Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 22/12/2024 23:50 (GMT +7)
Tiện ích số thay đổi thói quen của người dân
Thứ 2, 01/04/2024 | 10:35:06 [GMT +7] A A
Từ khi có chuyển đổi số, việc cung cấp các dịch vụ công ngày càng rộng rãi thiết thực. Người dân khi sử dụng các tiện ích số thấy được sự tiện lợi, qua đó làm thay đổi thói quen hoạt động hằng ngày của người dân.
Thường xuyên phải thăm khám định kỳ tại Bệnh viện Đa Khoa tỉnh do các bệnh về dạ dày, đại tràng mạn tính, trong những lần khám gần đây, chị Nguyễn Thị Bích Hiền (phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả) đã đăng ký khám online trước đó qua ứng dụng trên zalo. “Trước đây tôi đến bệnh viện đăng ký khám phải chờ đợi mất rất nhiều thời gian. Giờ đây mỗi lần đi khám tôi đều đăng ký khám online, thấy rất thuận tiện, tiết kiệm được không ít thời gian”, chị Hiền chia sẻ.
Thời gian qua Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã triển khai các hình thức đặt lịch khám cho bệnh nhân, như qua hotline, zalo, website. Bệnh nhân được cấp 1 mã code để tự tra cứu các kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh được lưu trữ trực tuyến trên hệ thống của Bệnh viện.
Là người làm nghề Spa, chị Nguyễn Thị Huệ (phường Cao Thắng, TP Hạ Long) công việc luôn bận rộn, ngày giờ làm không cố định. Vì vậy chị mua bán đồ dùng sinh hoạt hằng ngày, lương thực, thực phẩm đều đặt qua online, thanh toán qua hệ thống ngân hàng. “Hiện các tiện ích số đã giúp cho chúng tôi mua bán nhanh chóng. Người dân rất thoải mái, tiện lợi, không cần cầm tiền mặt theo, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng là có thể giải quyết được các vấn đề”, chị Huệ chia sẻ.
Đặc biệt chuyển đổi số đã mang đến những đổi thay đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Trước đây chị Chìu Tài Múi (xã Yên Than, huyện Tiên Yên) thu nhập phụ thuộc vào việc đi ra chợ của xã để bán sản phẩm mật ong, lá tắm cho trẻ em. Nay chị đã biết quay phim, chụp ảnh, đưa các sản phẩm của mình lên trang mạng điện tử, thu nhập nhờ đó cũng cao hơn.
Chị Múi chia sẻ: "Hiện nay, cùng với đưa sản phẩm ra chợ bán, tôi đưa sản phẩm của mình lên các trang zalo, facebook, shopee. Qua đó tôi đã tiếp cận được nhiều khách hàng trong và ngoài huyện, bán được sản phẩm gấp 3 lần so với chỉ đi chợ bán như trước".
Chuyển đổi số đang dần thay đổi các hoạt động hằng ngày của người dân, từ đặt xe taxi qua ứng dụng trên điện thoại, mua hàng trên các trang thương mại điện tử, sử dụng các ứng dụng ngân hàng số, tư vấn khám chữa bệnh từ xa, học trực tuyến…
Qua 2 năm triển khai chuyển đổi số toàn diện, tỉnh đã cung cấp một số tiện ích số như: Dịch vụ công trực tuyến toàn trình, tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia; số hóa và ký số hồ sơ ngay từ khâu tiếp nhận, trả kết quả ký số cho người dân, doanh nghiệp; xây dựng chức năng ký số trên Cổng dịch vụ công tỉnh, cung cấp miền phí chữ ký số cho người dân khi đến giải quyết TTHC tại trung tâm hành chính công các cấp từ ngày 16/4/2023.
Triển khai thí điểm mô hình chợ 4.0 - Thanh toán không dùng tiền mặt, 100% các chợ trung tâm tại các huyện, thị xã, thành phố chấp nhận thanh toán các khoản phí và thực hiện thanh toán hóa đơn điện, nước không dùng tiền mặt; các hộ kinh doanh tại chợ lập tài khoản ngân hàng, tạo mã QR-Code thông tin tài khoản chủ kios để có thể thanh toán qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử mà không cần dùng tiền mặt….
Hạ tầng Internet băng rộng đã được triển khai tại 100% xã, phường, thị trấn với tốc độ truy cập trung bình xấp xỉ tốc độ trung bình của cả nước; nâng diện tích phủ sóng thông tin di động chất lượng sóng 4G lên 99,8% các khu vực dân cư trên địa bàn tỉnh.
Để công dân tiếp cận với các tiện ích số, thời gian qua tỉnh đã tổ chức gần 200 hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn về chuyển đổi số, xử lý toàn trình trên hệ thống chính quyền điện tử, ký số văn bản điện tử, sử dụng Cổng dịch vụ công tỉnh, Cổng dịch vụ công quốc gia và số hóa hồ sơ giải quyết TTHC. 1.473 tổ công nghệ số cộng đồng bao phủ 177/177 xã, phường, thị trấn, 1.452/1.452 thôn, bản, khu phố với 11.255 thành viên tham gia, đang đẩy mạnh tuyên truyền, đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến với mọi người dân.
Ngọc Trâm
Liên kết website
Ý kiến ()