Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 19:50 (GMT +7)
Quảng Yên: Chuyển đổi số để phát triển toàn diện
Thứ 3, 05/07/2022 | 08:28:20 [GMT +7] A A
Chuyển đổi số được xem là xu thế tất yếu của thời đại, là cơ hội để bứt phá, vươn lên và còn là giải pháp mang tính đột phá trong phát triển KT-XH của địa phương. Nhận diện rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số, TX Quảng Yên đã và đang triển khai nhiều giải pháp để thực hiện toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, nhằm mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, dựa trên những thành quả quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Chuyển đổi số cả 3 trụ cột
Thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 5/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, TX Quảng Yên đã xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm trong hành trình chuyển đổi số của địa phương là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trên cơ sở đó, việc chuyển đổi số trên địa bàn thị xã đã đạt được những kết quả tích cực.
Xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, Quảng Yên đã tổ chức 6 lớp tập huấn cho hơn 500 CBCCVC cấp thị xã và cấp xã về nâng cao nghiệp vụ khai thác sử dụng các phần mềm chính quyền điện tử, chữ ký số. Rà soát đề nghị cấp lại tài khoản thư công vụ và đề nghị cấp chữ ký số cho lãnh đạo, CBCC tại các cơ quan hành chính nhà nước của thị xã. Đến nay, đã có 374 chữ ký số đảm bảo đạt tối thiểu 40% văn bản, hồ sơ được ký số trong năm 2022.
Công tác chuẩn hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện tích cực. 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND thị xã (bao gồm các thủ tục hành chính thiết yếu) khi người dân đến giải quyết đều được số hóa thành phần hồ sơ đưa vào phần mềm một cửa điện tử. Trong đó, số thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 là 255 thủ tục, đạt 74,78%; cung cấp 258 thủ tục hành chính kết nối lên cổng dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 74,57%.
Quảng Yên từng bước triển khai thực hiện kế hoạch phát triển thương mại điện tử trên địa bàn năm 2022. Thị xã đã tổ chức đào tạo, hướng dẫn nhân viên trong các doanh nghiệp viễn thông, CNTT trên địa bàn về nghiệp vụ chuyển đổi số, kỹ năng cài đặt các phần mềm, nền tảng số, để sẵn sàng hỗ trợ các cơ quan, đơn vị triển khai chính quyền điện tử và chuyển đổi số.
Đặc biệt, vừa qua thị xã đã hỗ trợ các cơ sở sản xuất OCOP xây dựng website để giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Đến nay, có 4 sản phẩm OCOP là nem chua, nem nắm, rượu ba kích, trứng gà Tân An đã được đăng ký và đưa lên sàn giao dịch postmart.vn và sàn giao dịch voso.vn…
Hiện 19/19 xã, phường của Quảng Yên đã thành lập 179 tổ công nghệ số cộng đồng thôn, khu, với 1.127 thành viên. Nhiều địa phương đã tổ chức hội nghị ra mắt tổ công nghệ số cộng đồng; kết hợp truyền thông rộng rãi về chuyển đổi số, hướng dẫn người dân cài đặt các nền tảng, như: VneID, sổ sức khỏe điện tử, BHXH...
Hoạch định chiến lược dài hơi
Theo Chủ tịch UBND TX Quảng Yên Trần Đức Thắng, chuyển đổi số là mấu chốt cho sự phát triển toàn diện của địa phương. Chuyển đổi số làm thay đổi cách quản lý của chính quyền, giúp người dân dễ dàng tương tác hơn với chính quyền; thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là các lĩnh vực kinh tế trọng điểm. Bởi vậy, thị xã hướng tới phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông thành hạ tầng số thống nhất, ổn định, linh hoạt. Phát triển ứng dụng, dịch vụ mới theo hướng dùng chung, liên thông hạ tầng số, nền tảng đảm bảo khả năng sử dụng dữ liệu số và các công cụ phân tích, dự báo thông minh để kịp thời đưa ra các quyết định chính xác trong hoạt động quản lý nhà nước. Đồng thời, phát triển kinh tế số, cung cấp các dịch vụ số phục vụ người dân, doanh nghiệp theo kịp thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Để đạt được mục tiêu này, thị xã chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, chương trình về chuyển đổi số tuân thủ nguyên tắc kế thừa, phát huy các thành tựu từ hệ thống chính quyền điện tử, đô thị thông minh; chuyển nhanh chính quyền điện tử sang chính quyền số phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Trong đó, huy động sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, nhất là nêu cao vai trò người đứng đầu. Tổ chức tuyên truyền đồng bộ, toàn diện về chuyển đổi số, để nâng cao nhận thức cho các cơ quan, đơn vị, địa phương; tạo sự đồng thuận trong các cấp chính quyền, nhân dân để triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả.
Ngay từ đầu năm 2022 - năm đầu tiên thực hiện chuyển đổi số toàn diện các lĩnh vực, Quảng Yên chú trọng nâng cao và phát triển hạ tầng số trên địa bàn. Thị xã rà soát các vùng lõm sóng, nâng cấp mạng 4G và đường truyền mạng tại các KCN, khu dân cư, cơ quan, đơn vị và các khu tập trung đông người; thực hiện lộ trình ngầm hóa đường cáp quang đảm bảo ổn định và mỹ quan đô thị. Hệ thống truyền thanh cơ sở được cải tạo, nâng cấp thành hệ thống truyền thanh kỹ thuật số và đã đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả trong công tác thông tin, tuyên truyền. Hiện thị xã cũng đang lập dự án lắp đặt hệ thống camera IoT, nhằm giám sát trật tự và ATGT trên địa bàn.
Mục tiêu đến hết năm 2025, Quảng Yên hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động trung tâm điều hành đô thị thông minh thị xã. 100% số liệu tổng hợp, báo cáo định kỳ, báo cáo thống kê phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên hệ thống dùng chung. Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đóng góp 50% kinh tế số. Phấn đấu 100% doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh có hình thức thanh toán qua môi trường số; 100% hộ gia đình được sử dụng Internet băng thông rộng; 80% dân số trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử…
Tin rằng, bằng việc triển khai quyết liệt, đồng bộ với sự vào cuộc của các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, địa phương, hành trình chuyển đổi số của Quảng Yên sẽ sớm lan tỏa và đạt kết quả cao.
Ngô Dịu
Liên kết website
Ý kiến ()