiêu xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Theo thống kê, diện tích trồng cây trà hoa vàng của huyện Ba Chẽ hiện đã phát triển đến gần 230ha, sản lượng thu hoạch hoa trà tươi bình quân đạt 20 tấn/năm, lá trà tươi là 65 tấn/năm. Doanh thu từ cây trà hoa vàng hằng năm trên địa bàn huyện Ba Chẽ khoảng hơn 20 tỷ đồng.
Có thể nói, việc hình thành liên kết sản xuất thông qua các nhóm, tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp đã và đang tạo cơ hội cho các sản phẩm nông nghiệp, nhất là những nông sản chủ lực, tiêu biểu phát triển bền vững, đầu ra ổn định hơn. Cùng với sự chủ động từ phía nông hộ, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh cũng đang tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng hành, hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, công nghệ, cây, con giống, đào tạo quản trị cho các HTX, tổ hợp tác. Qua đó, thúc đẩy mô hình liên kết sản xuất phát triển, nâng cao thu nhập cho hội viên nông dân, đồng thời, tạo điều kiện để những sản phẩm có thế mạnh mở rộng quy mô, nâng sức cạnh tranh trên thị trường.
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()