Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:49 (GMT +7)
Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khoá XIV Thành công từ sự chung sức đồng lòng
Thứ 4, 07/12/2022 | 07:58:02 [GMT +7] A A
Với sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, đến thời điểm này, Quảng Ninh đã cơ bản hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra của năm 2022. Dự kiến tăng trưởng GRDP ước đạt 10,21%, là năm thứ 7 liên tiếp (2016-2022) đạt mức tăng trưởng 2 con số. Đây được coi là kỳ tích, kỷ lục mới của Quảng Ninh sau hơn 35 năm đổi mới, thể hiện quyết tâm chính trị, sự đồng thuận, đoàn kết trong xã hội; sự nỗ lực và cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong triển khai các nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và của tỉnh, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân.
Vững tay chèo, vượt sóng cả
Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 25/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh "Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2022" xác định chủ đề công tác năm: "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; giữ vững đà tăng trưởng; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao". Trong đó mục tiêu tăng trưởng đặt ra quyết tâm đạt 2 con số, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân.
Ngay từ đầu năm, Quảng Ninh cũng như nhiều địa phương trong nước tiếp tục đối mặt với diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, số ca mắc mới tăng nhanh sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán; thị trường tiêu thụ, xuất nhập khẩu hàng hóa, cung ứng lao động... bị đứt gãy chuỗi sản xuất; ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine; tình trạng tăng giá nhiều mặt hàng thiết yếu, đã tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.
Trước tình hình đó, trên quan điểm chấp hành nghiêm túc, sáng tạo các chỉ đạo của Trung ương, bám sát thực tiễn với tầm nhìn xa, chiến lược, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nghiêm túc, chủ động, kịp thời vận dụng sáng tạo các chủ trương, nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào điều kiện thực tiễn của tỉnh; nâng cao chất lượng ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển theo hướng thiết thực, ngắn gọn, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm, toàn diện trên các lĩnh vực. Thường trực Tỉnh ủy đã ban hành 7 quy chế, quy định; 3 nghị quyết, 8 chỉ thị, 8 chương trình hành động, 105 kế hoạch, 107 báo cáo và trên 800 kết luận, thông báo để lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện trên các lĩnh vực công tác; đồng thời chỉ đạo và cho ý kiến về nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách, các vấn đề phát sinh, tập trung chỉ đạo các lĩnh vực công tác quan trọng...
Đặc biệt, trước diễn biến hết sức phức tạp, khó lường của dịch Covid-19, tỉnh đã nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, tự lực, tự cường, phát huy truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, nghiêm túc quán triệt, quyết liệt triển khai thực hiện linh hoạt, sáng tạo, có hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương, Ban Chỉ đạo quốc gia về công tác phòng, chống dịch phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Trong đó đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chiến lược tổng thể thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, quyết liệt chỉ đạo triển khai chiến lược vắc-xin “thần tốc” chủ động đi trước, làm trước, bảo đảm tuyệt đối an toàn. Nhờ đó, Quảng Ninh là một trong những địa phương hoàn thành sớm nhất với tỷ lệ bao phủ cao nhất vắc-xin phòng Covid-19 mũi 1, 2, 3 cho người từ 18 tuổi trở lên và mũi 1, 2 cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi; là địa phương đầu tiên tiêm chủng cho trẻ em từ đủ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi và là một trong những địa phương đi đầu tiêm mũi 4 cho các trường hợp có chỉ định tiêm.
Ngay từ những ngày đầu năm, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt với các giải pháp căn cơ, có tính khả thi trong phát triển kinh tế. Trong đó xác định rõ trách nhiệm của các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương gắn với trách nhiệm người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện; chỉ đạo xây dựng và triển khai có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2022-2023 theo Kết luận số 24-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ.
Đặc biệt, lãnh đạo, chỉ đạo phát huy tối đa vai trò trụ cột của ngành Than, điện và công nghiệp chế biến, chế tạo trong tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách. Chỉ đạo kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để ngành Than phát triển ổn định và tăng sản lượng tối đa đáp ứng nhu cầu than cho nền kinh tế; bảo đảm không để thiếu than cho sản xuất điện và không để thiếu điện phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân; tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 16/11/2020 của Tỉnh ủy nhằm phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; tạo điều kiện tối đa để các ngành xi măng, điện tử, dệt may, dầu ăn, bột mì... đẩy mạnh sản xuất, gia tăng số lượng sản phẩm, kết nối phát triển thị trường tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa. Chỉ đạo khai thác tối đa dư địa tăng trưởng từ lĩnh vực xây dựng; thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án đầu tư và khu vực dân doanh gắn với khuyến khích sử dụng nguyên vật liệu xây dựng được cung cấp trên địa bàn tỉnh.
Quảng Ninh cũng là địa phương đi đầu mở cửa du lịch mạnh mẽ, đúng thời điểm, trong đó nổi bật là xây dựng Chương trình mở cửa, phục hồi, thu hút mạnh mẽ khách du lịch đến Quảng Ninh năm 2022, gắn với triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ kích cầu du lịch theo Nghị quyết số 51/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 của HĐND tỉnh. Tỉnh tổ chức thành công nhiều chương trình văn hoá, thể thao lớn mang tầm khu vực và quốc gia, như: 7 môn thi đấu SEA Games 31; Đại EATOF 17 gắn với Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập EATOF; Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX, năm 2022… Qua đó góp phần lan tỏa hình ảnh một Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp - văn minh - hiện đại, “điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn”.
Lĩnh vực văn hoá, xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân trên địa bàn cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm. Tỉnh tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với lĩnh vực phát triển văn hóa, xã hội, con người, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, giảm chênh lệch vùng miền, khoảng cách giàu nghèo gắn với xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 theo tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Tỉnh ủy.
Năm 2022 tỉnh đã ban hành 58 kết luận, thông báo, văn bản liên quan tới lĩnh vực văn hóa - xã hội - con người; đưa 4 đơn vị cấp huyện và tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện Đề án và Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về tiếp tục nâng cao năng lực hệ thống y tế trên địa bàn; nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”; Đề án “Phát triển giáo dục, đào tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; Đề án “Phát triển nhà ở công nhân, lao động ngành than, khu công nghiệp, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng về làm việc, sinh sống tại tỉnh Quảng Ninh; Đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục phổ thông giai đoạn 2023-2025”; Đề án “Phát triển giáo dục mầm non tư thục tỉnh giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030”.
Đồng thời chỉ đạo chuẩn bị các điều kiện tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia trên địa bàn tỉnh, đảm bảo nghiêm túc, an toàn, đúng quy định. Công tác bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội tiếp tục được quan tâm, nổi bật là thực hiện hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, doanh nghiệp, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; tổ chức các hoạt động thăm, tặng quà Tết Nguyên đán, Tết Thiếu nhi, Tết Trung thu... Công tác giới thiệu bố trí việc làm và đảm bảo an sinh cho người có công tiếp tục được đảm bảo...
Theo đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh: Trong bối cảnh hết sức khó khăn đó, Quảng Ninh đã nhanh chóng định vị lại những cơ hội, thách thức, bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, dự báo đúng từ xa, từ sớm, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, khát vọng phát triển để trăn trở tìm tòi hướng đi, cách làm, sáng tạo trên tinh thần kế thừa, đổi mới, kiên định, phát triển… Từ đó, những khó khăn đã từng bước được giải quyết, tình hình sản xuất kinh doanh được thúc đẩy, kinh tế - xã hội nhanh chóng phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng.
Khí thế mới, động lực mới
Với sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, đến thời điểm này, Quảng Ninh đã cơ bản hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra của năm 2022. Nổi bật là tiếp tục thực hiện có hiệu quả chiến lược tổng thể thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, giữ vững địa bàn an toàn, ổn định, phát triển; chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân, ổn định sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội.
Quảng Ninh là một trong những địa phương trong nước hoàn thành sớm nhất, tỷ lệ bao phủ cao nhất tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Tốc độ tăng trưởng kinh tế 2 con số trong 7 năm liên tiếp (2016-2022) của tỉnh lập nên kỳ tích trong giai đoạn đổi mới. Năm 2022, tăng trưởng GRDP của tỉnh ước đạt 10,28%; thu NSNN trên 55.000 tỷ đồng, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước; đưa vào khai thác đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Tình Yêu, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, Quảng Ninh trở thành địa phương có số km cao tốc lớn nhất nước hiện nay, tạo đột phá về hạ tầng giao thông chiến lược, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng và hợp tác hội nhập quốc tế, mở ra không gian phát triển, tạo ra nguồn lực mới rất to lớn. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện đáng kể, quy mô, tiềm lực của nền kinh tế tăng lên rõ rệt, năm 2022 ước đạt trên 258.000 tỷ đồng, tăng 12,2% so với năm 2021; 100% địa phương cấp xã, cấp huyện và tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NT), bước vào giai đoạn xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu.
Đặc biệt, những quyết sách đúng đắn, kịp thời, đúng thời điểm đã phục hồi vững chắc ngành Du lịch, là nhân tố mang tính quyết định cho tăng trưởng năm với tổng lượt khách du lịch tăng gấp 2,6 lần so với năm 2021. Quảng Ninh tiếp tục vươn lên, giữ vững vị trí là một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc; tạo ra thế và lực mới củng cố vững chắc niềm tin trong nhân dân, tạo sự đồng thuận sâu rộng trong xã hội, nhân lên niềm tự hào của cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc Quảng Ninh.
Những kết quả đậm nét, quan trọng năm 2022 đã tạo dấu ấn nổi bật, có ý nghĩa quyết định hoàn thành cơ bản các mục tiêu của cả nhiệm kỳ, tạo ra niềm tin mới, khí thế mới, động lực mới, sức mạnh mới cho Ðảng bộ và nhân dân các dân tộc Quảng Ninh vững bước trong chặng đường tiếp theo, nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp.
Từ lực đẩy cùng những kinh nghiệm của năm cũ, năm 2023 Quảng Ninh xác định tiếp tục có những thời cơ, thuận lợi, khó khăn thách thức đan xen khi là năm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, có tính bản lề và ý nghĩa quan trọng đối với việc hoàn thành các mục tiêu Đại hội đã đề ra, cũng là năm kỷ niệm 60 năm ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh… Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định chủ đề năm 2023 là: “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”. Theo đó, tỉnh đặt ra mục tiêu tổng quát là tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới sáng tạo; chủ động, linh hoạt thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các loại dịch bệnh khác; huy động sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, giữ vững đà tăng trưởng bền vững hai con số; xây dựng, phát triển Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân…
Trên cơ sở mục tiêu tổng quát, Quảng Ninh đặt ra 14 chỉ tiêu cụ thể cho từng lĩnh vực. Trong đó có những mục tiêu lớn như tăng trưởng GRDP đạt trên 10%; tổng thu NSNN trên địa bàn đạt trên 53.062 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%, trọng điểm là thu hút vốn FDI ít nhất 1 tỷ USD vào các KCN, KKT; phát triển mới ít nhất 2.000 doanh nghiệp; tỷ lệ đô thị hóa đạt 69%; giữ vững vị trí nhóm đứng đầu cả nước về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI. Tỉnh quyết tâm hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, không để tái nghèo, phát sinh hộ nghèo; xây dựng và triển khai chuẩn nghèo mới của tỉnh…
Với việc xác định rõ mục tiêu hướng đến, xây dựng kịch bản chi tiết, kỹ lưỡng cho từng thời điểm, địa bàn, cùng sự đoàn kết, đồng lòng ủng hộ của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, sự quyết tâm, linh hoạt, sáng tạo, chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành, Quảng Ninh sẽ thực hiện thắng lợi toàn diện những chỉ tiêu, mục tiêu đề ra cho năm 2023. Qua đó tiếp tục khẳng định vị thế, uy tín, vai trò cực tăng trưởng toàn diện của phía Bắc, tạo ra thế và lực mới củng cố vững chắc niềm tin trong nhân dân, tạo sự đồng thuận sâu rộng trong xã hội, nhân lên niềm tự hào của cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc Quảng Ninh.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()