Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 08:05 (GMT +7)
“Việc xác định được niên đại bộ xương tìm thấy ở Bãi cọc Bạch Đằng có ý nghĩa rất quan trọng về mặt học thuật...”
Chủ nhật, 26/05/2013 | 05:44:39 [GMT +7] A A
(Tiến sĩ Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Tiền sử Đông Nam Á, trao đổi với CTV Báo Quảng Ninh)
Tiến sĩ Nguyễn Việt. |
Những năm qua, Tiến sĩ Nguyễn Việt và Trung tâm nghiên cứu Tiền sử Đông Nam Á (đặt tại TX Quảng Yên) do ông làm Giám đốc, đã có nhiều đóng góp trong việc tìm kiếm những hiện vật, những dấu tích v.v.. để góp phần bổ sung vào những nghiên cứu khoa học về Chiến thắng Bạch Đằng 1288. Và mới đây nhất là việc xác định được niên đại của bộ xương do ông và các cộng sự ở Trung tâm tìm thấy tại Bãi cọc Bạch Đằng, Yên Giang, Quảng Yên...
- Thưa Tiến sĩ Nguyễn Việt, mới đây tại Hội thảo 725 năm Chiến thắng Bạch Đằng (tổ chức tại Quảng Yên), ông đã từng công bố rằng bộ xương mà ông và các cộng sự tìm thấy ở Bãi cọc Bạch Đằng đã được xác định niên đại là năm 1288… Ông có thể cho biết cụ thể hơn về điều này được không?
+ Đúng là chúng tôi đã rất chờ đợi kết quả phân tích niên đại C14 cho các bộ hài cốt thu lượm và khai quật khảo cổ học tại khu vực phát hiện cọc Bạch Đằng (thuộc phường Yên Giang, TX Quảng Yên). Như đã từng được chúng tôi thông báo chính thức trên báo chí trung ương và Hội nghị chuyên ngành Khảo cổ học hàng năm, việc phát hiện một số cụm xương người ở nền đáy sông Chanh cổ cách không xa bãi cọc Bạch Đằng đã báo hiệu khả năng tìm thêm những chứng cớ xác thực về trận Bạch Đằng năm 1288. Bộ xương được gửi đi phân tích niên đại C14 nằm trên nền sông Chanh cổ, cách bờ cũ của sông Chanh không xa. Bằng chứng là sạn vỏ nhuyễn thể lớn 0,5 - 0,8cm cùng với sạn cát và mùn hữu cơ gần bờ. So với mặt đáy đầm trước khi khai đào, bộ xương nằm ở độ sâu khoảng -80cm, và cách bờ hiện tại chừng 2m. Bộ xương đã bị di chuyển thành bốn cụm trong phạm vi diện tích chừng 100m2.
Kết quả định tuổi carbon phóng xạ (thường viết tắt là C14) cho một số cọc ở Đồng Má Ngựa gần đây cũng khẳng định tồn tại bãi cọc liên quan đến trận Bạch Đằng 1288 tại địa bàn TX Quảng Yên hiện nay. Nhân Hội thảo khoa học 725 năm Chiến thắng Bạch Đằng 1288, Viện Nghiên cứu Bạch Đằng của Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đã gửi mẫu lấy từ phần xương đùi của một bộ xương khai quật được từ ô đầm nuôi tôm của hộ gia đình ông Nguyễn Hồng Kỳ đưa đến phòng thí nghiệm carbon phóng xạ của Viện Khảo cổ học Hà Nội. Sau khi tiến hành đo bằng phương pháp chiết xuất carbon phóng xạ từ collagen, các nhà khoa học của Phòng thí nghiệm C14 Hà Nội đã thông báo cho chúng tôi kết quả đo mẫu xương; theo đó, cho thấy độ tin cậy của mẫu xương trong tương quan với các trận Bạch Đằng đã từng diễn ra trong lịch sử, trong đó có trận Bạch Đằng 1288. Điều này xoá bỏ những nghi ngờ trước đây, cho rằng đây là những bộ xương người mới chết gần đây. Đối chiếu với những chứng cứ nhân học hình thể (độ cao và mẫu xương hông) thì rất nhiều khả năng bộ xương đó gắn với tướng sĩ nhà Nguyên tham gia trận chiến Bạch Đằng năm 1288...
Đầm tôm của gia đình ông Nguyễn Hồng Kỳ, nơi phát hiện bộ xương người được xác định là vào thời kỳ chiến tranh chống quân Nguyên - Mông (thế kỷ thứ XIII). |
- Đây là một thông tin rất quan trọng, phải không thưa Tiến sĩ?
+ Hiện tại số liệu khoa học chi tiết đang được các nhà khoa học của Phòng thí nghiệm C14 Hà Nội hiệu chỉnh trước khi công bố. Tuy nhiên, qua trao đổi, có thể khẳng định rằng đây không phải là xương mới gần đây mà chắc chắn trùng với thời gian diễn ra các trận Bạch Đằng từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 13. Đúng như anh nói, đây là một thông tin quan trọng, có ý nghĩa lớn về mặt chuyên môn. Tôi còn nhớ, năm 1988 tôi đã cùng giáo sư của Viện Hàn lâm khoa học CHDC Đức tên là B. Krueger về Quảng Yên làm việc với UBND huyện Yên Hưng, cùng các ông Nguyễn Khuê Bích và ông Ngô Xuân Gô (khi đó hai ông là Phó Chủ tịch UBND huyện và Trưởng Phòng Văn hoá huyện Yên Hưng) để lấy mẫu gỗ cọc Bạch Đằng mang sang Đức phân tích C14. Kết quả tuy không trùng khớp với năm 1288 nhưng cũng nằm trong phạm vi các trận Bạch Đằng từ 938 và 981. Và theo nhận định của các nhà khoa học tại phòng thí nghiệm Berlin thì thậm chí có thể chính là cọc Bạch Đằng 1288 nếu được tách lọc kỹ mẫu vật và hiệu chỉnh vòng cây chính xác. Tất nhiên, niên đại C14 chỉ cho phép chỉ ra niên đại gần đúng mà thôi. Lý do là vì các mẫu vật thường bị nhiễm các thành phần hữu cơ khác trong quá trình nằm trong lòng đất mà đôi khi trong các phòng thí nghiệm đã không đủ thiết bị lọc tách. Nhưng với việc xác định niên đại mẫu xương người lần này, nó đã khẳng định rằng các kết quả trước đây của chúng tôi là có sức thuyết phục…
- Nói cụ thể hơn, kết quả xác định niên đại của bộ xương có ý nghĩa như thế nào trong việc mở ra những hướng nghiên cứu và cách tiếp cận mới về Chiến thắng Bạch Đằng 1288?
+ Rõ ràng với việc tìm được những bộ xương có niên đại cổ như thế ngay trong phạm vi phân bố Bãi cọc Bạch Đằng 1288 đã tạo niềm tin cho việc tiếp tục tìm kiếm những di vật tương tự để làm phong phú thêm tư liệu về trận Đại thắng Bạch Đằng. Chúng tôi hy vọng trong quá trình bám sát và đi sâu hơn tại địa bàn khu vực, sẽ ngày càng có nhiều phát hiện quý liên quan trực tiếp đến chiến thắng vĩ đại này. Ví dụ như phát hiện gốm sứ ở rìa sông Chanh cổ sát liền bãi cọc đã chỉ ra sự tồn tại một làng bến cổ có niên đại từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ 13, trùng với ghi chép của “Nguyên sử” về việc Ô Mã Nhi đã đem thuyền đánh phá Trại Yên Hưng. Vào thế kỷ 13, gốm sứ phản ánh làng xóm rõ nhất là ở bờ sông Chanh cổ thuộc phường Yên Giang hiện nay mà thôi. Cũng tại nơi này, nhân dân cho biết tồn tại những vùng dày đặc vụn gỗ ở ngay sát bãi cọc. Vậy chúng là tích tụ tự nhiên hay là bãi phế thải do việc đẽo nhọn đầu cọc cắm xuống lòng sông tạo ra? Theo tôi, đây cũng là vấn đề cần được xem xét và nghiên cứu nghiêm túc trong thời gian tới.
Xin nhấn mạnh một lần nữa, rằng trận Bạch Đằng năm 1288 không phải là câu chuyện thần thoại hay truyền thuyết dân gian, mà là một hiện thực chấn động lịch sử Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Nó không phải như câu chuyện Chử Đồng Tử - Tiên Dung sau một đêm biến mất… Vậy thì dứt khoát tàn tích của nó vẫn để lại đâu đó trong lòng đất Quảng Yên mà thôi. Nhiệm vụ tìm ra những chứng tích đó là của các nhà nghiên cứu chuyên ngành, các cán bộ quản lý văn hoá, di sản các cấp và của toàn thể nhân dân trong vùng...
- Từ những kết quả nêu trên, theo ông, cần phải định hướng như thế nào để có thêm nhiều nghiên cứu, nhiều tư liệu bổ ích giúp cho việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của Di tích Chiến thắng Bạch Đằng?
+ Chúng ta phải khẳng định rằng những phát hiện và nghiên cứu như trường hợp các bộ xương nói trên không thể của riêng một đơn vị, nó vượt khỏi khả năng quản lý của cán bộ văn hoá và di sản địa phương. Tuy nhiên, chỉ bắt đầu từ cấp địa phương chúng ta mới có thể có những phát hiện tương tự. Tôi nhớ rằng, khoảng năm 2008, khi đi công tác ở miền Nam, tôi nhận được điện thoại của đồng chí Lê Đồng Sơn, Trưởng Phòng Văn hoá Thông tin huyện Yên Hưng (cũ), báo tin tại công trường nạo vét đường nước Miếu Vua Bà đã xuất lộ một số xương người. Trước đó, cũng nhờ gia đình ông Nguyễn Hồng Kỳ chỉ dẫn, chúng tôi mới thu thập được các cụm xương ở đầm Yên Giang… Những phát hiện đó đã được chúng tôi kịp thời đến xử lý và đưa về bảo quản, nghiên cứu ở các phòng thí nghiệm của Trung tâm. Và bây giờ, như anh thấy đây, giá trị của các phát hiện đó đã được khẳng định… Và cũng xin nói thêm, những nghiên cứu gần đây của Viện Nghiên cứu Văn hoá Bạch Đằng, của Viện Khảo cổ học, về gốm sứ, xương cốt và bảo quản gỗ, vải ngập nước, với sự tham gia của một số chuyên gia địa chất, khảo cổ học dưới nước đến từ các trường Đại học và Viện nghiên cứu nước ngoài, cũng đã đưa ra ánh sáng những tư liệu đáng tin cậy hơn về địa hình sông Chanh, sông Bạch Đằng cổ, về niên đại của Bãi cọc ở Đồng Má Ngựa v.v.. cũng như khả năng truy tìm những bãi bồi hình thành từ các thuyền đắm cổ. Như vậy việc tham gia nghiên cứu liên ngành, liên cấp, liên quốc gia tỏ rõ tiến bộ vượt bậc trong nghiên cứu và bảo quản Di sản Bạch Đằng 1288, hứa hẹn nhiều thành quả trong tương lai.
- Còn với Trung tâm nghiên cứu Tiền sử Đông Nam Á, ông và các cộng sự sẽ làm gì để góp phần vào việc bảo tồn, phát huy giá trị của Di tích Chiến thắng Bạch Đằng 1288?
+ Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á của chúng tôi đã phối hợp với cơ quan quản lý văn hoá địa phương khai quật một số mộ gạch thời đầu Công nguyên ở Chợ Rộc (Tiền An) và Sông Khoai thuộc địa bàn Quảng Yên từ năm 2002. Sau khi thành lập Trạm Nghiên cứu Đông Bắc của Trung tâm tại toà nhà Pháp cổ ở phường Yên Giang, năm 2006 chúng tôi đã bắt tay ngay vào nghiên cứu chiến trường Bạch Đằng. Vốn dĩ từ khi còn là một sĩ quan Hải quân, tôi đã cùng một số nhà nghiên cứu khác biên soạn cuốn sách “Quân thuỷ trong lịch sử chống ngoại xâm”, trong đó Bạch Đằng là trọng tâm lớn nhất. Năm 2007, với sự tham gia của một số cán bộ, nhân dân địa phương, chúng tôi đã cho ra đời Viện Nghiên cứu Văn hoá Bạch Đằng (nằm trong Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á). Có hai nhiệm vụ trọng tâm của Viện Nghiên cứu Bạch Đằng; thứ nhất, đó là tiến hành điều tra phát hiện thường xuyên các hiện tượng liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng 1288; thứ hai, xây dựng hệ thống bể chứa và các phòng thí nghiệm chuyên bảo quản, phục chế các vật liệu khảo cổ học hữu cơ, từ gỗ, vải, hạt quả ngập nước đến xương người, động vật v.v. có niên đại từ 20 ngàn năm trước cho đến thế kỷ 17. Những bể nước lớn, hiện đại có chiều dài tới 15m được xây dựng với hy vọng bảo quản và xử lý được những dầm, ván thuyền cổ. Hiện nay Viện là thành viên của WORM thế giới (Watterloged Organic Materials). Chuyên gia của Viện đã được huấn luyện ở Đan Mạch, Anh về bảo quản gỗ và các vật liệu hữu cơ khảo cổ học…
Với lợi thế ở ngay tại hiện trường, có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu về tàu thuyền và chiến tranh trên biển, lại được huấn luyện, đào tạo chuyên ngành bảo quản gỗ và vật liệu hữu cơ, chúng tôi hy vọng sẽ tham gia cùng các đơn vị hữu quan để có những đóng góp hiệu quả trong việc nghiên cứu, bảo tồn di sản Bạch Đằng...
- Xin cảm ơn Tiến sĩ về cuộc trò chuyện!
Ngô Đình Dũng (CTV)
Liên kết website
Ý kiến ()