Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 02:02 (GMT +7)
Thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng DTTS
Thứ 2, 20/03/2023 | 14:50:59 [GMT +7] A A
Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2021-2025, Quảng Ninh có 56 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, phân bố ở 11/13 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh (trừ TX Quảng Yên và huyện Cô Tô). Với sự quan tâm của các cấp, các ngành và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai đồng bộ nhiều chương trình, chính sách, đề án phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi đã góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, từ đó góp phần nâng cao vai trò và vị thế của phụ nữ DTTS trong mọi mặt của đời sống xã hội.
Theo đó, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác bình đẳng giới vùng DTTS; thực hiện lồng ghép giới vào quá trình hoạch định chính sách trong văn bản pháp luật của tỉnh; thường xuyên quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ, trong đó có cán bộ nữ vùng DTTS... Tỉnh còn có các cơ chế, chính sách riêng, đặc thù thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ, tăng cường bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tăng số phụ nữ được hưởng lợi, nhất là phụ nữ nghèo, vùng DTTS, phụ nữ vùng cao, vùng sâu, biên giới, hải đảo, phụ nữ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bệnh dịch. Các sở, ngành, đoàn thể trên địa bàn cũng đã tích cực công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ và người dân vùng DTTS về bình đẳng giới.
Từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được hàng chục hội nghị tập huấn, tuyên truyền cho gần 3.000 đại biểu là lãnh đạo UBND xã, lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ công chức làm công tác tư pháp - hộ tịch, công tác dân tộc, hòa giải viên cơ sở, cán bộ, thôn, bản... về bình đẳng giới, hôn nhân gia đình, bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình, hệ lụy của việc lựa chọn giới tính trước sinh...
Đặc biệt, với vai trò nòng cốt, các cấp hội phụ nữ tỉnh đã đẩy mạnh phối hợp, triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ phụ nữ DTTS thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Một trong những chính sách thiết thực nhất là triển khai thực hiện “Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế”. Theo đó, Hội LHPN tỉnh đã tích cực phối hợp tham gia hoạt động ủy thác vay vốn Ngân hàng CSXH; thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU gắn với xây dựng nông thôn mới huy động nguồn lực xã hội hóa, hoàn thành kế hoạch hỗ trợ kinh phí giúp xã Đồng Văn (huyện Bình Liêu) xây 140 nhà tiêu hợp vệ sinh (trị giá 560 triệu đồng); hỗ trợ 2.860 bếp tiết kiệm nhiên liệu cho hộ phụ nữ DTTS, khó khăn các huyện Vân Đồn, Bình Liêu.
Cùng với đó, hội cũng tập trung tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và phát huy vai trò nòng cốt của hội viên phụ nữ trong thực hiện các mô hình xây dựng đời sống văn hóa cộng đồng dân cư khu vực đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Hiện 100% cơ sở hội phụ nữ vùng đồng bào DTTS duy trì các hình thức văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao với nhiều mô hình; trong đó phổ biến là CLB bóng chuyền hơi, dân vũ, bóng đá, thơ, hát dân ca.
Việc xây dựng các mô hình phổ biến giáo dục pháp luật góp phần nâng cao kiến thức, ý thức chấp hành pháp luật cho phụ nữ, nhất là phụ nữ DTTS, vùng sâu, vùng xa cũng được đặc biệt quan tâm. Hằng năm, hội đã xây dựng chương trình hành động, chỉ đạo các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đa dạng hoá hoạt động tuyên truyền, vận động. Thông qua các hình thức như: Tuyên truyền miệng, sinh hoạt, hội thảo, nói chuyện chuyên đề, giao lưu văn nghệ… hội viên, phụ nữ ngày càng chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và những quy định của địa phương.
Bên cạnh đó là công tác phối hợp biên soạn tài liệu pháp luật cung cấp cho hội viên và phụ nữ tại cộng đồng; vận động cán bộ hội tích cực tham gia nghiên cứu, tìm hiểu, nâng cao kiến thức pháp luật, thực hiện tốt công tác tuyên truyền pháp luật tới hội viên, phụ nữ...
Đến nay, hội đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn về kiến thức pháp luật cho hàng trăm cán bộ và hội viên phụ nữ cơ sở. Hoạt động này đã trang bị cho đội ngũ cán bộ các chi hội, tổ phụ nữ các xã vùng sâu, vùng xa nâng cao kỹ năng trong tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ thực hiện và chấp hành tốt những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Nhiều địa phương cũng đã xây dựng và nhân rộng các mô hình, như: Bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, phòng chống tảo hôn trong vùng đồng bào DTTS. Nội dung sinh hoạt của các mô hình này tập trung phổ biến kiến thức, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em, ngăn ngừa tình trạng bạo lực, kết hôn trước độ tuổi pháp luật quy định, tư vấn phát triển kinh tế... Thông qua đó, nhận thức của các thành viên trong câu lạc bộ thay đổi. Nam giới có sự chia sẻ, ủng hộ nhiều hơn với phụ nữ, làm tốt hơn vai trò của người chồng, người cha trong gia đình; nữ giới được cải thiện nhiều mặt, được nâng cao vai trò; việc hỗ trợ người bị bạo lực kịp thời hơn...
Trong năm 2022, các ngành, đoàn thể còn phối hợp với các trường dân tộc nội trú trên địa bàn tổ chức các diễn đàn “Học sinh DTTS nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”; tổ chức nhiều buổi tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa về gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại phụ nữ và trẻ em; đẩy mạnh tuyên truyền bình đẳng giới vùng DTTS trên các phương tiện thông tin đại chúng; thực hiện công tác xóa mù chữ và chống tái mù; thực hiện chương trình học bổng hỗ trợ trẻ em gái và phụ nữ tham gia học tập, nâng cao trình độ ở vùng DTTS và miền núi; xây dựng chính sách đối với người học và chính sách đối với giáo viên đảm bảo nam, nữ đều được hưởng các quyền ngang nhau, không phân biệt giới. Sự thay đổi rõ nét mang đến sức sống mới cho các xã vùng DTTS chính là số học sinh nữ DTTS đi học THPT, trung cấp, cao đẳng, đại học tăng nhiều hơn.
Với sự quan tâm của các cấp, các ngành và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai đồng bộ nhiều chương trình, chính sách, đề án phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS đã góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, từ đó góp phần nâng cao vai trò và vị thế của phụ nữ DTTS trong mọi mặt của đời sống xã hội.
Tiếp nối những kết quả đạt được, giai đoạn 2023-2025, tỉnh tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để hoàn thành các mục tiêu chưa đạt. Trong đó, thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi; tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp; đề cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, triển khai công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ... hướng tới đảm bảo bình đẳng giới tại các vùng đồng bào DTTS trên địa bàn toàn tỉnh.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()