Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 17/11/2024 04:16 (GMT +7)
Triển vọng từ mô hình trồng cây thiên môn
Thứ 5, 03/05/2018 | 07:05:07 [GMT +7] A A
Năm 2016, Sở Khoa học & Công nghệ phối hợp với TP Uông Bí triển khai trồng thí điểm 2ha cây thiên môn tại gia đình ông Đoàn Quang Ngọc, phường Phương Đông (TP Uông Bí). Sau hơn 2 năm trồng và chăm sóc, đến nay, mô hình phát triển tốt, hứa hẹn mang lại giá trị kinh tế cao.
[links()]
Thiên môn từ lâu được coi là một cây thuốc quý, chữa được nhiều bệnh. Nguồn: Internet |
Qua tìm hiểu được biết, cây thiên môn được sử dụng làm thuốc trong điều trị nhiều loại bệnh như: Ho, táo bón, suy nhược cơ thể… Cây dạng dây leo, sống lâu năm, dưới đất có rất nhiều rễ củ mầm hình thoi. Thân mang nhiều cành 3 cạnh, dài nhọn, biến đổi thành lá giả hình lưỡi liềm. Lá thật rất nhỏ, trông như vẩy. Mùa hạ ở kẽ lá mọc hoa trắng nhỏ. Quả mọng, khi chín màu đỏ (cũng có cây, quả khi chín màu tím đen).
Cây thường mọc ở vùng có núi đá vôi, vùng có thảm thực vật là cây bụi che phủ, ven biển, rất thích nghi với thổ nhưỡng của Quảng Ninh. Tuy nhiên, không nhiều hộ gia đình trong tỉnh phát triển mô hình này trên quy mô lớn để cung ứng cho các đơn vị chế biến dược liệu.
Mô hình trồng cây thiên môn nằm trong đề án đầu tư kinh phí hỗ trợ quy hoạch vùng dược liệu của Sở Khoa học & Công nghệ phối hợp với TP Uông Bí triển khai. Dự án đã hỗ trợ gia đình ông Đoàn Quang Ngọc gần 400 triệu đồng để triển khai mô hình này. Với nguồn kinh phí hỗ trợ từ dự án, gia đình ông Ngọc đã đầu tư mua hạt giống, cải tạo đất và lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel để trồng và chăm sóc cho cây.
Dẫn chúng tôi thăm vườn cây thiên môn xanh tốt, ông Ngọc cho biết: Sau khi chuẩn bị kỹ càng các khâu làm đất, hạt giống, hệ thống tưới, tháng 4/2016, tôi bắt đầu xuống giống gieo 70.000 hạt giống cây thiên môn. Lúc đầu trồng, do ít kinh nghiệm nên cây phát triển rất chậm; 1 số luống cây bị chết, phải trồng dặm thêm. Tuy nhiên, nhờ cán bộ chuyên môn xuống vườn trực tiếp hướng dẫn, khoảng 2-3 tháng sau, cây bắt đầu thích nghi với thổ nhưỡng và sinh trưởng, phát triển ổn định.
Dự kiến, năm 2019 ông Đoàn Quang Ngọc sẽ mở rộng trồng thêm 2ha cây thiên môn. |
Trồng cây thiên môn quan trọng nhất là ở khâu tưới nước chống hạn. Nếu thiếu nước, nắng nhiều cây rất dễ bị chết. Vì vậy, trung bình cứ 4-5 ngày phải tưới cho cây 1 lần. Nhờ đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel, gia đình ông Ngọc không chỉ tiết kiệm được nhân công, đồng thời cách tưới này rất khoa học và hiệu quả. Hiện vườn cây đang phát triển rất tốt, đến tháng 12 năm nay sẽ cho thu hoạch khoảng 5-8 tấn củ tươi.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Công ty Nam dược Y Võ, đơn vị đã ký kết bao tiêu sản phẩm đầu ra cho mô hình trồng cây thiên môn của gia đình ông Đoàn Quang Ngọc, cho biết: Trước đây, cơ sở sản xuất của chúng tôi thường phải sang khu vực Cẩm Phả hoặc ra tận các đảo như: Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng… để thu mua củ thiên môn về chế biến làm thuốc, vừa tốn chi phí mà chất lượng cũng phải kiểm định kỹ càng. Tuy nhiên cuối năm nay, khi mô hình trồng cây thiên môn của ông Ngọc được thu hoạch, sẽ cung cấp đầu vào nguyên liệu tại chỗ cho chúng tôi với số lượng lớn. Giá thu mua hiện tại khoảng 300.000 đồng/kg củ khô. Thành công của mô hình trồng cây thiên môn tại gia đình ông Đoàn Quang Ngọc sẽ mở ra hướng đi mới, giúp các hộ dân vùng lân cận có thể học hỏi làm theo.
Ông Đoàn Quang Ngọc chia sẻ, dự kiến cuối năm nay, sau khi thu hoạch vụ thiên môn đầu tiên, ông sẽ tiếp tục cải tạo lại vườn thiên môn, mở rộng diện tích trồng thêm 2ha. Đồng thời, đầu tư nâng cấp hệ thống cấp nước nhằm tạo ra chất lượng củ thiên môn tốt và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thanh Thảo (Học viện Báo chí và Tuyên truyền)
Liên kết website
Ý kiến ()