Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 07:29 (GMT +7)
Ưu tiên chăm lo sức khỏe cho người dân vùng dân tộc thiểu số
Thứ 2, 22/01/2024 | 14:44:45 [GMT +7] A A
Để “mỗi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả tăng trưởng bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau”, Quảng Ninh đã ban hành và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ và nâng cao chất lượng đời sống của người dân vùng dân tộc thiểu số. Trong đó, tỉnh luôn ưu tiên chăm lo sức khỏe cho người dân vùng dân tộc thiểu số với mục tiêu để bà con vùng xa, vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số được chăm sóc y tế ngày càng tốt hơn.
Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân vùng DTTS trên địa bàn, góp phần bao phủ bảo hiểm y tế, ngay từ năm 2021, tỉnh đã kịp thời ban hành nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND phê duyệt chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, ngân sách tỉnh tiếp tục hỗ trợ bảo hiểm y tế cho 70.555 người dân sinh sống tại các xã mới ra khỏi vùng khó khăn và người đang sinh sống tại các xã, thôn mới ra khỏi diện đặc biệt khó khăn đến hết năm 2025. Nhờ đó, 100% người dân ở các xã này được thường xuyên thăm khám sức khoẻ ở các cơ sở y tế, đến hết năm 2023, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 95,3% cao hơn 0,05% so với kế hoạch.
Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ từ Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 1081/QĐ-UBND ngày 28/5/2014 của UBND tỉnh, Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế cũng được triển khai hiệu quả. Nhờ đó, người dân toàn tỉnh trong đó có vùng dân tộc thiểu số được quản lý sức khỏe đồng bộ, tích hợp lịch sử khám chữa bệnh với ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử”. Nhờ đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 11,89% năm 2021 xuống còn 11% năm 2022, năm 2023 còn 10,9%. Việc thực hiện kịp thời chính sách cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi đạt 99,8%.
Nâng cao chất lượng y tế cơ sở, nhất là tại những vùng sâu, vùng xa, luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác y tế. Đầu năm 2022, UBND tỉnh quyết định chuyển đổi mô hình quản lý của 177 trạm y tế xã, phường về với Trung tâm y tế. Việc chuyển đổi này đã kịp thời giải quyết được bài toán thiếu bác sỹ tại các trạm. Càng trạm vùng cao, vùng khó lại càng được ưu tiên sắp xếp, điều động bác sỹ có chuyên môn, có trình độ. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tổ chức rà soát điều kiện cơ sở vật chất của tất cả các trạm y tế trên địa bàn. Năm 2023, tỉnh đã phê duyệt Đề án tăng cường cơ sở vật chất nâng cao năng lực y tế toàn tỉnh với tổng kinh phí gần 226 tỷ đồng, nâng cấp, cải tạo cho tất cả các trạm y tế toàn tỉnh trong thời gian 2023 và 2024. Trong đó, sẽ ưu tiên đầu tư trước cho các trạm y tế tại địa bàn vùng cao, vùng sâu, vùng xa.
Song song với sự quan tâm của tỉnh, để kéo gần khoảng cách về y tế giữa vùng cao, vùng xa với trung tâm, những năm qua, ngành Y tế cũng đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp mang lại hiệu quả tích cực như: Mô hình Hỗ trợ toàn diện từ bệnh viện tuyến tỉnh cho các đơn vị vùng cao; Mô hình bác sỹ dùng chung; Điều chuyển bác sỹ giỏi về tuyến cơ sở ngắn hoặc dài hạn; Tập huấn - Hội chẩn trực tuyến thông qua Telemedicine; Khám lưu động…. Nhờ đó, năng lực y tế của các đơn vị đang được nâng lên đáng kể, giải quyết được nhiều ca bệnh khó ngay tại địa phương.
Cùng với đầu tư trang thiết bị y tế cho tuyến cơ sở, hàng năm ngành Y tế Quảng Ninh đều có chính sách cử hàng trăm cán bộ, nhân viên các cơ sở y tế vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số tham gia các khóa bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong và ngoài nước; cử cán bộ tuyến trên tăng cường cho tuyến dưới, duy trì các kênh phối hợp chia sẻ chuyên môn…
Đặc biệt, để nâng cao chất lượng nhân lực ngành Y tế, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành chính sách hỗ trợ các bác sỹ tuyến huyện đào tạo sau Đại học với mức hỗ trợ từ 100 triệu đồng nếu đào tạo trong nước, 1 tỷ đồng nếu đào tạo ở nước ngoài, tăng thêm 0,5 lần mức chung nếu là người dân tộc thiểu số. Đồng thời, giao Sở Y tế xây dựng Đề án thu hút, đãi ngộ, giữ chân các bác sỹ làm việc tại tuyến huyện, xã. Nhờ đó, chất lượng nhân lực về chăm sóc sức khỏe cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh và phát triển thể chất của người dân khu vực này.
Cũng nhằm tạo điều kiện cho người dân vùng dân tộc thiểu số được thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện rất nhiều chương trình, đề án, dự án như “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021- 2025”; dự án “Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưõng trẻ em; triển khai mô hình phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại 74 xã trong toàn tỉnh, trong đó tập trung ở các xã vùng dân tộc thiểu số; Đề án “Tuyên truyền, vận động, cải thiện dinh dưỡng, thể lực cho trẻ em vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022- 2025…
Nhờ có các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, đến nay, y tế Quảng Ninh đã có nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật khó được triển khai ngay tại tuyến cơ sở. Trong đó, đã có 717 kỹ thuật mới được triển khai ngay tại các cơ sở y tế trong tỉnh. Những con số này đã giúp kéo giảm tỷ lệ chuyển tuyến từ tuyến huyện lên tuyến tỉnh còn 3,17%, từ tỉnh lên Trung ương còn 0,85%, giúp người dân yên tâm điều trị tại tuyến tỉnh.
Có thể thấy, những giải pháp thiết thực, những quyết sách đột phá riêng có của Quảng Ninh nhằm nâng cao chất lượng y tế tuyến cơ sở thể hiện rõ tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau". Từ đó, tạo cơ hội cho đông đảo người dân ở vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa được chăm sóc sức khỏe bằng những dịch vụ y tế có chất lượng, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, giảm thiểu chi phí cho nhân dân.
Ngọc Khôi
Liên kết website
Ý kiến ()