Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 02:28 (GMT +7)
Thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể
Thứ 6, 10/11/2023 | 14:06:32 [GMT +7] A A
Xác định vai trò và tầm quan trọng của phát triển kinh tế tập thể, trên cơ sở các quy định của Trung ương, tỉnh Quảng Ninh đã kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ, tạo động lực thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển. Qua đó, đóng góp quan trọng vào sự phát triển KT-XH của địa phương.
Tính đến hết tháng 6/2023, toàn tỉnh có 667 HTX, 210 tổ hợp tác và 3 Liên hiệp HTX. Tổng số vốn điều lệ đăng ký hoạt động trên 1.800 tỷ đồng; doanh thu bình quân của mỗi HTX là 850 triệu đồng/năm; lãi bình quân một HTX đạt trên 300 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân một thành viên, lao động trong HTX là 68 triệu đồng/năm. Khu vực kinh tế này là kênh huy động các nguồn lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nghề, đóng góp tích cực vào hoàn thành mục tiêu quốc gia trong chương trình xây dựng nông thôn mới, tham gia tích cực vào chương trình mỗi xã, phường 1 sản phẩm (OCOP) của tỉnh. Nhiều HTX đã quan tâm hỗ trợ cho thành viên HTX khi gặp khó khăn, đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn; xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội. Tính đến hết năm 2022, Quảng Ninh đã hoàn thành xây dựng NTM, với 98/98 xã đạt chuẩn NTM; 54/98 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 26/98 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 13/13 địa phương cấp huyện hoàn thành NTM; 2/7 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Toàn tỉnh đã có 565 sản phẩm thuộc 5 nhóm tham gia chương trình OCOP.
Có được kết quả đó, ngay sau khi Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của BCH Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới được ban hành, UBND tỉnh đã giao các đơn vị liên quan tham mưu BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Chương trình hành động số 22/CTr-TU thực hiện Nghị quyết trên. UBND tỉnh cũng đã giao Sở Kế hoạch - Đầu tư chủ trì xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết 09/NQ-CP ngày 2/2/2023 của Chính phủ và Chương trình hành động của Tỉnh ủy. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương, các sở, ngành tập trung triển khai các nội dung chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2025 của tỉnh theo các chương trình mục tiêu quốc gia và Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Để tạo đòn bẩy thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển nhanh, đúng hướng, kịp thời hỗ trợ HTX bằng những cơ chế, chính sách phù hợp, tỉnh cũng đã thành lập Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể cấp tỉnh và cấp huyện của 13 huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời chỉ đạo Sở KH&ĐT, Liên minh HTX phối hợp với các sở, ngành, địa phương, cơ quan Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền và cụ thể hóa các văn bản, Nghị quyết, chương trình, đề án của Trung ương và của Tỉnh ủy trong phát triển kinh tế tập thể; góp ý xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch, chương trình, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với các HTX, củng cố và kiện toàn bộ máy nhà nước các cấp về kinh tế tập thể; kiểm tra, giám sát, xử lý hành vi vi phạm pháp luật của HTX, của cá nhân và tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật.
Hoạt động hỗ trợ HTX, tổ hợp tác ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cũng được tỉnh và các địa phương triển khai mạnh. Từ năm 2022 đến nay, tỉnh hỗ trợ 4 HTX ứng dụng và chuyển giao kỹ thuật công nghệ mới. Quảng Ninh còn thường xuyên quan tâm bố trí kinh phí hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng; hỗ trợ tổ chức các chương trình, hội nghị kết nối cung cầu, xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm nông sản của tỉnh. Một số địa phương hỗ trợ kinh phí cho các HTX thực hiện quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, tem truy xuất nguồn gốc, in bao bì sản phẩm như: Na dai, cam, vải, gạo nếp cái hoa vàng, chè, trà hoa vàng, ba kích, miến dong…
Theo đánh giá của Trung ương, sự phát triển của khu vực kinh tế này cho thấy, Quảng Ninh đã dành sự quan tâm sát sao trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các chỉ đạo của Trung ương một cách kịp thời, đầy đủ, bài bản. Hiện tỉnh đang thuộc top 10 toàn quốc về số lượng HTX, tổ hợp tác, với tốc độ nhanh, bền vững, khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế của tỉnh, cho thấy nhu cầu thực tiễn, thực chất, đúng theo tinh thần Nghị quyết số 20/NQ-TW. Đặc biệt, Quảng Ninh đang là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm được sản xuất bởi các HTX, tổ hợp tác của tỉnh.
Để tiếp tục tạo động lực cho khu vực kinh tế này phát triển, tại Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khoá XIV đã ban hành Nghị quyết số 155/NQ-HĐND (ngày 12/7/2023) về “Một số giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững đến năm 2025”. Nghị quyết đề ra 7 mục tiêu cụ thể và 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, để hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh. Trong đó nổi bật như tiếp tục quan tâm nắm bắt và giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi tối đa trong thực hiện TTHC liên quan đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh; ứng dụng hiệu quả công nghệ số, nâng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến; thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo; hỗ trợ tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp 4.0; tăng cường khả năng tiếp cận vốn, đất đai và mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh; xây dựng và triển khai một số chương trình, kế hoạch, đề án… Đây tiếp tục là nguồn động lực quan trọng tiếp sức giúp doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh phục hồi ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()