4
18
/
856283
Tình người ở "xóm chạy thận"
longform
Tình người ở "xóm chạy thận"

 

Mỗi người một nơi, một hoàn cảnh, nhưng căn bệnh suy thận đã kéo họ xích lại gần nhau và cùng quây quần trong xóm trọ thuộc khu 5, phường Bạch Đằng, TP Hạ Long. Xóm trọ này nằm ngay phía sau Bệnh viện Đa khoa tỉnh và được mọi người gọi là “xóm chạy thận”, nơi mà sự sống và cái chết như sợi chỉ mong manh khiến tình người thêm bền chặt, ấm nồng...

 

Trời mùa đông, 16 giờ đã bắt đầu nhá nhem tối, nhưng ở “xóm chạy thận” vẫn lao xao tiếng trò chuyện. Buổi sáng, anh Nguyễn Văn Bình (33 tuổi, quê ở xã Thanh Lân, huyện Cô Tô) vừa chạy thận về, sức khỏe đã khá hơn. Như trút được gánh nặng, anh kể: “Hầu hết bệnh nhân ở đây đều mắc bệnh suy thận nặng, phải lọc máu liên tục để kéo dài sự sống. Cứ 3 lần/tuần, 12 lần/tháng đều đặn, thiếu lần nào thì sức khỏe suy kiệt, tụt huyết áp, chân tay bủn rủn. Mỗi lần lọc máu xong chúng tôi như trở thành con người khác, cử chỉ cũng hoạt bát, nhanh nhẹn hơn”.

Bệnh nhân chạy thận điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh.
Bệnh nhân chạy thận điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh.

Anh Bình là một trong những thành viên lâu năm nhất của xóm trọ này. Dấu vết sau nhiều năm chạy thận là cánh tay gân guốc, chi chít những vết kim tiêm nổi thành u cục to như quả táo. 8 năm nay, vợ anh - chị Nguyễn Thị Vui cũng phải theo anh ra Hạ Long để bươn chải kiếm sống và chăm sóc chồng. Hai con của anh chị phải gửi nhà ông bà nội, ngoại nuôi giúp. 

Anh tâm sự: “Nhiều lúc nhớ con lắm, lo chúng còn nhỏ đã phải xa bố mẹ, không được yêu thương chăm sóc như bạn bè cùng trang lứa. Nhưng biết làm thế nào, tôi cũng chỉ có thể lấy ảnh con ra xem hoặc chờ đến tối gọi một cuộc điện thoại nghe giọng chúng nó là thấy vui lắm rồi”. Nỗi nhớ thương hai con nhỏ khiến giọng anh như nghẹn lại. Sự mạnh mẽ của người đàn ông đã giúp anh kìm nén để không bật khóc. Khác với các bệnh nhân ở Ba Chẽ, Tiên Yên có thể tranh thủ về nhà, một năm vợ chồng anh chỉ có thể về vào dịp Tết vì nhà ở đảo xa, nhỡ thay đổi thời tiết, cấm tàu thì anh không biết làm thế nào.

Câu chuyện của chúng tôi chợt ngắt quãng khi Triệu A Ba (21 tuổi, quê ở xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) từ trong phòng bước ra. Thấy người lạ, Ba khẽ gật đầu chào. Cố kéo chiếc áo căng lên vì cái bụng trương phình, em bảo; “Áo lại chật rồi, hình như bụng to ra”. Ở cái tuổi đẹp nhất trong cuộc đời, đáng lẽ được sống hết mình với những đam mê và cống hiến thì Ba lại từng ngày chống chọi với những cơn đau, khệ nệ ôm cái bụng phồng to vì ứ thận. 

Là người sôi nổi nhất xóm, được bầu là “tổ trưởng xóm trọ”, bà Chu Thị Khang (57 tuổi, quê ở xã Thanh Lâm, huyện Ba Chẽ) như chất keo gắn kết những người trong xóm trọ. Bà nắm rõ hoàn cảnh của từng người, hay hỏi han, trò chuyện khiến không khí xóm trọ bớt đi vẻ buồn bã, đìu hiu. Nhưng khi kể về căn bệnh của mình, giọng bà hơi trùng xuống, nén tiếng thở dài: “Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng hầu hết bệnh nhân chạy thận đều là những người có hoàn cảnh khó khăn, cố gắng chữa bệnh, sống được ngày nào hay ngày ấy. Căn bệnh này khiến chúng tôi chẳng thể làm công việc gì, chỉ trông đợi vào con cái ở nhà. Nhưng có khi ở nhà túng quá không đủ tiền gửi lên, lại cố gắng chắt chiu ăn tạm bát cơm với mắm, chờ chạy thận”.Nhìn em, chẳng ai nghĩ đó là chàng trai 21 tuổi. Gương mặt hốc hác, đôi tay gầy khô. Chưa đến lịch chạy thận nên Ba có vẻ mệt mỏi. Ba vừa thở dốc vừa nói chuyện với tôi, tay vẫn xoa xoa bụng: “Em chạy thận được 4 năm rồi. Lúc đầu em còn đi, về trong ngày được, nhưng bệnh ngày càng nặng hơn, biến chứng sang các bộ phận khác nên em phải thuê trọ ở đây. Nhiều đêm, tức bụng đau lắm không ngủ được, phải nằm chờ đến sáng để vào viện chạy thận. Bác sĩ bảo rút bớt dịch cho bụng bớt nặng, nhưng em lại tiếc mấy chai đạm mới truyền nên thôi. Mỗi chai cũng phải 600.000 đồng đấy chị ạ”. 

Bà Chu Thị Khang sắp xếp đồ trong căn phòng ẩm thấp ở khu trọ.
Bà Chu Thị Khang sắp xếp đồ trong căn phòng ẩm thấp ở khu trọ.

Căn bệnh suy thận trở thành gánh nặng khiến kinh tế gia đình các bệnh nhân kiệt quệ. Tuy vậy, họ vẫn đồng hành, nương tựa vào nhau để tiếp tục sống và hy vọng.

 

Bà Chu Thị Khang (bên phải) giúp đỡ mọi người trong xóm trọ.
Bà Chu Thị Khang (bên phải) giúp đỡ mọi người trong xóm trọ.

Căn bệnh suy thận chẳng khác gì "án tử" mà mỗi bệnh nhân đều ý thức sâu sắc. Càng ý thức về sự sống mong manh, họ càng gắn kết, yêu thương và đùm bọc lẫn nhau. Trời tối dần cũng là lúc mọi người trong xóm trọ cùng nhau chuẩn bị bữa cơm tối. Mỗi người một món, góp lại thành bữa cơm chung. Hôm nay, Ba đi chợ xin được mớ cá ót để cải thiện cho bữa tối của xóm. Bà Khang lấy lọ măng ngâm mót ở bụi tre sau xóm trọ, chuẩn bị xào. Mớ rau cải 10.000 đồng cũng được chia làm đôi...

Hôm nay chị Vui, vợ anh Bình về muộn nên cả xóm cùng đợi cơm. Thiếu một thành viên, bữa cơm không được trọn vẹn. Mọi người lại tranh thủ trò chuyện, anh Bình chuẩn bị sẵn nồi nước nóng để chị về tắm. Gần 19 giờ, chị Vui về. Không khí xóm trọ rôm rả hẳn. Chị khoe, được cửa hàng cho một ít thịt gà mang về. Đó như món quà lớn với xóm trọ, vậy là bữa cơm ngày mai họ lại có thêm một món "tươi".

Bà Khang kể: “Hầu như tối nào mọi người cũng ăn cùng nhau như gia đình vậy, thiếu một người là thấy mất vui. Chúng tôi coi đây như gia đình thứ hai của mình. Bữa tối các thành viên sum họp bên mâm cơm, cùng nhau chia sẻ, trò chuyện, nhờ vậy, nỗi nhớ nhà cũng vơi bớt”.

 Các thành viên trong
Các thành viên trong "xóm chạy thận" quây quần bên mâm cơm tối.

Trong những câu chuyện họ kể cho nhau, có những lời hỏi thăm, quan tâm, động viên, có sự sẻ chia khó nhọc hằng ngày, giống như cha mẹ chăm lo cho con cái, giống như những người anh, người chị tưởng như đã gắn bó từ lâu. Có những ngày, một thành viên trong xóm gặp khó khăn, gia đình chưa kịp gửi tiền, mọi người lại chia nhau củ khoai, miếng thịt. Khi thì san sẻ hộp sữa, cái bánh, ngọt bùi cùng chung nhau. Ở xóm trọ này, tình người ấm áp không chỉ giữa những bệnh nhân chạy thận, mà từ chính những người thân - “hậu phương vững chắc” vẫn đang mạnh mẽ tiếp thêm sinh lực cho họ chiến đấu với căn bệnh quái ác này. 

Chúng tôi nhìn thấy những người vợ tần tảo làm việc ban ngày, tối về lại nhẫn nại xoa bóp cho chồng bớt đau nhức. Chúng tôi thấy những người con làm hai, ba việc một ngày để kiếm tiền chạy thận và chăm sóc cho mẹ. Chúng tôi thấy những nụ cười và ánh mắt động viên nhau, những lời yêu thương và cử chỉ ấm áp xua đi cái lạnh mùa đông. Dù những bệnh nhân suy thận biết họ không có phép màu nào trong cuộc sống, dù vẫn hằng ngày đối diện với đau đớn, mệt mỏi, nhưng tình cảm trân quý, sự đùm bọc và mái ấm mà họ dành cho nhau chính là niềm tin, hy vọng và động lực để vượt qua khó khăn, bệnh tật...

Hoàng Quỳnh

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu