Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 09/01/2025 00:52 (GMT +7)
Tổng thống Mỹ chính thức công bố gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine, bao gồm số lượng lớn tên lửa tầm trung
Thứ 5, 02/06/2022 | 07:26:00 [GMT +7] A A
Ngày 1/6 (rạng sáng 2/6 theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chính thức công bố gói viện trợ quân sự mới dành cho Ukraine, trong một động thái chắc chắn sẽ bị Nga phản đối.
Hãng tin AP cho biết đây là một gói viện trợ quân sự qui mô lớn, trong đó bao gồm cả các hệ thống tên lửa hiện đại, tên lửa dẫn đường chính xác cao, hệ thống rocket phản lực phóng loạt, số lượng lớn đạn…
Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS), khả năng bắn được nhiều loại đạn và rất cơ động, mà Washington cấp cho Ukraine có tầm bắn khoảng 90km. Lầu Năm Góc thông báo Mỹ không loại trừ khả năng sẽ cung cấp thêm cho Kiev nhiều hệ thống HIMARS nữa sau khi có phản hồi về việc vận hành.
Trong một thông cáo, Tổng thống Biden nói: “Hôm nay (1/6), tôi tuyên bố dành gói hỗ trợ an ninh mới đầy ý nghĩa nhằm cung cấp các khoản viện trợ quan trọng và đúng thời điểm cho quân đội Ukraine. Gói hỗ trợ mới này sẽ trang bị cho lực lượng Ukraine các năng lực mới và vũ khí hiện đại, trong đó có hệ thống HIMARS để nước này bảo vệ lãnh thổ”.
Theo đài Sputnik, gói hỗ trợ mới của Mỹ cũng bao gồm các máy bay trực thăng, 6.000 hệ thống tên lửa chống tăng Javelin, 15.000 quả đạn pháo 155 ly, phương tiện chiến thuật và nhiều khí tài, thiết bị khác.
Với tầm bắn trên, HIMARS được coi là hệ thống tên lửa tầm trung. Nhà Trắng trước đó đã từ chối cung cấp cho chính quyền Kiev các hệ thống tên lửa tầm xa có thể tấn công các mục tiêu nằm bên trong lãnh thổ Nga.
Phát biểu với báo giới cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng Ukraine đã đảm bảo với Washington rằng nước này sẽ không sử dụng các tên lửa do Mỹ viện trợ để tấn công Nga.
Khi được hỏi về nguy cơ leo thang xung đột với Nga, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ nói: “Liên quan tới các hệ thống vũ khí mà chúng tôi cung cấp cho Kiev, phía Ukraine đã đảm bảo với chúng tôi rằng họ sẽ không dùng những hệ thống này để tấn công các mục tiêu bên lãnh thổ Nga.
Điện Kremlin thẳng thừng tuyên bố Nga không tin cam kết này của chính quyền Kiev.
Trước đó, Đại sứ Nga tại Mỹ, ông Anatoly Antonov, đã kêu gọi Washington không thực hiện một bước đi mang tính khiêu khích như vậy, điều sẽ chỉ làm leo thang xung đột hơn nữa. Ông Antonov tuyên bố với việc cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine, Mỹ sẽ hủy hoại triển vọng hòa bình ở quốc gia Đông Âu này.
Ông cũng lưu ý rằng Washington đang ngày càng can dự nhiều hơn vào cuộc xung đột, có thể gây ra “những hậu quả khó lường đối với an ninh toàn cầu”. Nhà ngoại giao Nga kêu gọi Chính quyền của Tổng thống Biden nên chấm dứt “hoạt động viện trợ vũ khí vô nghĩa và gây rủi ro cao” cho Ukraine.
Nga đã nhiều lần cảnh báo phương Tây không cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí vì hành động đó sẽ chỉ kéo dài sự các hoạt động thù địch chứ không thay đổi được kết quả, do đó gây thêm thiệt hại cho Ukraine và người dân nước này. Moskva cũng tuyên bố các kho vũ khí từ phương Tây ở Ukraine là "mục tiêu hợp pháp" của các lực lượng Nga.
Theo đài RT (Nga), Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Alexey Reznikov ngày 28/5 tuyên bố rằng Kiev “vẫn sẽ thắng” trong cuộc xung đột với Nga. Giống như các quan chức Ukraine khác, ông Reznikov đặt hy vọng vào vũ khí do nước ngoài cung cấp, đặc biệt là tên lửa chống hạm Harpoon từ Đan Mạch.
Đan Mạch đang vận hành biến thể RGM-84L-4 Harpoon Block II có khả năng tấn công chiến hạm trên biển, cũng như các mục tiêu trong cảng và đất liền. Nước này từng biên chế mẫu RGM-84A Block I với tính năng kém hơn trong thập niên 1990, trước khi đưa chúng vào niêm cất năm 2003.
Trong một bài đăng dài trên Facebook, Bộ trưởng Reznikov cho biết Ukraine đã bắt đầu nhận tên lửa chống hạm Harpoon từ Đan Mạch và lựu pháo tự hành từ Mỹ. Ông cảm ơn "một số" quốc gia đã bổ sung đạn pháo 155 ly cho Ukraine và ca ngợi Mỹ về lô lựu pháo M777 155 ly mới chuyển gần đây cùng hơn 100 máy bay không người lái các loại.
Theo Baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()