4
18
/
960642
Thảo luận tại tổ và hội trường: Sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm
longform
Thảo luận tại tổ và hội trường: Sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm

 

Chiều 29/7, Kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh khóa XIII đã tiến hành phiên thảo luận tổ và hội trường. Các phiên thảo luận diễn ra nghiêm túc, dân chủ, sôi nổi nhằm thảo luận kết quả phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm và phương hướng phát triển 6 tháng cuối năm 2019; tham gia cụ thể vào nội dung các dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp, nhất là nghị quyết về cơ chế, chính sách có tác động trực tiếp đến an sinh xã hội, đời sống nhân dân và sự phát triển của tỉnh.

 

Trong chiều 29/7, 5 tổ đều sôi nổi thảo luận các nội dung theo sự gợi ý của Chủ tịch HĐND tỉnh, đặc biệt là về kết quả phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm và phương hướng phát triển 6 tháng cuối năm 2019.

Thảo luận về tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ các tháng cuối năm, các đại biểu đều nhất trí cao với báo cáo và công tác chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh. Tuy nhiên để đảm bảo hoàn thành tốt nhất kế hoạch năm 2019, các đại biểu cho rằng UBND tỉnh cần có những giải pháp quyết liệt hơn nữa.

Phát biểu tại tổ thảo luận số 4, đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đánh giá cao công tác đổi mới của kỳ họp. Liên quan đến các nội dung trình tại kỳ họp, đồng chí cơ bản thống nhất với các nội dung kỳ họp đã nêu. Về phương hướng 6 tháng cuối năm, đồng chí đánh giá mức tăng trưởng đặt ra trong cả năm có thể đạt, nhưng cơ cấu tăng trưởng có thể khó đạt mục tiêu đề ra.

Đánh giá về nguyên nhân tỉ trọng ngành công công nghiệp phát triển cao hơn ngành dịch vụ, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Nguyên nhân khách quan là do ngành dịch vụ của tỉnh đã phát triển một thời gian dài nhiều năm qua nên nay phát triển chậm lại. Đồng chí cũng cho rằng, trong phát triển kinh tế xã hội không nên đặt nặng tỉ trọng giữa ngành công nghiệp và dịch vụ. Bởi muốn có tốc độ phát triển cao thì bất cứ tỉnh nào cũng cần phải có ngành công nghiệp. Do đó, trong thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa phương, tỉnh Quảng Ninh không quan trọng là công nghiệp hay thương mại dịch vụ. Chủ trương của tỉnh là các doanh nghiệp vào Quảng Ninh phải phát triển theo đúng định hướng của tỉnh là chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”. 

Đồng chí nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là duy trì mức tăng trưởng bền vững, thu ngân sách bền vững. 6 tháng đầu năm thu ngân sách của tỉnh có dấu hiệu chậm lại, điển hình nhất là thu ngân sách từ đất giảm. Nguyên nhân là do các vị trí đẹp đã hết. Do đó, nếu không có bước tạo động lực mới thì sẽ không đảm bảo được sự tăng trưởng bền vững của tỉnh. Do đó, thời gian tới UBND tỉnh sẽ nghiên cứu để vừa đảm bảo tăng trưởng ngắn hạn, vừa đảm bảo tăng trưởng dài hạn.

Nhấn mạnh về số lượng doanh nghiệp thành lập mới đầu năm ít, hoạt động khó khăn, đại biểu Nguyễn Thị Hạnh, Tổ ĐB huyện Hoành Bồ, đề nghị tỉnh cần rà soát lại, đánh giá cụ thể tình hình hoạt động, thành lập, giải thể của các doanh nghiệp. Đồng thời, đưa ra lộ trình phát triển ngành nghề để trên cơ sở đó, khuyến khích, định hướng doanh nghiệp phát triển cho phù hợp. Bên cạnh đó, cần tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đặc biệt cần chủ động kiến nghị Trung ương điều chỉnh một số quy định gây cản trở doanh nghiệp. Đối với những dự án lớn, trọng điểm nên thành lập tổ công tác để hướng dẫn, giúp đỡ nhà đầu tư, doanh nghiệp từ khâu xây dựng ý tưởng đến hoàn thiện, bàn giao dự án.

Cũng liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đại biểu Phạm Văn Thể, Tổ ĐB TX Đông Triều, quan tâm đến việc kêu gọi đầu tư vào tỉnh, kéo theo đó là vấn đề thu hút lao động. Đại biểu nguyễn Văn Đồng, Tổ ĐB TP Hạ Long, nhận xét: Trong hoạt động thu ngân sách, hiện còn nhiều doanh nghiệp nợ thuế với mức lớn, do đó cần tìm hiểu nguyên nhân để gỡ khó, đảm bảo nguồn thu trên địa bàn.

Đại biểu Nguyễn Đức Thành, Tổ ĐB huyện Vân Đồn, cho rằng trong 6 tháng cuối năm 2019, tỉnh cần quyết liệt trong điều hành thu, chi ngân sách. Đặc biệt quan tâm đến việc giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Nguyễn Hồng Dương, Tổ ĐB TP Cẩm Phả, cho rằng tiến độ giải ngân vốn xây dựng các công trình cơ bản thấp. Tình trạng này năm nào cũng gặp phải nhưng chưa có hướng khắc phục hiệu quả. Do đó cần phải đánh giá khách quan, tìm nguyên nhân cụ thể để khắc phục.

Về việc thực hiện chủ đề công tác năm 2019 “Nâng cao chất lượng và hiệu quả dich vụ”, đại biểu Nguyễn Hồng Dương, Tổ ĐB TP Cẩm Phả, cho rằng kết quả đạt được trong 6 tháng qua còn chưa rõ nét. Đại biểu đề nghị, để thúc đẩy ngành thương mại dịch vụ phát triển thời gian tới, tỉnh và các địa phương cần tiếp tục khai thác các lợi thế du lịch của Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long. Cùng với đó, quan tâm phát triển dịch vụ cảng biển. Ví dụ như Cẩm Phả còn nhiều tiềm năng về phát triển dịch vụ cảng biển nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Do đó trong định hướng phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm tỉnh nên tập trung triển khai các dự án phục vụ phát triển dịch vụ cảng biển ở Cẩm Phả.

Đại biểu Trần Văn Bừng, Tổ ĐB TP Móng Cái, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh, lo lắng đối với sự tăng trưởng khu vực dịch vụ thấp hơn so kế hoạch. Hoạt động XNK cũng gặp nhiều khó khăn, kim ngạch xuất khẩu đạt thấp. Nếu theo đà này thì khó đạt mục tiêu đề ra, đại biểu đề nghị tỉnh có chủ trương, giải pháp đối với các lĩnh vực nhất là lĩnh vực đầu tư, dịch vụ; tiếp tục quan tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm thị trường, chủ động tìm đối tác qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế đối ngoại.

Cũng liên quan đến tỷ trọng phát triển ngành dịch vụ đại biểu khách mời Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, một số dự án trọng điểm trên địa bàn huyện Vân Đồn, Cẩm Phả còn chậm nên đã ảnh hưởng đến tăng trưởng của ngành dich vụ; vấn đề quản lý nguồn thu từ hoạt động dịch vụ còn hạn chế. Vì vậy, cần đặc biệt quan tâm đến các giải pháp tăng tỉ trọng dịch vụ du lịch; cần phân tích và nêu rõ tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; phát triển kinh tế biển (du lịch, cảng biển, vận tải biển…).

Đối với các Tờ trình và dự thảo các Nghị quyết trình tại kỳ họp, các đại biểu đã quan tâm thảo luận; thẳng thắn, trách nhiệm tham gia với nhiều ý kiến xác đáng, phù hợp thực tế.

Đối với Nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đại biểu Bùi Thị Thơ, Tổ ĐB huyện Tiên Yên, đề xuất bổ sung quy định về điều kiện tổ chức học 2 buổi/ngày thì mới chi hỗ trợ ăn trưa, để tránh tình trạng chỉ học 1 ngày nhưng vẫn được hỗ trợ ăn giữa 2 buổi học. Cùng với đó, đại biểu đề nghị nêu rõ các điều kiện để được hỗ trợ: Có cần hộ khẩu thường trú tại Quảng Ninh hay không? Bởi thực tế tại huyện Tiên Yên, học sinh thường trú tại huyện Đình Lập (tỉnh Lạng Sơn) vẫn học tại địa bàn Tiên Yên. Đồng thời bổ sung điều kiện học sinh thuộc các thôn đặc biệt khó khăn, thay vì chỉ quy định tới các xã đặc biệt khó khăn để tránh bỏ sót đối tượng.

Cho ý kiến vào Nghị quyết ban hành một số chính sách thu hút học sinh, sinh viên nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho tỉnh Quảng Ninh trong một số lĩnh vực đào tạo tại Trường đại học Hạ Long, đại biểu Nguyễn Xuân Ký đồng tình với mức thưởng đối với sinh viên từ 19 điểm đến dưới 21 điểm. Một số đại biểu đề nghị bổ sung một số nội dung ràng buộc như: Ngừng hưởng chính sách khi nghỉ học tạm thời vì lý do ốm đau, tai nạn; hoàn trả kinh phí trong trường hợp thôi học, bị kỷ luật; ra trường phải làm việc tại tỉnh Quảng Ninh. Đại biểu Trần Trung Vỹ, Hiệu trưởng Trường ĐH Hạ Long, cho rằng cần tăng mức hỗ trợ tiền ăn đối với những đối tượng là sinh viên nghèo, gia đình chính sách có học lực khá trở lên.

Đối với Nghị quyết quy định số lượng, chức danh, một số chế độ chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; thôn, bản, khu phố trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đại biểu Nguyễn Thị Huệ, Trưởng Ban Pháp chế, HĐND tỉnh, đề nghị bỏ chức danh “Tổ trưởng Tổ dân phố”; xem xét điều chỉnh mức bồi dưỡng đối với 3 chức danh “Tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố, Tổ viên Tổ bảo vệ dân phố và Đội trưởng đội dân phòng” đảm bảo tương quan về mức bồi dưỡng chung. Đại biểu Trần Thị Thu Hoài, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND tỉnh, đề nghị dự thảo không nên đưa đối tượng là Tổ trưởng tổ dân phố vào đối tượng hỗ trợ vì đi ngược với chính sách tinh giản bộ máy biên chế hiện nay.

Tham gia vào Nghị quyết Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây  KKTCK Móng Cái đến năm 2040 tầm nhìn 2050, các đại biểu cơ bản thống nhất báo cáo của UBND tỉnh. Tuy nhiên, tại mục tính chất, mục tiêu của Nghị quyết cần điều chỉnh lại: KKTCK Móng Cái phải là vị trí rất quan trọng về chính trị, an ninh quốc phòng của vùng đồng bằng sông Hồng và quốc gia...

Sau thời gian thảo luận tại tổ, đúng 16h ngày 29/7, dưới sự điều hành của đoàn Chủ tọa kỳ họp, các đại biểu đã tiến hành phiên thảo luận tại hội trường.

Thảo luận về chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đại biểu Nguyễn Văn Thể, Tổ đại biểu TX Đông Triều, cho rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay gặp rất nhiều khó khăn về thu hút lao động và nhà ở cho công nhân.  Để các danh nghiệp nhỏ phát triển, đại biểu Nguyễn Văn Thể để nghị thời gian tới tỉnh cần xem xét xây dựng đề án thu hút lao động ở tỉnh ngoài vào làm việc trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của tỉnh. Đồng thời mở rộng chính sách xây dựng nhà ở hỗ trợ công nhân làm việc ở các cụm công nghiệp, khu công nghiệp trong tỉnh. Khi doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân, tỉnh nên hỗ trợ cho doanh nghiệp về lãi suất vốn vay ưu đãi.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Tổ ĐB huyện Đầm Hà, đề nghị tỉnh cần quan tâm hỗ trợ các địa phương đẩy nhanh tiến độ về đích Chương trình nông thôn mới và hoàn thiện Chương trình 135. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị chương trình giảm nghèo cần có quy định cụ thể về việc chuyển hộ không có khả năng thoát nghèo sang hưởng bảo trợ xã hội nếu đủ điều kiện. Đối với nội dung quy định chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, phường, thôn bản khu phố, đại biểu cho biết việc giảm các vị trí này là rất khó khăn và không giữ chân được cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn. Đại biểu đề nghị tỉnh cần xem xét nâng mức hỗ trợ đối với 3 chức danh được hưởng phụ cấp đồng thời.

Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Lê Minh Hải, Tổ ĐB Ba Chẽ, cho rằng để tiếp tục phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, phát triển các sản phẩm nông sản chủ lực, sản phẩm thuộc chương trình OCOP của tỉnh gắn với liên kết sản xuất trong nông nghiệp, nội dung hỗ trợ đặc thù của tỉnh cần được tiếp tục thực hiện. Tuy nhiên hạn mức hỗ trợ cần có thay đổi cho phù hợp với định hướng phát triển liên kết sản xuất của tỉnh. Nghị quyết mới quy định về ngân sách hỗ trợ 40% chi phí chuyển giao, ứng dụng KHCN kỹ thuật mới và quản lý chất lượng theo chuỗi, hạn mức vay tối thiểu để được hỗ trợ nâng lên 100 triệu đồng, mức hỗ trợ lãi suất 6%/năm/số dư nợ thực tế và nhiều nội dung khác là phù hợp với đối tượng thụ hưởng ở quy mô đầu tư vừa và nhỏ. Qua đó có thể khuyến khích và thu hút người sản xuất tiếp cận nguồn vốn vay lớn để phát triển đầu tư, mở rộng thực hiện liên kết sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân.

Góp ý vào dự thảo Nghị quyết về quy định số lượng, chức danh, một số chế độ chính sách với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, bản, khu phố, đại biểu Lê Minh Hải cho rằng mức khoán kinh phí hoạt động với các tổ chức chính trị, mức khoán hoạt động ở thôn, bản, khu phố còn thấp so với thực tiễn. Do đó, việc nâng mức khoán và phụ cấp là rất cần thiết nhằm đảm bảo hoạt động của đội ngũ không chuyên trách ở thôn, bản, khu phố; đồng thời điều chỉnh số lượng cán bộ không chuyên trách đơn vị hành chính cấp xã loại III từ tối đa 11 người xuống còn 10 người.

Đại biểu Lưu Văn Thưởng, Tổ ĐB Hải Hà, đề nghị HĐND tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung kịp thời chính sách hỗ trợ cho ngư dân đảm bảo phù hợp quy định của Luật Thủy sản năm 2017, ban hành chính sách đặc thù để hỗ trợ đối với các cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá và chủ phương tiện tàu cá đầu tư nâng cấp, cải hoán, đáp ứng quy định khai thác tại vùng khơi (chiều dài phương tiện khai thác), không hỗ trợ nâng cấp công suất máy để phù hợp theo quy định của Luật.

Đề nghị các ngành chức năng sớm ban hành các hướng dẫn triển khai các quy định mới của Luật Thủy sản năm 2017; tăng cường tuyên tryền cho các địa phương về Luật; Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản, các chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Quảng Ninh về cải hoán, nâng cấp phương tiện khai thác để ngư dân có điều kiện tiếp cận chính sách. Xem xét điều chỉnh quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh tại Quyết định số 4209/QĐ-UND ngày 15/12/2016 của UBND tỉnh về phê duyệt quy hoạch phát triển ngành Thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển tàu cá theo nhóm công suất máy sang nhóm chiều dài phương tiện theo quy định của Luật Thủy sản.

Đồng tình, nhất trí cao với báo cáo tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm 2019, đại biểu Lài Thị Hiền, Tổ ĐB huyện Bình Liêu, cho rằng: Báo cáo đã thể hiện được những kết quả tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt là công tác chỉ đạo, điều hành quyết liệt của UBND tỉnh. Đại biểu đề nghị thời gian tới, tỉnh quan tâm giải quyết kịp thời những nguyện vọng của các hộ chăn nuôi lợn bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi; có cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển các lĩnh vực có thế mạnh như nông nghiệp, du lịch.

Góp ý vào dự thảo các nghị quyết, đại biểu Lài Thị Hiền đề nghị việc thống kê các cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch đô thị đang tồn tại trong khu dân cư để di dời ra khỏi khu dân cư cần được thực hiện công khai, minh bạch, khách quan, tạo thuận lợi cho người được nhận hỗ trợ. Với dự thảo Nghị quyết về quy định số lượng, chức danh, một số chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã và thôn, bản, khu phố, đề nghị HĐND tỉnh xem xét quy định mức bồi dưỡng đối với phó bí thư chi bộ, phó trưởng thôn, khu phố bằng 50% mức phụ cấp của bí thư kiêm trưởng thôn, khu. Đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thực tế công việc và nhiệm vụ tương đối nặng nề, đề nghị nâng mức phụ cấp lên 1,5 lần lương cơ sở và nâng mức khoán quỹ phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã.

Nhóm PV

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu