Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 10:15 (GMT +7)
Thúc đẩy sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19
Thứ 5, 12/08/2021 | 08:08:51 [GMT +7] A A
Hơn 1 năm qua, do ảnh hưởng, tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu cũng như ở trong nước đã khiến cho đời sống của nhân dân, hoạt động kinh tế - xã hội ở nhiều quốc gia lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Đặc biệt, hoạt động sản xuất - kinh doanh ở các quốc gia cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là các ngành thuộc lĩnh vực dịch vụ, du lịch. Không ít nền kinh tế rơi vào tăng trưởng âm.
Tình hình hiện nay cũng chưa có nhiều khả quan, dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, khó lường do sự xuất hiện của biến chủng mới Delta có tốc độ lây lan nhanh và nguy hiểm hơn. Trước thực tế này, nhiều quốc gia đã có chiến lược chuyển sang trạng thái "sống chung với dịch", để đưa ra các giải pháp phát triển kinh tế trong và sau đại dịch, tránh lỡ nhịp và giảm cạnh tranh, thu hút đầu tư trong phát triển kinh tế.
Ở trong nước hiện nay, nhiều địa phương đang phải thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, thua lỗ, đời sống công nhân, người lao động gặp khó khăn. Không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải tạm dừng hoạt động, đóng cửa, rút khỏi thị trường...
Mặc dù trong bối cảnh khó khăn như vậy, nhưng trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, sự vào cuộc tích cực, linh hoạt của các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị và sự đồng lòng, hỗ trợ, ủng hộ của nhân dân nên cùng với những kết quả bước đầu tích cực trong phòng, chống dịch để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, thì việc duy trì sản xuất - kinh doanh ở những nơi, địa bàn an toàn, nhằm đảm bảo đời sống công nhân, người lao động, nhân dân và an sinh xã hội cũng luôn được chú trọng và đạt nhiều kết quả quan trọng. Nhờ đó, kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm 2021 vẫn đạt một số kết quả tích cực.
Tuy vậy, dự báo trong thời gian tới chưa biết khi nào dịch bệnh sẽ được chặn đứng, kết thúc, vì vậy người dân nói chung và các doanh nghiệp nói riêng vẫn tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức và cần phải có các giải pháp tháo gỡ để phục hồi sản xuất.
Và mới đây, tại Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương về những giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhiều tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội, các địa phương, cơ quan, đơn vị đã được Thủ tướng lắng nghe.
Thủ tướng cho rằng, tinh thần chung là phải đánh giá thực chất, khách quan, toàn diện những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp; phân tích kỹ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và tìm cho được các giải pháp tháo gỡ cụ thể, thiết thực, hiệu quả trong tình hình cấp bách hiện nay...
Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay đặt ra yêu cầu và nhiệm vụ to lớn cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần có các biện pháp chống dịch quyết liệt, kịp thời và hiệu quả để trước hết là bảo vệ sức khỏe, tính mạng và ổn định đời sống của nhân dân. Đồng thời, cần giữ vững và phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, nỗ lực cao nhất không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng...
Với Quảng Ninh, đại dịch Covid-19 cũng đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ, du lịch - thế mạnh của tỉnh. Tuy nhiên, với tinh thần "sống chung với dịch", tỉnh Quảng Ninh đã tích cực chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương, đơn vị chủ động, linh hoạt các giải pháp, cơ chế, chính sách để khôi phục, gỡ khó, tạo thuận lợi cho kinh tế - xã hội ổn định và phát triển. Hiện tại, tỉnh đang dồn sức tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội. Chỉ đạo quyết liệt các giải pháp phục hồi và phát triển ngành du lịch, dịch vụ, nhất là du lịch nội địa. Thúc đẩy các dự án sản xuất của các doanh nghiệp trong các khu kinh tế, khu công nghiệp; đẩy mạnh sản xuất nông - lâm nghiệp - thủy sản; thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư các dự án, nhất là của các nhà đầu tư chiến lược, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt hai con số trong năm 2021, qua đó thực hiện thành công "mục tiêu kép" của tỉnh...
Thanh Tùng
Liên kết website
Ý kiến ()