Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:27 (GMT +7)
Vẻ đẹp trang phục truyền thống người Tày ở Bình Liêu
Chủ nhật, 24/12/2023 | 08:23:58 [GMT +7] A A
Huyện Bình Liêu có 96% là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó, dân tộc Tày là đông nhất, chiếm 54,8% dân số của huyện. Văn hoá truyền thống của người Tày có nhiều nét đặc sắc. Tiêu biểu là trang phục truyền thống, từ lâu trở thành biểu tượng văn hóa cũng như nét đẹp bình dị, đôn hậu của người Tày.
Trang phục truyền thống dân tộc Tày rất đơn giản mang một vẻ đẹp thuần khiết, màu sắc chủ đạo là chàm đen, đồng nhất trên trang phục nam và nữ. Ngoài ra, còn có các màu xanh, hồng, đỏ dành cho các bà làm then cổ trong nghi lễ “Lảu then”. Nét đặc sắc trang phục được thể hiện ở hoa văn trên vải là các hình ô quả trám, hình hoa hồi, hình các loài hoa có liên quan đến nền văn hóa cổ, tín ngưỡng cổ phù hợp với cách điệu.
Chất liệu trang phục truyền thống của người Tày được làm từ sợi tơ tằm loại một (may loòng) hoặc vải sợi bông (plải khuấn) tự trồng, tự dệt. Ngay khi sợi tơ được đưa lên khung cửi để dệt, hình trang trí hoa văn đã được định hình họa tiết trước như lên đồ án, được kỷ hà hóa giữa các cây tre đan ở chân và con thoi đưa sợi trên khung dệt chính, để tích hợp với dệt hoa văn trên khung vải hoàn toàn bằng thủ công. Tùy theo từng vùng có một số nét khác biệt về hình thức, nhưng cơ bản là giống nhau. Trang phục truyền thống Tày của nữ có hai loại áo dài và áo ngắn:
Áo dài (slử lỳ) được cắt thành 4 thân không có vai mà may từ hai tay qua nách xuống dưới tà áo, cổ đứng cao 2cm, khuy áo bằng vải cài chéo sang bên nách cùng màu với áo, phần may khó nhất là đường may vòng cổ và phần nẹp áo xuống đến eo, khi trang phục được mặc lên có gọn gàng, thanh thoát hay không là nhờ vào đường may lượn ở phần cổ và đường nẹp ở phần eo này. Khi mặc trang phục áo dài Tày truyền thống, người phụ nữ phải dùng đai thắt lưng màu trắng được dệt từ lụa tơ tằm có hoa văn hình quả trám, thắt vắn đằng trước và tạo thành hình đuôi nheo thả phía sau lưng.
Áo ngắn (slử tển) được may bằng vải bông nhuộm chàm hoặc màu xanh lơ hay vải hoa có họa tiết nhỏ, cổ áo đứng, tròn, thấp, khuy vải cài sang nách phải. Thân và ống tay hẹp có eo, tà áo được xẻ đến hông, gấu áo dài qua cạp váy hoặc quần, thường được mặc ở nhà hoặc khi đi làm, thuận tiện cho việc đi lại nhưng vẫn giữ được nét duyên dáng kín đáo, tạo sự cân đối cho áo và cơ thể, đồng thời tạo sự nổi bật của màu da và khuôn mặt trên nền chàm khi mặc lên bộ trang phục.
Ngày nay, nguyên liệu chính sợi tơ tằm để dệt vải truyền thống và nhuộm chàm do giá thành cao, việc trồng dâu, nuôi tằm không còn nên ở một số nơi dùng bằng sợi hoặc vải nhập từ nhà máy có sẵn các màu, chi phí thấp hơn để thay thế, tạo ra những bộ trang phục và các phụ kiện đặc sắc như dây thắt lưng, khăn vấn đầu từ chính đôi tay khéo léo và sự nhẫn nại của người phụ nữ Tày, màu sắc trang phục đa dạng hơn trước kia. Tuy nhiên, màu chàm hoặc xanh vẫn được phụ nữ Tày yêu thích hơn cả.
Trang phục truyền thống đã in sâu vào trong lối sống và là niềm tự hào của người phụ nữ Tày. Dù cuộc sống hiện đại nhưng người phụ nữ sinh ra và lớn lên đều mong muốn giữ cho mình một bộ trang phục truyền thống để mặc trong những dịp đặc biệt hay mùa lễ hội.
Để tôn lên vẻ đẹp và nét độc đáo của trang phục Tày, là lối dùng màu chàm đồng nhất phổ biến trên trang phục, còn nhờ vào sự độc đáo của những bộ trang sức làm từ bạc trắng. Trang sức phụ nữ Tày đơn giản song có đủ các chủng loại cơ bản như vòng cổ, vòng tay, xà tích, hoa tai... Quan trọng nhất là vòng cổ. Đó là, một chiếc vòng bạc trắng to đeo ở cổ, vòng rộng xuống 1/4 ngực làm cho cơ thể cân đối và màu trắng của vòng bạc nổi bật trên nền áo chàm hoặc xanh theo đó là vấn đầu màu tím để đuôi vắt bên sau tai, kèm theo chiếc nón lá đội hoặc đeo bên hông tạo thêm vẻ duyên dáng trầm ấm, ấn tượng.
Hiện nay, do nhiều yếu tố tác động, trang phục truyền thống của một số dân tộc đã và đang mất gốc, thay đổi bằng các trang phục mới. Trước tình hình đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 209/QĐ-BVHTTDL, ngày 18/1/2019 phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”.
Để việc bảo tồn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số nói chung, người Tày nói riêng cần có sự phối hợp giữa người dân và chính quyền. Đáng mừng là những năm qua, huyện Bình Liêu quy định các cơ quan công sở, trường học mặc trang phục dân tộc truyền thống vào các ngày thứ hai, thứ sáu hàng tuần cùng các chương trình sinh hoạt văn hóa cộng đồng và các lễ kỷ niệm trọng đại của đất nước và của địa phương.
Hà Thị Ngọc (Trung tâm TT-VH Bình Liêu)
Liên kết website
Ý kiến ()