Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 11/01/2025 04:54 (GMT +7)
Vấn đề muôn thuở của phim Tết Việt
Thứ 6, 04/02/2022 | 14:34:00 [GMT +7] A A
Loạt phim Việt chiếu Tết Nhâm Dần có thể khiến khán giả đặt câu hỏi về chất lượng kịch bản, nội dung còn quen thuộc, cũ kỹ, làm lại hoặc vay mượn từ phim khác.
Ngoại trừ TrạngTí từng được phát hành năm ngoái, đường đua mùa Tết 2022 có bốn phim Việt mới cùng cạnh tranh tại phòng vé.
Trong đó, Chìa khóa trăm tỷ là dự án phim remake (làm lại) duy nhất, gây chú ý khi quy tụ hai ngôi sao hài Kiều Minh Tuấn và Thu Trang. Sau ba ngày Tết, phim hiện dẫn đầu về doanh thu với khoảng 20 tỷ đồng. Ba tác phẩm còn lại đều là kịch bản gốc nhưng không thu hút bằng.
Kịch bản remake lên ngôi
Nội dung Chìa khóa trăm tỷ xoay quanh Thạch (Kiều Minh Tuấn), gã sát thủ khét tiếng giới giang hồ chuyên giết người theo yêu cầu. Một lần sau khi thực hiện nhiệm vụ, Thạch vô tình gặp tai nạn trong nhà tắm công cộng và bất tỉnh. Lợi dụng tình thế, Dũng (Anh Tú) lén tráo chìa khóa tủ của mình cho Thạch.
Tỉnh dậy giữa bệnh viện, gã sát thủ không còn nhớ gì về quá khứ mà nghĩ mình là Dũng. Từ đó, hai nhân vật hoán đổi số phận cho nhau, tạo nhiều tình huống hài hước.
Phim là phiên bản làm lại (remake) từ tác phẩm Key of Life (2012) nổi tiếng của điện ảnh Nhật Bản. Năm 2016, câu chuyện từng được ê-kíp Hàn làm lại với tên Luck-Key có sự tham gia của tài tử Yoo Hae Jin. Xét về nội dung, cốt truyện không mới khi đi theo mô-típ hoán đổi thân xác quen thuộc. Tuy nhiên, hai bản phim đều thành công khi ra mắt nhờ phần kịch bản hấp dẫn.
So với bản gốc, tác phẩm của đạo diễn Lê Thanh Hòa - từng làm Bệnh viện ma (2016), Ông ngoại tuổi 30 (2018), Chị Mười Ba: ba ngày sinh tử (2021) - vẫn giữ được những mảng miếng gây cười. Sự góp mặt của bộ đôi Kiều Minh Tuấn và Thu Trang mang lại sự duyên dáng cho phim.
Song, kịch bản lại là thứ khiến Chìa khóa trăm tỷ giảm sức hút. Biên kịch sáng tạo bằng cách dành nhiều đất diễn cho Thu Trang, đồng thời đẩy mạnh tuyến nhân vật phụ của Anh Tú và Jun Vũ. Điều đó phần nào khiến tác phẩm trở nên dài dòng.
Ngoài ra, kịch bản cũng mắc nhiều lỗi logic. Các tình tiết còn mang tính sắp đặt và chưa hợp lý, chẳng hạn như quá trình hoán đổi thân phận giữa hai nhân vật chính được xử lý gấp gáp. Tình cảm giữa các nhân vật được xây dựng gượng ép. Cú twist (tình tiết bất ngờ) ở cuối phim diễn ra chóng vánh, chưa thực sự để lại ấn tượng.
Kịch bản gốc quen thuộc
Tương tự Chìa khóa trăm tỷ, dự án 1990 cũng bị dời lịch khá lâu. Ngay từ khi nội dung được tiết lộ, một số ý kiến cho rằng chuyện phim có mô-típ giống tác phẩm truyền hình Ba mươi chưa phải là hết của Trung Quốc. Cả hai đều hướng đến đối tượng khán giả trẻ. Kịch bản xoay quanh ba cô gái là bạn thân, ở độ tuổi trên dưới 30 và liên tục đối diện nhiều khủng hoảng trong cuộc sống.
Phim của Nhất Trung - từng làm Cua lại vợ bầu (2019) - gây chú ý vì nhiều lùm xùm, quy tụ ba ngôi sao Ninh Dương Lan Ngọc, Nhã Phương và Diễm My 9X. Trả lời phỏng vấn Zing, đạo diễn cho biết kịch bản 1990 không giống bất kỳ tác phẩm nào. Anh cũng không sợ nội dung phim bị cũ vì hoãn chiếu quá lâu.
Trong khi đó, nhan đề Mưu kế thượng lưu không khỏi gợi nhớ Cuộc chiến thượng lưu - tác phẩm truyền hình ăn khách Hàn Quốc năm 2021. Nội dung phim gần như "ăn theo" xu hướng phim Hàn gần đây khi khai thác thế giới siêu giàu, từ đó làm nổi bật khoảng cách chênh lệch giữa hai giai cấp giàu - nghèo.
Kịch bản kể về Diana (Thiên An), cô gái nhà nghèo dùng mọi thủ đoạn xâm nhập vào giới thượng lưu nhằm trả thù một người đàn ông bí ẩn. Để đạt mục đích, Diana tìm cách tiếp cận tiểu thư con nhà tài phiệt Liên Phạm (Quỳnh Lương) và tán tỉnh Charlie (Anh Tú) - người yêu Liên Phạm.
Bỏ qua yếu tố "thượng lưu", chuyện phim chưa thực sự hấp dẫn khi tiếp tục sử dụng mô-típ tình tay ba, tình yêu giữa hoàng tử và lọ lem quen thuộc.
So với ba tác phẩm trên, Nhà không bán chọn bối cảnh kéo dài từ thập niên 1950 đến 1990. Lựa chọn thể loại kinh dị, tên phim phần nào tiết lộ nội dung khi xoay quanh một căn nhà cổ.
Kịch bản bắt đầu khi bà Ngọc (NSND Kim Xuân) trở về từ nước ngoài, muốn bán căn nhà cha ruột để lại nhưng không ai dám mua vì nghĩ rằng có ma. Khi ngủ lại nhà, bà liên tục chứng kiến nhiều hiện tượng bí ẩn, từ đó phát hiện những sự kiện kinh hoàng.
Viết kịch bản chuyển thể nhanh hơn kịch bản gốc
Nhà không bán là tác phẩm mới nhất của Hoàng Tuấn Cường - từng làm Xóm trọ 3D (2017). Đạo diễn cho biết ấp ủ ý tưởng làm phim cách đây khoảng 6, 7 năm. Để thực hiện dự án, anh quyết định mời Nguyễn Thị Minh Ngọc - đồng biên kịch Song lang (2018) - hoàn thiện kịch bản từ năm 2016.
So với việc dành nhiều năm đầu tư kịch bản gốc như hướng đi của Hoàng Tuấn Cường, remake vẫn là giải pháp tiết kiệm về mặt thời gian.
Năm 2020, Bình Bồng Bột từng gây bất ngờ khi tiết lộ kịch bản Tiệc trăng máu – làm lại từ Perfect Strangers (2016) của Italy - được anh viết chỉ trong vòng… một tuần. Trong năm, biên kịch còn chắp bút năm tác phẩm khác nhưng không đạt thành tích tương tự về tốc độ. Hai trong số đó là Trạng Tí và Thiên thần hộ mệnh cùng phát hành đầu năm 2021.
Khi ra mắt, Tiệc trăng máu nhanh chóng trở thành “sát thủ” phòng vé, đạt doanh thu 180 tỷ, phá kỷ lục Em chưa 18 (2017) và lọt vào danh sách phim Việt ăn khách nhất mọi thời. Trong khi đó, Trạng Tí lẫn Thiên thần hộ mệnh đều nhận lời chê từ phía khán giả về phần kịch bản.
Nhiều ý kiến đánh giá Thiên thần hộ mệnh là bước lùi của đạo diễn Victor Vũ vì câu chuyện không mới, cú twist không hấp dẫn. Ngược lại, Trạng Tí chuyển thể từ bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt (họa sĩ Lê Linh) nhưng gây không ít ồn ào vì những sáng tạo quá đà. Điển hình là vụ nhân vật chính “gọi bưởi” từ giếng nước.
Ở cả hai dự án, Bình Bồng Bột thực hiện cùng một số biên kịch, không như Tiệc trăng máu hoàn toàn do anh tự chắp bút. Điều đó chứng tỏ viết kịch bản gốc là hành trình gian nan và nhiều rủi ro hơn hẳn việc làm lại từ khung sườn có sẵn.
Từng có thời gian khán giả "bội thực" vì lượng phim Việt remake ra rạp quá nhiều. Cũng từng có những tác phẩm bị quay lưng vì kịch bản nghèo nàn, thiếu sáng tạo như trường hợp của Cậu Vàng, Kiều hay Kiều @ - cùng ra mắt năm 2021.
Song, nhìn vào danh sách 10 phim Việt ăn khách nhất mọi thời thì có đến tám phim là kịch bản gốc. Đây là tín hiệu tốt, cho thấy những tác phẩm thuần Việt mới thực sự là công cụ hiệu quả để các nhà làm phim chinh phục khán giả nước nhà.
Theo vtc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()