Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 05/12/2024 01:58 (GMT +7)
Thu hút mạnh đầu tư của Nhật Bản: Quảng Ninh xác lập vị trí
Thứ 2, 04/08/2014 | 05:50:24 [GMT +7] A A
Hiện nay, Nhật Bản đã trở thành đối tác hợp tác kinh tế quan trọng, là quốc gia đầu tư FDI nhiều nhất vào Việt Nam. Coi trọng đối tác đầu tư chiến lược này, Quảng Ninh đã và đang nỗ lực hết sức để thu hút mạnh vốn đầu tư của Nhật Bản.
Đoàn công tác tỉnh Kanagawa, Nhật Bản thăm và làm việc tại Công ty TNHH Cảng Công-ten-nơ quốc tế Cái Lân. |
Đứng số 1 về nguồn vốn ODA
Trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Quảng Ninh, Nhật Bản là quốc gia viện trợ vốn vay ODA lớn nhất với 13 dự án. Tổng vốn cam kết 200 triệu USD với số vốn vay ODA là 193 triệu USD, vốn viện trợ hơn 6 triệu USD.
Các dự án ODA được triển khai trên địa bàn tỉnh tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như: Xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cấp giao thông nông thôn; xây dựng công trình thuỷ lợi; hỗ trợ trang thiết bị, hạ tầng cơ sở phục vụ cho tuyến y tế cấp huyện; cấp thoát nước, bảo vệ môi trường; trồng và chăm sóc rừng; nâng cấp hồ chứa, đập thuỷ lợi... Trong đó, có những dự án lớn như: Dự án cảng Cái Lân, dự án nâng cấp Quốc lộ 18A, dự án cầu Bãi Cháy... là những dự án hết sức quan trọng và có ý nghĩa trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển bền vững của tỉnh Quảng Ninh. Bên cạnh những dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, nguồn vốn ODA của Nhật Bản còn tập trung vào việc cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Cụ thể, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ 2 dự án (Dự án Hỗ trợ kỹ thuật bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long và Dự án Hệ thống tuần hoàn tài nguyên có sự tham gia của người dân địa phương trên Vịnh Hạ Long) với tổng vốn hơn 4 triệu USD. Các dự án của JICA tập trung vào vấn đề bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long, hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang tập trung phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư vận động nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản qua tổ chức JICA đối với 2 dự án: Dự án bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long, tổng mức đầu tư khoảng 111,48 triệu USD; Dự án xây dựng cầu Vân Tiên nối Quốc lộ 4B với đoạn Quốc lộ 4B kéo dài qua Khu kinh tế Vân Đồn, vốn đầu tư khoảng 100 triệu USD.
Đầu tư trực tiếp vẫn chưa cao
Tính đến tháng 6-2014, Nhật Bản có 4 dự án FDI còn hiệu lực tại tỉnh Quảng Ninh với số vốn đầu tư đăng ký 43,015 triệu USD, đứng thứ 12 trong số các quốc gia và lãnh thổ đầu tư vào Quảng Ninh.
Hiện nay đầu tư FDI của Nhật Bản chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tại Quảng Ninh là 43,015 triệu USD/4,84 tỷ USD chiếm 0,89% trên tổng số vốn đầu tư. Quy mô vốn đầu tư nhỏ, bình quân dự án FDI của Nhật Bản đầu tư vào Quảng Ninh chỉ là 10,75 triệu USD/dự án, trong khi quy mô trung bình một dự án FDI đầu tư vào Quảng Ninh là 49,8 triệu USD/dự án và quy mô bình quân của một dự án FDI của Nhật Bản tại Việt Nam là 16,3 triệu USD/dự án. Điều này cho thấy tỉnh Quảng Ninh trong thời gian qua mới chỉ thu hút được các dự án quy mô nhỏ của Nhật Bản, hiện qua khảo sát thì một số dự án này cũng không có kế hoạch tăng vốn hoặc mở rộng quy mô. Các dự án FDI của Nhật Bản tập trung đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp sản xuất chế biến, không tạo ra giá trị gia tăng cao, chưa đầu tư vào các ngành mà Nhật Bản có thế mạnh như công nghiệp điện tử, công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao, môi trường và tiết kiệm năng lượng… và cũng là các lĩnh vực mà tỉnh đang khuyến khích, kêu gọi đầu tư.
Như vậy, có thể thấy rằng các dự án chưa đáp ứng được kỳ vọng của tỉnh Quảng Ninh trong thu hút đầu tư từ Nhật Bản và cũng như chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của các nhà đầu tư Nhật Bản. Điều này cho thấy, Quảng Ninh chưa phải là địa bàn hấp dẫn đầu tư đối với các nhà đầu tư Nhật Bản thời gian qua.
Xác định nhà đầu tư chiến lược
Quảng Ninh đang thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng từ “nâu” sang “xanh”, phát triển công nghệ hiện đại, tập trung vào phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế tạo điện, điện tử, viễn thông, công nghệ sinh học, nông nghiệp công nghệ cao... nên rất phù hợp với thế mạnh, tương hỗ và bổ sung lẫn nhau của các nhà đầu tư Nhật Bản.
Quảng Ninh xác định Nhật Bản là nhà đầu tư chiến lược, do đó dành ưu tiên đặc biệt trong việc hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản. Với sự tư vấn của JETRO, tỉnh đã quy hoạch riêng các khu công nghiệp chuyên sâu dành riêng cho các doanh nghiệp Nhật Bản như Khu công nghiệp Việt Hưng (TP Hạ Long) diện tích hơn 300ha với những cơ chế ưu đãi cao nhất, cách cảng Cái Lân chỉ 5km, cách Hải Phòng 25km, Hà Nội 120km được quy hoạch cùng với Khu đô thị, làng văn hoá Nhật Bản với diện tích hơn 100ha bên bờ Vịnh Hạ Long; xây dựng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư dành riêng cho các doanh nghiệp Nhật Bản. Đặc biệt, tỉnh đã ký Thoả thuận hợp tác với JETRO để thúc đẩy hợp tác, thu hút đầu tư từ Nhật Bản vào Quảng Ninh, thành lập Hội đồng cố vấn Nhật Bản - Quảng Ninh...
Bên cạnh đó, các hoạt động giao lưu, hợp tác đầu tư, kinh tế, thương mại du lịch, trao đổi văn hoá giữa Quảng Ninh và Nhật Bản cũng được tăng cường và thúc đẩy. Trong công tác thu hút đầu tư, tỉnh Quảng Ninh đã đón tiếp, làm việc với 30 lượt các đoàn nhà đầu tư, doanh nghiệp của Nhật Bản đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư. Trong công tác quy hoạch, Quảng Ninh đã hợp tác với Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering LTD Nhật Bản lập quy hoạch vùng tỉnh Quảng Ninh...
Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Với mục tiêu phát triển Quảng Ninh trở thành tỉnh công nghiệp và cảng trung chuyển quốc tế trong tương lai, Quảng Ninh đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm tiếp tục tăng cường thu hút đầu tư từ Nhật Bản. Bên cạnh việc tập trung khai thác những lợi thế, tiềm năng của tỉnh trong lĩnh vực than, điện, du lịch, dịch vụ, thương mại biên giới... hiện nay tỉnh đang nỗ lực thu hút đầu tư phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ logistic, dịch vụ tài chính, ngân hàng, dịch vụ y tế. Tỉnh xem đây là những mũi nhọn đột phá, tạo năng lực mới, chuyển đổi cơ cấu phát triển trong thời gian tới.
Lê Hải
Liên kết website
Ý kiến ()