Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 03:52 (GMT +7)
Tổ chức Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN: Đổi mới để hiệu quả hơn
Thứ 6, 13/03/2015 | 09:01:10 [GMT +7] A A
Trong 2 năm trở lại đây, công tác tổ chức Tuần lễ quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN) trên địa bàn toàn tỉnh đã được đổi mới từ công tác chỉ đạo đến triển khai thực hiện.
Kiểm tra công tác an toàn trước khi vào ca tại khu vực lò chợ vỉa 7 khu Trung tâm, Công ty Than Dương Huy. |
Theo ông Lê Văn Sử, Chánh Thanh tra, Sở LĐ-TB&XH: Trước đây, để phát động Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN, cả cấp tỉnh và cấp công ty thường chỉ đạo tổ chức lễ phát động một buổi với một số thành phần đại diện tham dự. Cách tổ chức này về cơ bản rất rầm rộ nhưng thực tế sẽ không tới tận người lao động trực tiếp. Khắc phục nhược điểm này, 2 năm nay, ngoài việc tổ chức điểm ở một đơn vị doanh nghiệp lớn nhân lễ phát động thì tỉnh cũng chỉ đạo tất cả các doanh nghiệp tại mỗi đơn vị, phân xưởng, tổ đội và tất cả các ca sản xuất đều phải tổ chức lễ phát động tuần lễ quốc gia ATVSLĐ.
Với cách thức tổ chức lễ phát động mới này, 100% người lao động trực tiếp đã được tham gia lễ phát động, được nghe tuyên truyền về công tác ATLĐ, từ đó góp phần tác động sâu sắc đến nhận thức của mỗi cá nhân trong công tác tự chủ, nâng cao ý thức phòng ngừa TNLĐ. Cùng với tuyên truyền, tổ chức lễ phát động ở các doanh nghiệp thì tỉnh cũng mở rộng đối tượng tuyên truyền đến người dân, các chợ và các khu vực có môi trường công việc dễ xảy ra cháy nổ, mất ATLĐ. Trước đây, để triển khai Tuần lễ, UBND tỉnh thường chỉ họp các thành viên trong Ban Chỉ đạo Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN nhưng bắt đầu từ năm 2014, tỉnh đã tổ chức họp trực tuyến ở tất cả 14 điểm cầu của 14 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn nên công tác chỉ đạo được rõ nét, thông suốt.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức về ATVSLĐ-PCCN đã được quan tâm, triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. UBND tỉnh đã chỉ đạo công tác tuyên truyền cần phải được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục, tập trung vào các doanh nghiệp, cơ sở có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và hướng tới người lao động. Các ngành, địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền phù hợp với công việc, địa bàn và đặc thù ngành nghề sản xuất kinh doanh. Điển hình như các đơn vị ngành Than tuyên truyền bằng video, hình ảnh về các vụ TNLĐ hay tuyên truyền thông qua hệ thống phát thanh trên xe chở công nhân, dọc các khu đường lò, ở các nhà giao ca, mọi lúc, mọi nơi. Như Công ty Than Mạo Khê, Công ty Than Vàng Danh, từ hệ thống đài truyền thanh nội bộ đã nhân lên những điển hình tốt trong công tác ATVSLĐ, những “điển hình xấu” cũng bị “bêu gương xấu” để từ đó tất cả người lao động đều nhận thức, ý thức về công tác ATLĐ và chấp hành nghiêm túc.
Việc đổi mới công tác tổ chức, hình thức tuyên truyền, huấn luyện về ATLĐ-PCCN đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành của người lao động, doanh nghiệp về công tác ATLĐ. Các cơ sở, doanh nghiệp đã tích cực tham gia triển khai công tác an toàn từ đầu tư trang thiết bị bảo hộ lao động; tham gia các lớp huấn luyện về an toàn; thực hiện nghiêm công tác kiểm định hệ số an toàn máy móc và tuyên truyền, huấn luyện cho người lao động về ATLĐ… Đây chính là tiền đề để các doanh nghiệp, người lao động tiếp tục phát huy, thực hiện tốt chương trình hành động với mục tiêu “Mỗi doanh nghiệp, người lao động chủ động các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ để bảo vệ chính mình, doanh nghiệp và xã hội” - chủ đề của Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN lần thứ 17 này.
Trung Anh
Liên kết website
Ý kiến ()