Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:51 (GMT +7)
Thuốc COVID-19 Molnupiravir mạnh cỡ nào?
Thứ 4, 06/10/2021 | 11:38:06 [GMT +7] A A
Vậy là cuối cùng chúng ta cũng có được một loại thuốc uống đặc trị cho COVID-19. Thứ sáu tuần trước, công ty dược phẩm Merck của Mỹ cho biết họ đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III loại thuốc kháng virus SARS-CoV-2 có tên là molnupiravir - đặt theo tên chiếc búa Mjölnir của thần sấm Thor.
Kết quả thử nghiệm cho thấy molnupiravir đạt hiệu quả trên 50% trong việc ngăn ngừa nhập viện và tử vong do nhiễm COVID-19 ở những người mắc bệnh có nguy cơ tiến triển nặng. Đặc biệt là thuốc có thể chống lại mọi biến chủng của virus, từ Delta, Gamma cho tới biến thể mới nhất là Mu.
"Chúng tôi đã dự đoán được điều đó từ các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, và bây giờ, kết quả [trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III] này đã xác nhận. Bạn biết đấy, loại thuốc này được đặt theo tên cây búa của Thor, và nó sẽ là một chiếc búa chống lại SARS-CoV-2 bất kể chúng biến thể như thế nào", Dean Li, người đứng đầu bộ phận R&D của Merck cho biết.
Dựa trên kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III rất khả quan, Merck cùng đơn vị sản xuất thuốc molnupiravir là Ridgeback Biotherapeutics đang nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp lên Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), với mong muốn đưa thứ vũ khí này vào cuộc chiến chống COVID-19 sớm nhất có thể.
Một cú nện sấm sét vào virus SARS-CoV-2
Molnupiravir là một phân tử nhỏ có khả năng nhắm vào một enzyme quan trọng của virus SARS-CoV-2 được gọi là RNA polymerase phụ thuộc RNA (RdRp). Cái tên dài này có thể được gọi tắt là enzyme sao chép, vì nó có chức năng xúc tác cho quá trình sao chép RNA của SARS-CoV-2, thứ đem lại cho virus khả năng sinh sôi và nhân lên nhanh chóng một khi lọt vào phổi bệnh nhân.
Sau khi được đưa vào cơ thể, phân tử molnupiravir sẽ tìm đến virus và giáng một đòn chí mạng vào RNA polymerase của nó. Đòn sấm sét này bắt nguồn từ việc molnupiravir có thể giả mạo một nucleotide cơ sở được gọi là cytidine (C).
Một khi dính được lấy enzyme RdRp của virus, molnupiravir sẽ làm đình trệ chu kỳ sinh sản của nó, tạo ra các đột biến gen gây chết hoặc làm bất hoạt virus SARS-CoV-2. Các nhà nghiên cứu gọi đây là một "thảm hoạ cho virus", bởi một khi tỷ lệ đột biến gen vượt quá một số lỗi sao chép nào đó, virus sẽ không thể tồn tại và gây bệnh.
Cơ chế hoạt động của molnupiravir vì thế mạnh hơn so với thuốc remdesiver đang được sử dụng hiện tại. Trong khi remdesiver cũng dùng cơ chế tương tự là thay thế nucleotide Adenosine (A) trong bộ máy sao chép của virus, nó chỉ có khả năng ngăn virus nhân lên mà không gây ra các đột biến để giết chết chúng như những gì mà thuốc molnupiravir làm được
Trước khi đại dịch COVID-19 diễn ra, Merck đang nghiên cứu molnuporavir như một loại thuốc để chống lại virus cúm. Tuy nhiên, vào tháng 3 năm 2020, khi COVID-19 đạt đỉnh và trở thành một đại dịch toàn cầu, họ thấy mình cần chuyển hướng để tạo ra một loại thuốc chống virus SARS-CoV-2 dựa trên nguyên lý tấn công enzyme sao chép đó.
Về mặt lý thuyết, những loại thuốc mồi nhử nucleoside này từng làm dấy lên lo ngại về việc chúng cũng gây ra vấn đề với các enzyme sao chép của tế bào người. Vì lý do này, thuốc vẫn chưa được thử nghiệm và chỉ định cho đối tượng là phụ nữ mang thai.
Tuy nhiên, cho đến nay, tất cả các thử nghiệm trên động vật và lâm sàng đều cho thấy molnuporavir có độ an toàn cao. Các nhà khoa học tại Merck cho biết tỷ lệ gặp tác dụng phụ trong nhóm sử dụng thuốc và giả dược là tương đương nhau, lần lượt là 11% và 12%.
Kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III vô cùng hứa hẹn
Trước khi được sử dụng cho SARS-CoV-2, Merck cho biết họ đã thử nghiệm thuốc molnuporavir trên các chủng virus corona khác, cụ thể là SARS-CoV và MERS-CoV. Nó cho thấy molnupiravir đã cải thiện được chức năng phổi, giảm tải lượng virus và cải thiện tình trạng giảm cân do nhiễm trùng gây ra trên động vật thí nghiệm.
Các nghiên cứu tiền lâm sàng khác tiếp tục khẳng định molnupiravir có thể tiêu diệt tế bào lây nhiễm SARS-CoV-2 từ đường hô hấp của con người.
Trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III mới nhất có sự tham gia của 775 bệnh nhân COVID-19, Merck đã chọn những người trưởng thành dễ bị bệnh nặng và tử vong để sử dụng thuốc molnupiravir. Họ phải là người có ít nhất một yếu tố nguy cơ dẫn đến kết quả điều trị kém, chẳng hạn như bị béo phì, tiểu đường, bệnh tim hoặc từ 60 tuổi trở lên.
Một nửa trong số tình nguyên viên sẽ được cho uống hai viên molnupiravir một ngày, mỗi viên cách nhau 12 tiếng, liên tục trong 5 ngày. Một nửa tình nguyện viên còn lại chỉ được uống giả dược và chăm sóc tiêu chuẩn như các bệnh nhân COVID-19 bình thường khác.
Sau 29 ngày theo dõi, 53 trong số 377 người tham gia nhận giả dược đã phải nhập viện vì COVID-19 tiến triển nặng, và 8 người trong số những người này đã tử vong. Ngược lại, nhóm những 385 người được uống thuốc molnupiravir thật chỉ có 28 người phải nhập viện và không có bệnh nhân nào tử vong.
Nói cách khác, chỉ có 7,3% bệnh nhân sử dụng thuốc molnupiravir phải nhập viện hoặc tử vong so với 14,1% ở nhóm dùng giả dược. Đây là cơ sở để Merck khẳng định thuốc COVID-19 của mình có hiệu quả hơn 50%.
Nhà sản xuất lưu ý họ cũng đã lấy mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhân tham gia thử nghiệm để giải trình tự gen, qua đó xác định được tới 40% bệnh nhân nhiễm biến thể. Nghĩa là thuốc molnupiravir có khả năng hoạt động với cả các biến chủng COVID-19 khác nhau, bao gồm Delta, Gamma và cả Mu.
"Bring me COVID"
Mặc dù hiện đã có một số phương pháp điều trị COVID-19, nhưng nhược điểm của tất cả các phương pháp này nằm ở chỗ chúng rất khó sử dụng, đắt tiền và cho hiệu quả không quá thuyết phục.
Những loại thuốc đầu tiên được sử dụng trong đại dịch là ivermectin và hydroxychloroquine từng được coi là niềm hi vọng nhưng cuối cùng lại không chứng minh được hiệu quả. Kế đó, phương pháp truyền huyết thanh từ người khỏi bệnh hoặc kháng thể đơn dòng có hiệu quả cao hơn, nhưng lại vô cùng khó thực hiện và không thể triển khai trên quy mô lớn. Bởi nó yêu cầu các bước rất phức tạp, từ thu hồi máu, lọc lấy huyết thanh, sản xuất kháng thể, bảo quản rồi truyền sang cho bệnh nhân mới.
Phương pháp điều trị COVID-19 phổ biến nhất bây giờ là sử dụng remdesivir, một loại thuốc tiêm vào tĩnh mạch. Mặc dù nó dễ sử dụng hơn và đã được FDA chấp thuận nhưng lại có giá rất đắt, lên tới 520 USD/lọ và 3.120 USD/liệu trình.
Sự xuất hiện của một loại thuốc uống đơn giản như molnupiravir sẽ điền vào tất cả khoảng trống mà các phương pháp điều trị kể trên đang kể lại. Nó đã chứng minh được hiệu quả, dễ dàng triển khai trên quy mô rộng, dễ bảo quản và vận chuyển khắp thế giới vì là dạng viên nang chứ không phải thuốc tiêm.
Ngoài ra, giá của molnupiravir cũng rẻ hơn nhiều so với remdesiver. Một liệu trình điều trị chỉ tốn 700 USD, tương đương với 70 USD/viên.
Tất nhiên, đó vẫn là một cái giá khá đắt đối với nhiều bệnh nhân. Nhưng chính phủ các nước đã nhanh chóng tiếp cận Merck để đặt hàng thuốc molnupiravir về sử dụng cho người dân của mình. Mỹ đã cam kết mua 1,7 triệu liệu trình molnupiravir với giá 1,2 tỷ USD.
Ở các nước Châu Á, Thái Lan cũng đang đàm phán với Merck để mua được 200.000 viên molnupiravir trong đơn đặt hàng đầu tiên. Cùng với đó là các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia và Philippines đã tiết lộ kế hoạch mua thuốc của họ.
Cuối cùng, cần phải nói rằng giữa việc phòng và chống COVID-19, phòng bệnh vẫn tốt hơn là chữa bệnh, vì đó là một biện pháp giá rẻ và hiệu quả hơn. So với các liều vắc-xin COVID-19 chỉ có giá dưới 10 USD, một liệu trình điều trị với molnupiravir tiêu tốn tới 700 USD nghĩa là gấp tới 70 lần.
Do vậy, việc tiêm vắc-xin vẫn là mục tiêu tối cần thiết ở thời điểm hiện tại. Ngoài ra, chúng ta vẫn phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống COVID-19 khác như 5K, giữ khoảng cách, đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên. Bên cạnh thuốc điều trị, các trụ cột để ứng phó với đại dịch trước đây vẫn nên được duy trì một cách thống nhất và xuyên suốt.
Theo genk.vn
Liên kết website
Ý kiến ()