Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 18:24 (GMT +7)
Việt Nam không vay nợ nhiều của Trung Quốc
Thứ 4, 11/06/2014 | 15:09:14 [GMT +7] A A
Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội sáng 11/6, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, mức độ lệ thuộc Trung Quốc ở nợ công là không nhiều.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) đề nghị: Trước những diễn biến căng thẳng tại Biển Đông, ngành Tài chính cần có kịch bản chiến lược tính đến việc hạn chế lệ thuộc vay vốn từ Trung Quốc.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Việt Nam vay tiền của Trung Quốc để thực hiện các dự án là không nhiều. Trong đó, đầu tư vào thị trường chứng khoán của Trung Quốc chỉ chiếm 0,33% quy mô giá trị của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu kết luận phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính. Ảnh: VOV |
Trung Quốc có 2 nhà đầu tư lớn đang đầu tư vào 2 tập đoàn và công ty, nhưng không có gì đáng lo ngại, vì đây đều là những nhà đầu tư dài hạn.
Về nghĩa vụ trả nợ công nói chung, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng tiếp tục khẳng định sẽ có các phương án để giải quyết, kể cả trong trường hợp có những diễn biến căng thẳng ở vùng biển của nước ta như hiện nay.
Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng nguồn thu ngân sách, tái cơ cấu nợ công (hoán đổi hoặc vay thêm các khoản vay dài hạn, lãi suất thấp hơn), thực hiện tiết kiệm chi tiêu công, nhất là chi thường xuyên.
Về trách nhiệm của Bộ Tài chính khi để 72.000 sinh viên ra trường không có việc làm vì trước đây ngành Tài chính chưa đầu tư hợp lý cho mỗi suất đầu tư/học sinh… (theo chất vấn của đại biểu Ngô Thị Minh), Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng những năm qua, Nhà nước đã cho các trường cao đẳng, đại học cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong tuyển sinh. Căn cứ vào nhu cầu xã hội thì các trường sẽ cân đối số lượng sinh viên đầu vào. Qua cơ chế tự chủ này cũng giúp các trường có thêm kinh phí, tăng cường cơ sở vật chất và chất lượng đào tạo.
Còn Nhà nước chỉ tập trung đầu tư đào tạo các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, nghệ thuật, năng lượng nguyên tử, hỗ trợ đầu tư cho con em gia đình có công, gia đình chính sách. Đề án đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo cũng sẽ hướng đến việc Nhà nước chỉ trả đủ chi phí đào tạo cho các ngành nghề mà Nhà nước cần, còn lại thì xã hội sẽ tự cân đối. Những nội dung này sẽ được Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trình bày kỹ hơn ở phần chất vấn sau.
Đánh giá lại phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết có nhiều câu hỏi thắng thắn, trực diện của đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội cho rằng Bộ trưởng Tài chính đã đưa ra nhiều giải pháp để vấn đề nợ công ở mức an toàn.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tái cơ cấu lại nguồn vay, chuyển từ vay ngắn hạn sang vay dài hạn để tạo tiềm lực phát triển của đất nước, nuôi khả năng trả nợ, lấy thu ngân sách để trả nợ còn bội chi chủ yếu để đầu tư phát triển. Bên cạnh đó ngành Tài chính phối hợp với các địa phương, ngành Tư pháp ngăn chặn tốt việc trốn thuế, tập trung thu đúng, thu đủ thuế.
Về hoạt động kiểm soát giá, Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh ngành Tài chính đã thực hiện tốt Luật Giá, trong đó đã tập trung quản lý giá các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo quyền lợi người dân.
Đối với cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, ngành Tài chính cần bám sát tiến độ thực hiện. Định giá doanh nghiệp đưa ra cổ phần phải công khai minh bạch trên thị trường chứng khoán, tránh thất thoát cho Nhà nước và cũng là nâng cao hơn hiệu quả quản lý tài chính và hoạt động của doanh nghiệp.
Theo chinhphu.vn
Liên kết website
Ý kiến ()