Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 17:09 (GMT +7)
Phòng, chống bệnh nghề nghiệp: Nhiều doanh nghiệp còn lơ là
Thứ 5, 19/03/2015 | 06:44:43 [GMT +7] A A
Trên địa bàn tỉnh hiện có không ít doanh nghiệp khai thác, sản xuất, kinh doanh than, xi măng, đá, gạch ngói... với môi trường làm việc nhiều bụi bặm, nóng bức, tiếng ồn. Tuy nhiên, số doanh nghiệp quan tâm, thực hiện nghiêm túc công tác đo môi trường lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động còn hạn chế.
Cán bộ Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đo môi trường lao động tại Công ty Than Vàng Danh. Ảnh: Lê Mạnh Thưởng (Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh) |
Hiện nay, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh là đơn vị có đủ tiêu chuẩn theo Thông tư số 19 của Bộ Y tế về hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động, sức khoẻ người lao động và bệnh nghề nghiệp. Những năm gần đây, Trung tâm đã được đầu tư, nâng cấp, mua sắm nhiều trang, thiết bị hiện đại phục vụ công tác quản lý vệ sinh lao động và bệnh nghề nghiệp, như: Máy đo chức năng hô hấp; máy xét nghiệm nước tiểu 10 thông số; máy đo ánh sáng, độ rung, tiếng ồn v.v.. Trung tâm cũng chú ý nâng cao chất lượng công tác khám, chẩn đoán, giám định và điều trị bệnh nghề nghiệp. Ở tuyến huyện, tuy còn thiếu thốn về máy móc, trang thiết bị nhưng ở địa phương nào cũng có cán bộ làm công tác phòng chống bệnh nghề nghiệp.
Bác sĩ Lê Mạnh Thưởng, Trưởng Khoa Sức khoẻ nghề nghiệp (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh) cho biết: Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp trong tỉnh đã có ý thức hơn trong việc kiểm tra môi trường lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động, tuy nhiên, số doanh nghiệp chủ động, thực hiện tốt công tác này chưa nhiều.
Theo đánh giá của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, ngoài một số doanh nghiệp ngành Than thực hiện công tác đo môi trường lao động, khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động rất đều, đủ thì vẫn còn một số doanh nghiệp coi đây là việc làm lấy lệ, hoặc năm làm, năm không, chủ yếu nhằm đối phó với việc thanh, kiểm tra của cấp trên. Năm 2014, toàn tỉnh chỉ có 96 đơn vị đo, kiểm tra môi trường lao động (trong số này có trên 1 nửa là doanh nghiệp thuộc ngành Than). Đây là con số lớn nhất từ trước đến nay, bởi năm 2013 chỉ có 83 đơn vị, năm 2012 có 75 đơn vị. Số đơn vị thực hiện khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động năm 2014 là 136, tăng hơn so với năm 2013 (có 83 đơn vị), tuy nhiên, đây vẫn là con số khiêm tốn so với số đơn vị, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn tỉnh.
Về lý do khiến nhiều doanh nghiệp lơ là công tác này, theo bác sĩ Lê Mạnh Thưởng, chủ yếu là do các đơn vị chưa thực sự quan tâm và thấy rõ được tầm quan trọng của công tác an toàn vệ sinh lao động và phòng, chống bệnh nghề nghiệp. Thêm nữa, tình trạng cán bộ y tế lao động trong các đơn vị đa phần đều kiêm nhiệm, nên khi triển khai hoạt động gặp nhiều khó khăn. Điều này gây thiệt thòi lớn cho người lao động, bởi chỉ khi doanh nghiệp tiến hành đo môi trường lao động thì mới có kết quả về yếu tố độc hại, từ đó làm căn cứ giải quyết chế độ độc hại cho người lao động. Tương tự, việc khám sức khoẻ định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động cũng phải được các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ, nếu không, người lao động sẽ phải chịu thiệt thòi. Như năm 2014, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh khám bệnh nghề nghiệp cho 2.630 người, trong đó có 232 người bị bệnh nghề nghiệp (chủ yếu là bệnh bụi phổi silic và lao nghề nghiệp). Số lao động này đã được điều trị, phục hồi chức năng và được chuyển hồ sơ lên Hội đồng giám định y khoa kết luận, từ đó chuyển đến Bảo hiểm xã hội để giải quyết chế độ.
Từ thực tế trên cho thấy, công tác đo môi trường lao động; phòng, chống bệnh nghề nghiệp rất cần được các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp quan tâm, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Để các doanh nghiệp hiểu rõ điều này, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tăng cường làm việc với các đơn vị, doanh nghiệp, từ đó tuyên truyền, giải thích, tư vấn cho các đơn vị những việc cần làm, đặc biệt là trong Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ-PCCN. “Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một trong những giải pháp cần làm, bởi Trung tâm chỉ có thể gửi công văn đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện chứ không thể bắt ép họ ký kết thực hiện đo môi trường lao động hay khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Điều quan trọng vẫn phụ thuộc vào ý thức của từng doanh nghiệp. Thêm nữa, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị, nhằm mang lại quyền lợi chính đáng cho người lao động” - bác sĩ Lê Mạnh Thưởng nhấn mạnh.
Hoàng Quý
Liên kết website
Ý kiến ()