Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 22:33 (GMT +7)
Từ bến cảng này, than đi muôn nơi
Chủ nhật, 08/09/2024 | 05:49:55 [GMT +7] A A
Từ những bến cảng này, than xuống tàu về với nhà máy xi măng, nhà máy nhiệt điện, theo tàu viễn dương đi muôn nơi để góp lửa cho đời...
Bản lĩnh của người lính thợ
Tôi muốn nói đến 2 bến của Công ty Cảng, tiền thân là Xí nghiệp Cảng thành lập năm 1995, đến năm 2006 chuyển thành Công ty Cảng - Chi nhánh Tổng Công ty Đông Bắc, có chức năng, nhiệm vụ chính là sản xuất kinh doanh và quân sự quốc phòng. Công ty hiện có 2 phân xưởng trực thuộc ở Khe Dây, Cẩm Phả và ở Hồng Thái Tây, Đông Triều với tổng quân số toàn đơn vị là 451 cán bộ, công nhân viên chức, lao động.
Ngoài bảo đảm nhiệm vụ được giao, Công ty Cảng đã từng bước mở rộng mặt bằng các kho than, nâng cấp tuyến băng tải và Cảng Khe Dây để nâng cao trữ lượng tiếp nhận, chế biến than, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm. Hiện mặt bằng cảng tại Khe Dây rộng 26ha, có 4 hệ thống băng tải và một máng cứng với hiệu suất 4-5 triệu tấn/năm. Công ty đã xây dựng tuyến băng tải và nâng cấp Cảng Khe Dây, một dự án lớn của Tổng Công ty với mức đầu tư 1.257 tỷ đồng, đã giúp đơn vị phát triển bền vững, ổn định lâu dài.
Tại Khe Dây, không khí làm việc của Công ty Cảng lúc nào cũng nhộn nhịp. Bên bờ biển, dòng than đen nhánh vẫn chảy xuống các khoang tàu. Hàng đoàn xe nối đuôi nhau ra vào tấp nập. Vừa bước vào khu vực “đại bản doanh” của Công ty, chúng tôi như được sống trong không gian thoáng đãng, trong lành. Cái "chất văn hóa” được hiển hiện khá đậm nét trong toàn bộ cơ ngơi của Công ty. Khu vực nhà ăn tập thể hiện đại với hệ thống nấu nồi hơi liên hoàn. Công nhân ăn uống thuộc diện đầy đủ nhất, nhì trong đội hình các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tại Công ty Cảng, chúng tôi đã tiếp xúc với vị giám đốc rất trẻ là Thượng tá Bùi Thanh Sơn, sinh năm 1981. Nhắc đến Thượng tá Bùi Thanh Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty ai cũng cảm phục những tâm huyết, trăn trở của anh đã đưa Công ty vững bước đi lên. Vị giám đốc trẻ “đứng mũi chịu sào” cho một đơn vị có 450 cán bộ, sĩ quan, công nhân viên quốc phòng, quân nhân chuyên nghiệp và cả lao động hợp đồng. Đơn vị lại có địa bàn phân tán nằm ở 2 địa bàn gây khó khăn không nhỏ cho công tác quản lý điều hành. Còn nhiều khó khăn khác phải đối diện, như: Sản lượng than giảm, giá cả nguyên, nhiên liệu tăng cao, chất lượng than xấu, chi phí khấu hao, lãi vay tăng, thời tiết diễn biến phức tạp.
Một câu hỏi luôn làm Thượng tá Sơn trăn trở trong nhiều đêm khó ngủ, đó là làm sao giữ chân người lao động gắn bó chặt chẽ với đơn vị. Muốn vậy, phải nhắc nhở anh em đảm bảo cao nhất an toàn trong các khâu sản xuất, vận chuyển, chế biến than. Đồng thời, chăm lo tốt nhất đời sống vật chất, tinh thần của người lao động. Mặc dù địa bàn hoạt động của đơn vị phân tán nhưng tuyệt đối không bố trí người lao động làm việc trái cung đường.
Đặc biệt, trong những tháng hè vừa qua, Công ty thực hiện các giải pháp chống nóng cho công nhân lao động, mua áo có gắn quạt mát sau lưng; bổ sung thêm nước bù khoáng cho lao động trực tiếp ngoài trời, xua tan đi mệt mỏi. Người chỉ huy, giám đốc phải luôn nhìn ra tinh thần và khí chất của những người lính thợ...
Bản thân Thượng tá Sơn luôn tiên phong, gương mẫu trong phong trào thi đua với nhiều sáng kiến, giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất kinh doanh. Tiêu biểu như sáng kiến “Cải tiến gầu ghíp bốc than từ dưới phương tiện thủy” tận dụng được nguyên vật liệu cũ, tiết kiệm nhân công, chi phí trong sản xuất, giá trị làm lợi trên 300 triệu đồng. Hay như sáng kiến “Cải tiến gối cầu ba lăng xê (lợi ích 2 trong 1)” đã tiết kiệm được thời gian, vật tư thay thế, chi phí sản xuất, giá trị làm lợi hơn 200 triệu đồng. Đặc biệt, sáng kiến “Nghiên cứu, gia công bình áp lực hỗ trợ thay dầu cầu, dầu số cho xe vận tải trung xa: Scania, Foton, Howo, Kmaz” đã có giá trị làm lợi mỗi năm gần 1 tỷ đồng.
Một sáng kiến nữa mà anh tâm đắc đó là “Tuyển rửa than chất lượng cao từ nguồn than chất lượng thấp”. Ví dụ nguồn than cám 6 nhập về qua hệ thống tuyển rửa với sản lượng khoảng 15.000 tấn mỗi tháng. Từ than cám 6 sẽ cho ra than cám 3, rồi cám 4, góp phần nâng cao chất lượng của than. Sáng kiến này đã tạo ra nhiều công ăn việc làm, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nói thế là bởi, trước đây, mỗi khi xuất than xong là công nhân lại hết việc. Giờ nhờ hệ thống tuyển rửa than chất lượng cao mà công nhân không bao giờ thiếu việc làm. Không bao giờ còn có cảnh giãn việc.
Trải qua hơn chục đơn vị khác nhau càng khiến Giám đốc Sơn thấm thía nỗi vất vả của công nhân. Để mỗi tấn than ra, người thợ phải đánh đổi mồ hôi, nước mắt và thậm chí đôi khi là cả máu của mình. Người quản lý phải yêu những giọt mồ hôi lấm lem trên khuôn mặt của công nhân mỏ. Làm chỉ huy đơn vị sản xuất phải biết yêu những nụ cười rạng rỡ mỗi lúc tan ca, biết sợ những dòng máu ứa ra từ những vỉa than lúc sập lò. Phải yêu than như yêu người, phải sợ than khóc, sợ than đau. Nhìn vào ánh mắt cương nghị của anh, tôi nhận ra tình yêu nghề, yêu người sâu nặng.
Ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, Công ty còn chú trọng giữ gìn vệ sinh môi trường, nhất là tuyến đường vào cảng và tuyến đường nội bộ kho than. Anh Bùi Văn Hưng, Phó Quản đốc Phân xưởng 3, cho biết: Hiện lượng nước thải trong khâu tuyển rửa than và nước tràn bề mặt các kho bãi đã được Công ty thu gom vào 2 bể lắng, không để tràn tự do như trước. Công ty cũng gắn trách nhiệm, quyền lợi người lao động vào công tác thi đua và kết quả hoàn thành nhiệm vụ.
Nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật
Câu chuyện của Giám đốc Sơn đưa chúng tôi về với khu vực Đông Triều, nơi mà Công ty có kho than Nam Tràng Bạch và cảng Hồng Thái Tây đang đứng chân ở đây. Anh Sơn cho hay, hiện nay, bên cạnh việc vận chuyển than bằng băng tải ống vẫn còn duy trì chở than bằng xe tải. Tuy nhiên, tuyệt đối, đơn vị không chạy xe chở than ra đường quốc lộ.
Tại Đông Triều, hiện có dự án đường ven sông 10 làn xe giao cắt với khu vực hoạt động của Công ty. Lưu lượng xe vận chuyển đất đá đắp nền, đất đá bãi thải mỏ tại khu vực vì thế mà tăng cao, có ngày lên đến hơn 400 con xe, gây áp lực không nhỏ cho công tác kiểm soát đảm bảo không thất thoát than, kiểm soát vệ sinh môi trường. Trong khi ở cảng, Công ty chỉ có 20 xe, ở kho có 30 xe.
Do vậy, hàng ngày, Công ty phải duy trì lực lượng kiểm soát, tưới rửa đường. Cộng với những khó khăn như cung đường vận tải ngày càng xa, khấu hao ngày một nhanh. Xe chỉ khoảng dăm ba năm đã trục trặc do thường xuyên chạy trên cung đường vận tải mỏ sườn đồi dốc núi, gồ ghề, quanh co, có độ dốc cao. Thêm vào đó là những khó khăn do tiêu thụ thời Covid-19 bị chững lại, giá cả đầu vào tăng. Giai đoạn hậu Covid-19, những dự án cần đến than chất lượng cao như sắt, thép, xi măng hoạt động cầm chừng gây ảnh hưởng lớn đến doanh thu. Tất cả chi phí hòn than phải gánh hết, làm tăng thêm chi phí sản xuất.
Chúng tôi có mặt tại cảng Hồng Thái Tây vào những ngày cuối tháng 8. Khác với những khai trường, khu vực cảng vẫn giữ được không khí trong lành vốn có nhờ hệ thống băng tải tự hành khép kín đưa than từ kho chế biến Nam Tràng Bạch ra tới cảng dài 4,8km.
Anh Đỗ Văn Bính, Quản đốc phân xưởng bến Hồng Thái Tây, phác thảo qua hệ thống băng tải đồng bộ đã vận hành khai thác năm 2019. Trước đây, để chuyển than từ các điểm khai thác của Công ty 91, Công ty 397 (thuộc Tổng Công ty Đông Bắc) ra cảng, phải huy động hàng chục xe vận chuyển, rồi che chắn, phủ bạt để than không rơi vãi ra đường. Bao công sức mà vẫn không ngăn được bụi bặm, ô nhiễm. Hiện nay, Công ty đã được đầu tư hệ thống dây chuyền vận chuyển than công suất 680.000 tấn/giờ; kết nối ngay từ kho chế biến ra cảng, giúp tiết kiệm được rất nhiều chi phí, nhân công, bảo vệ môi trường.
Nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật khác của Công ty đã trực tiếp đem lại những giá trị sản xuất kinh doanh. Nhờ vậy, sản lượng than tăng dần qua các năm. Năm 2024, dù mới qua hơn nửa chặng đường nhưng tín hiệu đã rất khả quan. Công ty tiếp nhận hơn 2,2 triệu tấn than, bằng 51,37% kế hoạch năm, tiêu thụ gần 2,2 triệu tấn bằng 54,26% kế hoạch năm. Ước tính năm 2024, Công ty đạt sản lượng khoảng 4 triệu tấn. Tiền lương, thu nhập của cán bộ, công nhân viên chức, lao động ổn định, thu nhập bình quân năm 2023 tăng 15,48% so với năm 2021. Đặc biệt, năm 2023, Công ty đã cán mốc đạt được các chỉ tiêu cao: Doanh thu đạt 7.604,66 tỷ đồng; lợi nhuận đạt 32,260 tỷ đồng; nộp ngân sách 52,238 tỷ đồng; thu nhập bình quân đạt gần 20 triệu đồng/người/tháng.
Gần 30 năm xây dựng và phát triển, Công ty vinh dự được tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba, Bằng khen của Chính phủ và rất nhiều bằng khen, giấy khen, cờ thi đua của Quân đội, Tổng Công ty và các bộ, ban ngành trung ương và địa phương. Đó là những phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực không biết mệt mỏi của toàn Công ty. Tôi tin, họ sẽ còn gặt hái được nhiều thành công hơn nữa ở chặng đường phía trước khi nhìn vào ánh mắt đầy nghị lực của mỗi người lính thợ.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()