Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:21 (GMT +7)
Triển vọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo
Thứ 5, 06/01/2022 | 08:36:31 [GMT +7] A A
Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được tỉnh Quảng Ninh chú trọng, tập trung xúc tiến, thu hút đầu tư và bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định. Đặc biệt, trong năm 2021, với tốc độ tăng trưởng đạt 32,19% so cùng kỳ, đóng góp 3,36 điểm % trong tốc độ tăng trưởng, chiếm tỷ trọng 11,9% trong GRDP, ngành chế biến, chế tạo đã tạo ra động lực tăng trưởng mới cho Quảng Ninh trong bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước có nhiều biến động do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.
Nghị quyết mở đường cho tương lai
Công nghiệp chế biến, chế tạo được ví như xương sống của nền kinh tế, là nền tảng và là động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp Việt Nam. Và Quảng Ninh luôn được Trung ương xếp vào nhóm các tỉnh có dư địa phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lớn dựa trên nền tảng của ngành khai thác, chế biến than đã có từ thời Pháp thuộc.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các ngành liên quan, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại Quảng Ninh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Trong 24 mã ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2010-2020 thì đa số dự án có quy mô vốn nhỏ, số dự án có công nghệ tiên tiến, hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao chiếm tỷ lệ còn ít, chưa phát triển đột phá công nghiệp sạch, công nghệ cao; hiệu quả sản xuất kinh doanh của một số dự án đầu tư chưa cao, chưa có những doanh nghiệp công nghiệp lớn, thương hiệu mạnh tham gia sâu vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị trong nước cũng như toàn cầu. Công nghiệp chế biến, chế tạo chưa đóng vai trò động lực cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của tỉnh trong thời gian qua; tỷ trọng đóng góp trong GRDP và thu ngân sách địa phương còn nhỏ. Hiệu quả của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong công nghiệp chế biến, chế tạo còn thấp, phần lớn là các dự án còn thâm dụng lao động, tiêu hao nhiều năng lượng, giá trị gia tăng thấp.
Từ nhận diện những thách thức và đánh giá tiềm năng, cơ hội phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh, ngay sau thành công của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2020-2025), Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã họp bàn, thống nhất ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 16/11/2020 về “Phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Quan điểm của tỉnh là sẽ phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với cơ cấu hợp lý, có khả năng cạnh tranh. Trong đó, đặc biệt ưu tiên và thu hút những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, ít hao hụt tài nguyên, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ở một số chuyên ngành, lĩnh vực, có khả năng đáp ứng cơ bản các yêu cầu của nền kinh tế và xuất khẩu.
Theo đó, Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt 15%, đến năm 2030, con số này đạt 20%. Để hiện thực hoá được điều này, địa phương đang đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, giảm dần những ngành lệ thuộc nhiều vào tài nguyên khoáng sản, tác động đến môi trường. Đồng thời, ưu tiên thu hút có chọn lọc các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, thông minh và thân thiện môi trường; xây dựng cơ chế, chính sách phát triển chuỗi giá trị công nghiệp hỗ trợ, cụm liên kết ngành, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị theo hướng hiện đại, phát triển xanh...
Nghị quyết số 01-NQ/TU đã khẳng định quyết tâm đưa công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành 1 trong 3 trụ cột chính trong ngành công nghiệp của tỉnh Quảng Ninh. Hai trụ cột khác của ngành công nghiệp Quảng Ninh gồm khai thác khoáng sản, nhất là khai thác than; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt.
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, khẳng định, nhiệm kỳ 2020-2025, Quảng Ninh xác định phải đạt được 3 đột phá trong phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, gồm đột phá về thu hút tổng vốn đầu tư, tốc độ giá trị gia tăng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; đột phá về tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) và thu ngân sách địa phương; đột phá về thu hút lao động chất lượng cao gắn với tăng quy mô, chất lượng dân số thông qua phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo.
Đặc biệt, Quảng Ninh chú ý đến 4 giải pháp cốt lõi là Quy hoạch mặt bằng sản xuất; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; nguồn nhân lực sẵn có, dễ tiếp cận; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, môi trường sống an ninh, an toàn, văn minh, thân thiện.
Tỉnh ưu tiên thu hút có chọn lọc các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, công nghiệp thông minh, thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng lớn, quản trị hiện đại, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai, tài nguyên đóng góp lớn vào tăng trưởng GRDP và thu ngân sách. Đồng thời kết hợp chặt chẽ phát triển nhanh, bền vững công nghiệp chế biến, chế tạo với thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng, tăng nhanh quy mô và chất lượng dân số, bảo đảm quốc phòng-an ninh, bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa.
Cùng đó, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với phát triển các khu công nghiệp bền vững theo mô hình “3 trong 1” khu công nghiệp-khu đô thị-khu dịch vụ với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại tạo môi trường làm việc và môi trường sống văn minh, hiện đại an toàn, tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng thu nhập cho người lao động và chất lượng cuộc sống cho người dân.
Tiếp tục tạo động lực dẫn dắt tăng trưởng
Hết năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Quảng Ninh ước đạt 10,28%, đứng thứ 2 so với các tỉnh, thành phố trong cả nước, cao gấp nhiều lần GRDP của cả nước (GRDP 2021 cả nước ước đạt 2,5%). Trong đó, động lực tăng trưởng chính là công nghiệp chế biến, chế tạo với tốc độ tăng trưởng đạt 32,19% so cùng kỳ, đóng góp 3,36 điểm % trong tốc độ tăng trưởng, chiếm tỷ trọng 11,9% trong GRDP. Một số sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2021 đạt cao, như: sợi bông cotton đạt hơn 310.000 tấn, tăng 17% so với năm 2020; loa, tai nghe đạt 7,5 triệu cái, tăng 309,29% so với năm 2020; vải dệt từ sợi tổng hợp đạt 2,8 triệu m2, tăng 88% so với năm 2020; màn hình tivi đạt 803.000 cái, tăng 414,74% so với năm 2020; thân mũ đạt 21,4 triệu cái, tăng 265,34% so với năm 2020.
Từ những con số thống kê trên có thể thấy, công nghiệp chế biến chế tạo đóng vai trò chủ đạo, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất cho khu vực công nghiệp và tác động lan tỏa tổng thể đến chất lượng tăng trưởng kinh tế. Đáng chú ý, trong năm 2021, tỉnh đã thu hút được 10 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, gồm 7 dự án FDI, với số vốn đầu tư đăng ký 935,025 triệu USD và 3 dự án vốn đầu tư trong nước, với số vốn đầu tư đăng ký 4.468 tỷ đồng; điều chỉnh tăng vốn cho 44 dự án thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, với số vốn đầu tư tăng thêm đạt gần 112 triệu USD. Tổng vốn đầu tư thu hút vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh trong năm 2021 đạt trên 28.700 tỷ đồng, gấp 3,59 lần so với mục tiêu đặt ra (bình quân 8.000 tỷ đồng/năm). Tổng số lao động làm việc trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn toàn tỉnh đến nay đạt trên 35.000 lao động.
Hiện nay các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đã và đang được các chủ đầu tư tích cực triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Điển hình là dự án Công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam, ngay sau khi bắt đầu có mặt bằng, tháng 8/2021, chủ đầu tư đã bắt tay ngay vào khởi công xây dựng các công trình. Hiện khu vực xưởng pin, xưởng chính và kho đã cơ bản hoàn thành, dự kiến trong tháng 6/2022, dự án sẽ bắt đầu đi vào sản xuất với nhu cầu công suất điện khoảng 48.000kVA. Sau khi đi vào hoạt động, doanh thu bình quân của dự án sẽ đạt gần 1,3 tỷ USD/năm. Thuế thu nhập doanh nghiệp đóng góp cho ngân sách nhà nước sau thời gian ưu đãi khoảng 873 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho trên 2.200 lao động với mức thu nhập cao.
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 16/11/2020 của Tỉnh ủy về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong năm 2022, Quảng Ninh dự kiến phát triển theo chiều sâu các khu kinh tế, khu công nghiệp có năng lực cạnh tranh quốc gia và quốc tế. Đồng thời, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả sử dụng đất tiết kiệm; trở thành động lực tăng trưởng, đổi mới sáng tạo, thu hút nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số. Cùng với đó là chú trọng phát triển các khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp chuyên sâu, giảm bớt khu công nghiệp tổng hợp; tăng tính liên kết giữa các khu công nghiệp, khu kinh tế của Quảng Ninh - Hải Phòng, hình thành các cụm sản xuất có quy mô lớn, tập họp các ngành liên kết, tương hỗ, phụ thuộc nhau để tạo nên những sàn phẩm công nghiệp hoàn chinh. Rà soát, bổ sung quy hoạch một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới, có lợi thế cạnh tranh, phát huy hiệu quả hạ tầng giao thông chiến lược của hai tuyến phía Đông và phía Tây.
Thực tiễn gần 2 năm thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế đã chứng minh cho vai trò quan trọng của hoạt động sản xuất và của ngành chế biến chế tạo trong việc đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững nền kinh tế. Việc chuyển hướng phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ đã tác động tích cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Và Quảng Ninh, với sự đổi mới tư duy, Quảng Ninh đã đi trước, đón đầu, tiếp tục đưa ngành chế biến chế tạo phát triển, tạo động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế.
Bảo Bình
Liên kết website
Ý kiến ()