Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 20:55 (GMT +7)
Vân Đồn bứt phá từ cơ chế
Thứ 4, 11/10/2017 | 18:39:05 [GMT +7] A A
Theo quan điểm của Quảng Ninh, đặc khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn phải có thể chế đủ mạnh, bộ máy quản lý tinh gọn, hiệu quả, thủ tục hành chính đơn giản, thuận lợi; cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh toàn cầu ở mức cao nhất và được quy định trong Luật.
Trên 50 hội nghị, hội thảo và các buổi làm việc lấy ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý về Đề án Khu hành chính - kinh tế (HC-KT) đặc biệt Vân Đồn được chuẩn bị từ năm 2012, được đánh giá nghiên cứu sâu, công phu nhất của tỉnh Quảng Ninh từ trước đến nay. Đến thời điểm này, Đề án đã cơ bản hoàn thiện trình Chính phủ xem xét thông qua.
Vân Đồn là một trong ba đặc khu hành chính - kinh tế đặc biệt (Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc) |
Định hướng một Vân Đồn khác biệt
Cập nhật chủ trương, kết luận của Chính phủ, nhà quản lý các cấp và giới chuyên gia, Quảng Ninh đã tích cực triển khai công tác bổ sung, hoàn thiện Đề án Khu HC-KT đặc biệt Vân Đồn… Theo đó, Vân Đồn được xây dựng theo hướng thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại; trung tâm kinh tế năng động phát triển ngành nghề mới, trình độ cao, trọng tâm là dịch vụ, du lịch phức hợp cao cấp, công nghiệp giải trí hiện đại có casino, công nghiệp công nghệ cao; trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo và giao thương quốc tế của khu vực Hành lang kinh tế Trung Quốc - ASEAN.
Mô hình phát triển theo hướng thân thiện với môi trường; khai thác hiệu quả tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư, tích cực thu hút và quy tụ nguồn lực sáng tạo, phương thức quản lý mới, tiên tiến. Vân Đồn sẽ là nơi nuôi dưỡng động lực mới cho phát triển, thúc đẩy tăng trưởng để Quảng Ninh thực sự trở thành đầu tàu kinh tế khu vực phía Bắc, có sức lan tỏa trong vùng và cả nước; bảo đảm quốc phòng - an ninh, góp phần giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Dự thảo Đề án cũng xác định các ngành nghề trọng tâm theo các lĩnh vực và được phân lớp theo từng giai đoạn phát triển. Trong đó giai đoạn 1 (2018-2022) tập trung phát triển du lịch giải trí có casino, dịch vụ cảng biển, hàng không; thương mại, trung tâm mua sắm quốc tế; công nghệ sáng tạo, trung tâm khởi nghiệp. Giai đoạn 2 (2023- 2026) tập trung xây dựng công viên chuyên đề; ngư nghiệp, chế biến hải sản, dịch vụ hậu cần; giáo dục và đào tạo; dịch vụ tài chính; y tế, chăm sóc sức khoẻ...Giai đoạn 3 (2027- 2030) đẩy mạnh phát triển công nghệ sinh học, công nghệ xanh, nông nghiệp công nghệ cao…
Tuy nhiên, dù xác định phải nổi trội, nhưng việc phát triển Vân Đồn sẽ được đặt trong quy hoạch tổng thể và mối liên kết phát triển của tỉnh Quảng Ninh trong khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội, khu vực phía Bắc và cả nước, gắn với tiềm năng, thế mạnh và điều kiện tự nhiên, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới, không xung đột lợi ích đối với các đặc khu kinh tế khác như: Phú Quốc (Kiên Giang) và Vân Phong (Khánh Hoà).
75 chính sách đặc thù
Nằm trong vùng Vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới và trong khu vực còn có vườn quốc gia Bái Tử Long, do đó Vân Đồn có tiềm năng lớn để phát triển các hoạt động du lịch sinh thái và các hoạt động liên quan đến đường bờ biển. Ngoài việc phát triển dịch vụ du lịch, Vân Đồn có lợi thế trong việc phát triển các ngành dịch vụ khác. Nằm trong đầu mối giao thương Trung Quốc - ASEAN, Vân Đồn có thể tiếp cận với thị trường 23 triệu dân trong bán kính 4-5 giờ ô tô và 3,5 tỷ dân trong bán kính 4-5 giờ bay.
Để tạo đà cất cánh cho Vân Đồn trong tương lai, Quảng Ninh đề xuất Chính phủ cho phép áp dụng 75 chính sách đặc thù phân thành 12 nhóm liên quan đến các lĩnh vực như: ưu đãi thuế; đất đai và bất động sản; tài chính, ngân sách; tiền tệ, ngân hàng; đầu tư kinh doanh; quản lý và phát triển nguồn nhân lực; xuất nhập cảnh và quản lý cư trú; xuất, nhập khẩu hàng hóa; hoạt động công nghệ cao; phát triển du lịch cùng một số chính sách khác…
Trong đó, điển hình như các sắc thuế sẽ được áp dụng ưu đãi ở mức cao cả về thuế suất và thời gian miễn, giảm. Các chính sách miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước cũng được áp dụng ở mức ưu đãi cao, thời hạn sử dụng đất và mặt biển do các nhà đầu tư đề xuất theo từng dự án đầu tư nhưng không quá 99 năm…
Được ban hành quy định tích hợp các trình tự, thủ tục sau đầu tư về môi trường, xây dựng, đất đai, lao động, thương mại thuộc thẩm quyền của UBND Đặc khu vào một quy trình và hồ sơ thống nhất, thực hiện một lần và một đầu mối tại UBND Đặc khu. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ra, vào Đặc khu được áp dụng thủ tục hành chính như đối với hàng hóa của doanh nghiệp ưu tiên…
Quảng Ninh cũng đề xuất áp dụng chính sách miễn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế hàng không, cửa khẩu quốc tế cảng biển vào Đặc khu Vân Đồn với thời hạn tạm trú 60 ngày...
Từ nhiều cơ chế tích cực như vậy, Khu HC-KT đặc biệt Vân Đồn hứa hẹn sẽ có những bước tiến vững chắc phát huy được những ưu thế riêng sẵn có để phát triển bền vững.
Theo Yên Ninh (baoquocte.vn)
Liên kết website
Ý kiến ()