Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 23:19 (GMT +7)
TP Hạ Long: Siết chặt quản lý trật tự đô thị
Thứ 5, 01/06/2023 | 15:53:49 [GMT +7] A A
Mặc dù công tác quản lý trật tự đô thị được UBND TP Hạ Long thường xuyên quan tâm chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng người dân vi phạm trật tự đô thị, lấn chiếm vỉa hè lòng đường làm nơi kinh doanh vẫn còn diễn ra ở nhiều tuyến phố. Trước thực trạng này, TP Hạ Long đang triển khai nhiều giải pháp mạnh, quyết tâm hạn chế thấp nhất tình trạng vi phạm trật tự đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch của tỉnh nên TP Hạ Long có tốc độ phát triển đô thị nhanh, các hoạt động dịch vụ thương mại diễn ra nhộn nhịp. Điều này cũng kéo theo việc nhiều hộ dân, cơ sở kinh doanh thường lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh. Thậm chí nhiều nơi hộ dân còn tận dụng vỉa hè, lề đường để trồng rau, đặt chậu hoa, cây cảnh, vật dụng chứa rác… gây cản trở giao thông, mất mỹ quan và vệ sinh môi trường.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên được chỉ ra là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy chính quyền cơ sở chưa thường xuyên. Một số đơn vị còn nể nang, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, chưa xử lý triệt để các vi phạm.
Đồng chí Vũ Quyết Tiến, Bí thư Thành ủy Hạ Long, cho biết: Để tạo chuyển biến trong công tác trật tự đô thị một cách căn cơ, bài bản và toàn dân cùng làm, ngày 16/5/2023, Ban Thường vụ Thành ủy Hạ Long đã ban hành Chỉ thị số 20-CT/TU về tăng cường lãnh đạo, nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo trật tự đô thị, vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố. Chỉ thị số 20-CT/TU đã nêu rõ, công tác đảm bảo trật tự đô thị, vệ sinh môi trường là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải chịu trách nhiệm nếu để phát sinh vi phạm về lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, xây dựng trái phép, rác thải gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời đưa ra yêu cầu cụ thể đối với UBND thành phố, UBND các xã, phường, các chi đảng bộ trực thuộc cho đến các cán bộ, đảng viên.
Cụ thể hóa các nội dung yêu cầu, chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy Hạ Long, ngày 17/5/2023, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 216/KH-UBND về việc thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TU. Ngay khi các chỉ thị, kế hoạch có hiệu lực, các cơ quan chức năng và UBND các xã, phường đã triển khai quyết liệt các giải pháp để đảm bảo trật tự đô thị. Đơn cử như Đội Kiểm tra trật tự đô thị và môi trường của thành phố đã tổ chức hướng dẫn các xã, phường về các quy định xử phạt đối với các trường hợp chiếm dụng lòng đường, vỉa hè trái phép; thành lập các tổ công tác hiện trường để kịp thời hỗ trợ các phường, xã có lực lượng mỏng trong công tác kiểm tra, xử lý tháo dỡ các công trình xây dựng lấn chiếm trên vỉa hè.
Ông Trần Xuân Điều, Đội phó Đội Kiểm tra trật tự đô thị và môi trường TP Hạ Long, cho biết: Mặc dù công tác chỉnh trang, lập lại trật tự đô thị còn gặp khó khăn và cần nhiều thời gian, nhưng đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với các xã, phường để quyết tâm sớm lập lại đường thông, hè thoáng, trả lại hình ảnh văn minh của thành phố, quyết tâm đến hết tháng 8/2023, toàn thành phố không còn tình trạng này. Hiện đơn vị đang tập trung tuyên truyền cho người dân tại các tuyến phố trung tâm, kiên quyết không để người dân lấn chiếm vỉa hè để buôn bán, họp chợ. Đồng thời, vận động các hộ dân ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định về trật tự đô thị. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ tổ chức lập biên bản để xử lý.
Về phía UBND các xã, phường cũng đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của lòng đường, vỉa hè và vai trò của mỗi người trong việc bảo vệ và duy trì trật tự. Chị Hoàng Thị Loan (tổ 4, khu 4, phường Hồng Hải, TP Hạ Long), chủ cơ sở kinh doanh tạp hoá tại chợ Cột 3, cho biết: Sau khi được các lực lượng chức năng của thành phố và phường nhắc nhở, tuyên truyền, chúng tôi cũng đã ý thức được rằng việc buôn bán trên lòng đường đã gây cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị. Do đó chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm túc các quy định về trật tự đô thị, cam kết không sử dụng trái phép lòng đường, vỉa hè để bày bán hàng hóa.
Căn cứ vào tình hình thực tế, các địa phương cũng sẽ triển khai xây dựng quy chế, quy định về việc quản lý sử dụng lòng đường vỉa hè; xác định rõ các khu vực cấm hoặc giới hạn hoạt động trên lòng đường vỉa hè (đỗ xe, kinh doanh, xếp dỡ hàng hóa). Đặc biệt, các địa phương cũng sẽ thực hiện các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt thông qua việc kiểm tra, tuần tra, lắp đặt hệ thống camera giám sát để phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm trên lòng đường vỉa hè, trước mắt nghiên cứu lắp đặt tại các điểm nóng về vi phạm trật tự đô thị trên địa bàn thành phố như: Cổng các chợ truyền thống, cổng bệnh viện, bến xe, bãi tắm, trường học, các nhà hàng, khách sạn. Đồng thời, áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính, phạt nguội, đình chỉ hoạt động kinh doanh các cơ sở kinh doanh lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh dịch vụ, tổ chức ăn uống, dừng đỗ phương tiện, gây mất vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; nghiên cứu, xây dựng lòng đường vỉa hè rộng rãi và hợp lý trong quy hoạch đối với các khu đô thị mới nhằm tăng nhu cầu sử dụng không gian công cộng, giảm áp lực về trật tự lòng đường vỉa hè.
Nhằm tạo chuyển biến từ mỗi người dân, các xã, phường cũng đang khuyến khích cộng đồng tham gia vào việc quản lý, giám sát, bảo vệ lòng đường vỉa hè thông qua việc thành lập tổ tự quản trong tổ dân, khu phố, tuyến phố để tuyên truyền, nhắc nhở ngăn ngừa các trường hợp vi phạm; tổ chức các hoạt động gắn kết cộng đồng như dọn vệ sinh, làm đẹp và tạo ra không gian sống xanh, sạch đẹp trên lòng đường, vỉa hè...
Với quyết tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương và mỗi người dân, chắc chắn tình trạng vi phạm trật tự đô thị ở thành phố thủ phủ Hạ Long sẽ ngày càng hạn chế, qua đó góp phần đưa Hạ Long trở thành đô thị dịch vụ, du lịch hiện đại, văn minh, thân thiện.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()