Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 14:24 (GMT +7)
Thuế thu nhập cá nhân lỗi thời: Đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh thêm 25%
Thứ 2, 10/07/2023 | 08:18:12 [GMT +7] A A
Mức giảm trừ gia cảnh để tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đã duy trì gần 10 năm qua trong khi giá cả hàng hóa không ngừng tăng khiến mức giảm trừ không đủ lo cuộc sống. Chuyên gia kinh tế cho rằng, cần sớm sửa Luật thuế TNCN theo hướng tăng mức giảm trừ gia cảnh và mở rộng cơ sở thu thuế.
Thuế TNCN có hiệu lực năm 2007 và lần điều chỉnh gần nhất vào năm 2014 với mức thu nhập nộp thuế là 11 triệu đồng và mức giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu đồng/người phụ thuộc. Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Nguyễn Đức Độ - Viện Phó Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, đã đến lúc cần nâng mức giảm trừ gia cảnh.
Theo TS Độ, tình hình kinh tế thay đổi nhưng chính sách thuế TNCN đã duy trì gần 10 năm nên đã lạc hậu. Tuy nhiên, việc thay đổi, nâng mức giảm trừ gia cảnh lên mức nào cần có sự nghiên cứu, đánh giá ảnh hưởng với người dân và nền kinh tế.
“Thực tế cho thấy, mức sống của người dân đã tăng cao hơn với số người nộp thuế TNCN ngày càng nhiều hơn. Vì vậy, chính sách phải thay đổi theo thực tế, một chính sách duy trì gần 10 năm là chưa phù hợp. Để đảm bảo mức sống cho người dân, mức thu nhập đóng thuế và mức giảm trừ gia cảnh cần tăng lên”, TS Độ nhận định.
Theo ông Độ, lạm phát trong 7-8 năm gần đây khá thấp, lạm phát trung bình khoảng 3%/năm. Tính trung bình 10 năm gần đây, giá cả hàng hóa tăng khoảng 1,5 lần. Số thu từ thuế TNCN cũng đã tăng lên nhiều do duy trì mức đóng thuế cố định trong khi GDP mỗi năm đều tăng, lạm phát tăng cùng với số người đóng thuế ngày càng nhiều hơn.
Theo ông Độ, ngưỡng thu nhập chịu thuế TNCN 11 triệu đồng/tháng được áp dụng khi tính thu nhập bình quân của người lao động khoảng 8 triệu đồng. Sau gần 10 năm, thu nhập đã tăng lên 13 triệu đồng/tháng vì vậy cũng cần điều chỉnh theo.
TS Nguyễn Quốc Việt - Viện phó Nghiên cứu kinh tế chính sách (VEPR) cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh giữ nguyên trong 10 năm nhưng chi phí thực tế cuộc sống đã thay đổi nhiều khiến sắc thuế lạc hậu.
Không chỉ hàng hóa như lương thực, thực phẩm, nhiều loại hàng hóa đặc biệt như giá điện, giá xăng dầu, học phí và mức lương cũng không ngừng tăng trong 10 năm qua. Một trong những yếu tố làm căn cứ tăng lương là nhằm bù đắp đủ cuộc sống cho người dân.
Tuy nhiên, mức thu thuế lại “đứng im” khiến tác động của tăng lương không còn nhiều. Một số chuyên gia kiến nghị, mức giảm trừ gia cảnh không chỉ căn cứ vào chỉ số giá tiêu dùng mà cần căn cứ yếu tố khác như mức tăng lương…
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cũng kiến nghị Chính phủ xem xét, đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung điều 1 Nghị quyết số 954/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng tăng thêm mức giảm trừ gia cảnh khoảng 25%. Từ đó, nâng mức thu nhập chịu thuế lên mức 13 - 14 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế và 5,5 triệu đồng/tháng đối với người phụ thuộc.
“Chi phí trung bình tiền ăn, học của mỗi trẻ em mỗi tháng khoảng 7 triệu đồng. Tuy nhiên, để đảm bảo cân đối giữa các địa phương trên cả nước, tôi đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 25%, tương đương 5,5 triệu đồng/người phụ thuộc. Điều này sẽ giảm gánh nặng đóng thuế với nhóm người có thu nhập thấp ở khu vực thành thị”, ông Châu kiến nghị.
Mở rộng đối tượng thu thuế TNCN
Theo TS Nguyễn Quốc Việt, cần giải pháp tổng thể sửa đổi Luật thuế TNCN theo hướng mở rộng cơ sở thu thuế, bao trùm nhiều nhóm đối tượng như lao động tự do cũng như người lao động có nhiều nguồn thu nhập. Cùng đó, mở rộng cơ sở thu thuế để đảm bảo công bằng, tất cả mọi người có thu nhập đều đóng thuế cho Nhà nước.
Mức đóng thuế cũng cần bớt bậc lũy tiến, thủ tục đơn giản hơn và mức đóng thuế vừa phải để người lao động cảm thấy nhẹ nhàng và sẽ chủ động đóng thuế.
Tổng cục Thuế cho biết, năm 2022, thu thuế TNCN đạt 166.733 tỷ đồng, mức cao kỷ lục từ trước tới nay. Trong 10 năm qua, số thu thuế TNCN đã tăng gấp 3,6 lần. Số lượng người nộp thuế TNCN không ngừng tăng qua các năm.
“Cơ quan chức năng nên thay đổi cách tính với các mức đóng thuế cho phù hợp và bao quát thêm đối tượng đóng thuế. Mức đóng thuế cao nhất sẽ khiến người lao động tìm đủ cách trốn thuế, né thuế”, ông Việt kiến nghị.
Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, từ năm 2022, Quốc hội đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu nâng mức giảm trừ gia cảnh. Bộ Tài chính đã có văn bản xin ý kiến bộ ngành địa phương và báo cáo Quốc hội để đưa vào chương trình xây dựng Luật thuế TNCN.
“Quốc hội đã phê duyệt việc xây dựng Luật thuế TNCN và dự kiến năm 2025 sẽ sửa đổi. Đến thời điểm này, căn cứ của thay đổi mức giảm trừ gia cảnh chủ yếu phụ thuộc vào chỉ số giá tiêu dùng. Đến thời điểm sửa luật, chúng tôi sẽ xin ý kiến bộ ngành, địa phương xem có thêm căn cứ quyết định mức giảm trừ gia cảnh”, lãnh đạo Vụ Chính sách Thuế cho biết.
Được biết, việc sửa đổi Luật thuế TNCN qua 2 vòng thủ tục gồm: đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội và trình Quốc hội cho ý kiến về dự thảo luật sửa đổi.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()