Bác sĩ Linh - còn gọi là "bác sĩ 91" sau ca cứu sống bệnh nhân phi công, hôm nay cùng 52 đồng nghiệp, chuyển nơi làm việc từ Bệnh viện Chợ Rẫy sang Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Viện vừa được hình thành dự kiến có 1.000 giường ICU điều trị những bệnh nhân Covid-19 nặng, góp phần lớn trong việc thực hiện chiến lược "hạn chế bệnh nhân tử vong" của TP HCM.
Đoàn y bác sĩ từ Chợ Rẫy nhận phụ trách 300 giường hồi sức nặng và 30 giường hồi sức nguy kịch. Ngay ngày đầu, đội ngũ đưa vào hoạt động trước 30 giường hồi sức tích cực đối với những bệnh nhân cần phải đặt ECMO, thở máy, lọc máu...
"Chắc chắn áp lực sẽ rất lớn", bác sĩ Linh nói. "Lượng bệnh tại TP HCM gần đây tăng rất nhanh, rất nhiều bệnh nhân nặng. Các đơn vị hỗ trợ điều trị bệnh nhân nặng ở các bệnh viện khác gần như không còn đủ sức chứa".
TP HCM liên tiếp những ngày gần đây, đều ghi nhận hơn nghìn ca bệnh, có ngày hơn 2.000, nâng tổng số nhiễm lên trên 19.400. Báo cáo của Sở Y tế hôm 13/7 cho hay, trong số hơn 14.000 bệnh nhân đang điều trị, hơn 220 người phải thở máy, trong đó có 8 trường hợp can thiệp ECMO - hệ thống tim phổi nhân tạo. Với 80% ca Covid-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ đang được tiếp nhận ở các bệnh viện dã chiến, 5% trong số đó sẽ có dấu hiệu chuyển nặng đến rất nặng.
Xác định số lượng bệnh nhân nặng sẽ còn tăng cao, TP HCM gấp rút thành lập Bệnh viện Hồi sức Covid-19 từ Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 vừa hoàn thành tại TP Thủ Đức. Khoảng 340 bác sĩ, 1.200 điều dưỡng sẽ được huy động từ các bệnh viện chính là Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện 115, Bệnh viện Nhân dân Gia Định 115, Bệnh viện Ung Bướu TP HCM và nhân sự theo sự điều động của Bộ Y tế.
Với hạ tầng hiện đại sẵn có của Ung bướu cơ sở 2, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 có thể hỗ trợ hô hấp một lúc khoảng 1.000 bệnh nhân, bao gồm thở oxy, thở máy không xâm lấn HFNC, thở máy xâm lấn.
Mỗi giường tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đều có hệ thống oxy trung tâm và hút trung tâm. Trong đó có 100 giường săn sóc đặc biệt được bố trí thêm hệ thống khí nén trung tâm - một yêu cầu không thể thiếu để triển khai thở máy cho những bệnh nhân nguy kịch. Trang thiết bị y tế chuyên dùng như máy thở, máy lọc máu, ECMO, máy theo dõi bệnh nhân... cũng được huy động từ các bệnh viện thành phố và từ các nhà tài trợ (Mặt trận Tổ quốc TP HCM chuyển đến), các thiết bị được Bộ Y tế chi viện.
Bệnh viện Hồi sức Covid-19 hoạt động nằm trong kế hoạch thực hiện mô hình tháp điều trị Covid-19 4 tầng của TP HCM - tức là tăng thêm một tầng mới so với mô hình điều trị ba tầng trước đó. Tầng thứ tư này dành cho những ca nặng và nguy kịch. Ngoài Bệnh viện Hồi sức Covid-19 có 1.000 giường, 200 giường bệnh khác được đặt tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh Nhiệt đới.
Theo Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - Nguyễn Tri Thức, đây là đợt chi viện số lượng thành viên lớn nhất của viện với 25 bác sĩ và 28 điều dưỡng. Bệnh viện cũng hỗ trợ máy móc, trang thiết bị, thuốc, dụng cụ y tế, vật tư... để triển khai nhanh nhiệm vụ. Chợ Rẫy sẽ phối hợp với nguồn nhân lực chi viện từ các bệnh viện khác để thành lập các ê kíp, đảm bảo vận hành của đơn vị hồi sức 1.000 giường này.
Là thành viên trong đoàn chi viện, bác sĩ Phạm Minh Huy (Khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy), nói thêm: "Tôi cũng lo. Số lượng bệnh nhân đang rất đông, bác sĩ điều dưỡng còn ít. Nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức". Như nhiều đồng nghiệp, ông vừa trải qua 5 tuần tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh Nhiệt Đới.
Trước đó, bệnh viện Nhân dân Gia Định đã nhận nhiệm vụ ngay lúc Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đi vào hoạt động, chiều 13/7. Bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Bệnh viện Gia Định cho biết đã huy động hơn 50 y bác sĩ vận chuyển thiết bị, thuốc cấp cứu, vật dụng cần thiết chăm sóc bệnh nhân đến "tác chiến" tại khoa Cấp cứu. Họ đã tiếp nhận những bệnh nhân đầu tiên được chuyển đến đây.
"Chưa đến một ngày nhận nhiệm vụ, tất cả 30 giường cấp cứu do đơn vị đảm trách đã đầy bệnh nhân nặng", bác sĩ Dũng nói.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá Trung tâm hồi sức Covid-19 quy mô 1.000 giường TP HCM vừa thành lập cơ bản đảm bảo các trang thiết bị, có thể cấp cứu 100 trường hợp bệnh nhân rất nặng, từ thở máy trở lên. Tuy nhiên, lượng oxy, trang thiết bị, hệ thống theo dõi tại đây vẫn cần sự hỗ trợ thêm từ Bộ Y tế và các địa phương. Do vậy, Bộ Y tế sẽ điều động nguồn nhân lực, một số các trang thiết bị đến để tăng cường năng lực điều trị cho thành phố.
Ý kiến ()