Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 06/11/2024 01:25 (GMT +7)
Tiếp tục trợ lực cho giáo dục vùng khó
Thứ 3, 31/10/2023 | 12:44:22 [GMT +7] A A
Sau 4 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết số 204/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh và Nghị quyết số 248/2020/NQ-HDND của HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 204 đã thực sự đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, đến thời điểm này 2 nghị quyết trên đã hết hiệu lực. Để tiếp tục trợ lực cho giáo dục vùng khó, đảm bảo an sinh xã hội, tại Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XIV sẽ thảo luận, xem xét ban hành nghị quyết tiếp tục thực hiện chính sách đặc thù của tỉnh quy định tại Nghị quyết số 204.
Trong 4 năm thực hiện 204/2019/NQ-HĐND, Nghị quyết 248/2020/NQ-HDND của HĐND tỉnh, toàn tỉnh đã có 359 cơ sở giáo dục, với 75.358 lượt đối tượng được thụ hưởng, tổng số kinh phí chi trả là 167,3 tỷ đồng. Trong đó có 127 cơ sở giáo dục mầm non được thụ hưởng chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa, kinh phí tổ chức nấu ăn cho trẻ em học 2 buổi/ngày và hỗ trợ kinh phí tổ chức dạy hè; 225 cơ sở giáo dục phổ thông được thụ hưởng hỗ trợ tiền ăn, kinh phí chăm sóc học sinh bán trú, học sinh đang học tại cơ sở giáo dục tư thục và hỗ trợ học sinh năng khiếu, VĐV thể dục thể thao tiền thuê phương tiện đi học tại cơ sở giáo dục; 7 cơ sở giáo dục thường xuyên được thụ hưởng chính sách hỗ trợ tiền ăn cho học viên bán trú.
Các chính sách này đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, công tác phổ cập giáo dục và xoá mù chữ. Đồng thời, từng bước đảm bảo công bằng giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, đảm bảo an sinh xã hội ở vùng miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh. Mặt khác, các chính sách đã duy trì, củng cố phát triển mô hình trường PTDTBT phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, miền núi.
Bà Nguyễn Thị Mây, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tiên Yên, chia sẻ: Việc triển khai chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 204 của tỉnh đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao từ nhân dân trên địa bàn. Theo nghị quyết, các cơ sở giáo dục, cùng những đối tượng thụ hưởng trên địa bàn huyện đã được nhận hỗ trợ tiền ăn 270.000 đồng/tháng/học sinh bán trú ngày; 720.000 đồng/tháng/học sinh bán trú tuần; cấp mầm non được hỗ trợ tiền ăn 149.000 đồng/trẻ/tháng; cùng với các khoản hỗ trợ thuê người nấu ăn, chăm sóc… Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng nuôi dưỡng và giáo dục học sinh phát triển toàn diện. Đồng thời, tạo sự yên tâm cho cha mẹ học sinh công tác, lao động sản xuất, giảm bớt gánh nặng đối với các gia đình kinh tế còn nhiều khó khăn, thu nhập thấp.
Tuy nhiên, trong Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND về việc phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 có quy định đối tượng ở các xã mới ra khỏi vùng khó khăn và các xã, thôn mới ra khỏi diện đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh được tiếp tục hưởng chính sách hỗ trợ đến hết năm học 2022-2023. Như vậy, đến hết tháng 5/2023, những đối tượng ở các xã thuộc vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn không còn được hưởng chính sách của Trung ương, của tỉnh quy định cho vùng này. Toàn tỉnh hiện có gần 10.000 trẻ mầm non và gần 2.500 học sinh tiểu học ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS không còn được hưởng các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 204 của tỉnh.
Không những vậy, ngành GD&ĐT đang thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều đổi mới, đòi hỏi người học phải tham gia đầy đủ các hoạt động giáo dục tại trường. Việc một số chính sách cho đối tượng ở các xã thuộc vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn hết hiệu lực sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc duy trì sĩ số, chuyên cần đối với học sinh các cấp nói chung và việc duy trì học 2 buổi/ngày đối với cấp tiểu học không được đảm bảo. Từ đó, ảnh hưởng đến việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, chất lượng giáo dục toàn diện của các cấp học…
Ông Vi Tiến Vượng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bình Liêu, cho biết: Bình Liêu có 21 cơ sở giáo dục thụ hưởng/có đối tượng thụ hưởng theo Nghị quyết số 204 (tổng số là hơn 3.000 lượt đối tượng thụ hưởng). Nghị quyết số 204 được triển khai đã tác động tích cực đối với giáo dục các huyện miền núi như Bình Liêu, hỗ trợ học sinh ở thôn, bản xa về học tại điểm trường chính, cũng như hạn chế được tình trạng học sinh bỏ học, quy mô huy động trẻ/học sinh ra lớp cũng tăng lên. Tuy nhiên, nếu không còn được hỗ trợ, nhiều học sinh đi học 2 buổi/ngày sẽ gặp khó khăn trong việc đưa đón; chế độ dinh dưỡng mỗi bữa ăn trưa mang theo của các em để ở lại trường cũng không đảm bảo đẩy đủ dinh dưỡng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, gây mất an toàn. Bởi vậy, việc tiếp tục kéo dài các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 204 là hết sức cần thiết.
Được biết, các địa phương đã có đề nghị UBND tỉnh trình HĐND tỉnh cho phép tiếp tục kéo dài chính sách hỗ trợ cho các đối tượng trẻ em, học sinh, học viên ở các xã mới ra khỏi vùng khó khăn và các thôn, xã mới ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, nhằm đảm bảo chính sách hỗ trợ của tỉnh được thực hiện liên tục, phát huy hiệu quả và ổn định hoạt động dạy học cho các cơ sở giáo dục ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nghị quyết được ban hành cũng sẽ góp phần tiếp thêm động lực cho giáo dục vùng khó, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Trúc Linh
Liên kết website
Ý kiến ()