Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 17:48 (GMT +7)
Thương mại điện tử nộp thuế gần 100.000 tỷ đồng
Thứ 4, 22/05/2024 | 14:46:39 [GMT +7] A A
Năm 2023, doanh thu thương mại điện tử lên đến 3,5 triệu tỷ đồng, thu về 97.000 tỷ đồng cho ngân sách, tăng 16% so với năm 2022.
Cuối tháng 5 này là tròn 1 năm triển khai Chỉ thị số 18 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, đảm bảo an ninh tiền tệ. Theo báo cáo, đến nay đã hoàn thành trên 90% việc rà soát, đồng bộ cơ sở dữ liệu của Bộ Công an với cơ sở dữ liệu về mã số thuế để triển khai việc chuyển đổi sử dụng căn cước công dân làm mã số thuế theo quy định. Việc kê khai, nộp thuế với người bán hàng online không chỉ dễ dàng hơn mà còn chính xác, minh bạch, đầy đủ hơn.
Chỉ cần 1 máy tính và 1 chiếc điện thoại thông minh, mọi hoạt động giao dịch, giới thiệu sản phẩm và bán hàng của hộ kinh doanh, đều được dễ dàng thực hiện thông qua các sàn thương mại điện tử.
"Chúng tôi có thể vừa đi làm 1 việc nhỏ vừa kinh doanh online, nó tiết kiệm được thời gian, tiết kiệm được chi phí đầu vào, chúng tôi không cần vốn, không cần thuê mặt bằng và cũng không cần nhân viên", chị Nguyễn Thị Hồng Thao - Cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử chia sẻ.
Cũng như các cá nhân kinh doanh khác, căn cứ vào kết quả kinh doanh, việc cập nhật và cung cấp thông tin kinh doanh trên cổng thông tin điện tử của ngành Thuế, thực hiện nghĩa vụ thuế cũng được dễ dàng thực hiện.
"Cán bộ thuế đã chủ động liên hệ để phổ biến chính sách, hỗ trợ tôi kê khai và nộp thuế, như vậy tôi thấy nó rất tiện lợi", anh Võ Trọng Hiếu - Cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử co biết.
Năm 2023 đã có trên 10 tỷ lượt giao dịch thương mại điện tử được thực hiện với tổng giá trị giao dịch là gần 60.000 tỷ đồng. Theo quy định của pháp luật thuế hiện hành, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.
Bà Tạ Thị Phương Lan - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân, Tổng cục Thuế cho biết: "Nếu có phát sinh doanh thu trên 100 triệu đồng/1 năm thì sẽ phải thực hiện kê khai nộp thuế. Theo quy định của luật thuế giá trị gia tăng (GTGT) và luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) thì các cá nhân kinh doanh hoạt động thương mại thì sẽ áp thuế GTGT là 1% và thuế TNCN là 0,5%".
Theo sách trắng thương mại điện tử do Bộ Công Thương công bố, năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam đạt trên 20 tỷ USD, chiếm 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Hiện nay, việc đẩy mạnh quản lý thuế thương mại điện tử được kỳ vọng sẽ tạo nguồn thu cho ngân sách.
Cả nước hiện có 357 sàn giao dịch thương mại điện tử, gần 200.000 cá nhân đang hoạt động kinh doanh thương mại thông qua các sàn giao dịch này. Năm 2023, doanh thu thương mại điện tử lên đến 3,5 triệu tỷ đồng, thu về 97.000 tỷ đồng cho ngân sách, tăng 16% so với năm 2022, tuy nhiên con số này vẫn còn nhỏ bé so với doanh thu thực tế của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trực tuyến. Mới đây tại Hà Nội đã thí điểm quản lý thuế thương mại điện tử tại quận Hoàn Kiếm.
Hà Nội thí điểm quản lý thuế thương mại điện tử
Theo đó, cán bộ thuế làm việc với từng doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh thương mại điện tử để đôn đốc, hướng dẫn việc đăng ký, kê khai và nộp thuế. Chủ tịch UBND các phường cùng với Phòng kinh tế, Tài chính kế hoạch, Quản lý thị trường, công an quận làm công tác theo dõi rà soát cũng như thực hiện công tác quản lý tại địa phương. Đẩy mạnh tuyên truyền cũng như xử phạt nghiêm khắc nếu cố tình trốn thuế. Đến nay, Cục Thuế Hà Nội đã xây dựng cơ sở dữ liệu 21.500 doanh nghiệp, trên 16.500 hộ kinh doanh và hơn 80.600 cá nhân bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Từ cơ sở dữ liệu này đã xây dựng kế hoạch để thanh kiểm tra chuyên đề và 4 tháng đầu năm nay đã xử lý được 921 tổ chức, cá nhân, tăng thu hơn 100 tỷ đồng.
Hiện tại ngành Thuế đã có trong tay dữ liệu của 929 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, 130 đơn vị viễn thông, quảng cáo, phát thanh truyền hình, tài khoản thanh toán của trên 9 triệu tổ chức và hơn 121 triệu cá nhân. Thương mại điện tử đã và đang trở thành lĩnh vực có ảnh hưởng cực kỳ quan trọng đến tăng trưởng kinh tế của các quốc gia. Đối với Việt Nam, thị trường thương mại điện tử ngày càng được mở rộng và với sự đa dạng về mô hình hoạt động, nhiều đối tượng tham gia, với sự tăng trưởng được đánh giá là nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam được dự báo có thể đạt 39 tỷ USD vào năm 2025. Với sự tác động mạnh mẽ và tiện ích to lớn, thương mại điện tử đã trở thành xu thế tất yếu, khách quan, không thể đảo ngược trên thế giới. Nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với cơ quan thuế trong công tác quản lý thuế. Cùng với việc nâng cao nhận thức của cộng đồng kinh doanh thương mại điện tử, việc đẩy nhanh hơn nữa kết nối đồng bộ dữ liệu, tăng cường giám sát bằng công nghệ là giải pháp cần được hết sức đẩy nhanh tiến độ, bởi doanh thu thương mại điện tử hiện đã chiếm 8% trên tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Có như vậy mới tránh thất thoát ngân sách, đồng thời đảm bảo bình đẳng giữa những người kinh doanh.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()