Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 01:38 (GMT +7)
Vùng than miền Tây đảm bảo các yêu cầu về môi trường
Thứ 6, 23/08/2024 | 14:11:20 [GMT +7] A A
Vùng than miền Tây của tỉnh Quảng Ninh là nơi có rất nhiều đơn vị sản xuất, chế biến, tiêu thụ, kinh doanh than của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đang đứng chân. Trong đó, nhiều đơn vị có khai trường sản xuất và mặt bằng công nghiệp tiếp giáp khu dân cư, ít nhiều đã ảnh hưởng đến môi trường sinh thái trong khu vực. Với chủ trương gắn sản xuất với bảo vệ môi trường, TKV đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường đầu tư, nâng cấp dây chuyền công nghệ hiện đại, vừa nâng cao năng suất, vừa giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường.
Nhằm hạn chế tình trạng phát tán bụi trong quá trình sản xuất, Công ty Than Mạo Khê đã tích cực đổi mới công nghệ khai thác. Đột phá quan trọng nhất của đơn vị trong đổi mới công nghệ, tăng năng suất và thân thiện với môi trường là chủ động áp dụng công nghệ chống thủy lực thay chống gỗ, góp phần giảm tổn thất, tăng sản lượng khai thác. Trong khâu dập bụi, bên cạnh việc duy trì các hình thức truyền thống, Than Mạo Khê đã đầu tư nhiều thiết bị phun sương, dập bụi mới, công suất cao, đáp ứng yêu cầu sản xuất ở quy mô lớn.
Công tác xử lý bụi than được đơn vị triển khai ở mọi vị trí sản xuất, từ trong lò ra đến ngoài mặt bằng công nghiệp. Trên cơ sở xác định lượng bụi phát tán nhiều nhất ở khu vực nhà sàng 56 với các thiết bị xúc bốc và hệ thống băng tải vận hành liên tục, cùng khoảng 200 lượt xe ô tô chở than ra, vào mỗi ngày, Than Mạo Khê đã tập trung đầu tư, vận hành các thiết bị phun sương cao áp ở đây.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Đầu tư - Môi trường Công ty, từ năm 2019, Than Mạo Khê đã đưa vào sử dụng 8 hệ thống phun sương dập bụi dạng quạt cao áp, giao Phân xưởng Sàng tuyển Than quản lý, vận hành. Đơn vị này đã phối hợp với các phòng chuyên môn, xác định các vị trí trọng điểm về bụi để lắp đặt các tháp quạt với cao độ phù hợp. Ngoài nguồn bụi phát sinh từ các hoạt động sản xuất trong nhà sàng 56, đối với tuyến đường vận chuyển qua khu vực nhà sàng này, Than Mạo Khê đã lắp đặt hệ thống bơm và 140 đầu vòi phun dập bụi dọc tuyến đường từ Cửa lò -25 ra đến phía ngoài trạm bảo vệ số 6. Các tuyến đường còn lại, Công ty sử dụng 4 xe Stec dung tích téc chứa từ 10÷15m3 thực hiện phun rửa các tuyến đường 3 ca/ngày với tần suất trung bình 8 chuyến/một xe/ca, tuỳ theo độ ẩm không khí để đảm bảo các tuyến đường không có bụi phát tán.
Để xử lý bụi than phát sinh trong quá trình vận tải, TKV cũng đang tiến tới băng tải hóa toàn bộ công tác vận tải than tại các đơn vị khai thác, sàng tuyển, chế biến, tiêu thụ than của Tập đoàn. Tuyến băng tải vận chuyển than dài nhất của TKV vừa được Công ty TNHH MTV Môi trường hoàn thiện và đang tiến hành chạy thử, hiệu chỉnh thiết bị. "Tuyến băng này sẽ làm nhiệm vụ vận chuyển than tại mặt bằng sân công nghiệp +24 mỏ Tràng Bạch, đổ vào các bunke nhận than cấp cho Nhà máy Nhiệt điện Mạo Khê và vận chuyển ra cảng Bến Cân; chấm dứt hoạt động vận chuyển than bằng ô tô, đảm bảo chất lượng môi trường cho khu vực này" - ông Vũ Đức Minh, Trưởng phòng Cơ điện - Vận tải Công ty TNHH MTV Môi trường cho biết.
Các đơn vị sản xuất, kinh doanh than vùng miền Tây là vựa than dồi dào và chất lượng, đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của Tập đoàn. Tuy nhiên, không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế, lãnh đạo TKV ngày càng “khắt khe” hơn với các đơn vị trong thực hiện những nhiệm vụ cấp bách và dài hạn về môi trường.
Từ đầu năm đến nay, Chủ tịch Hội đồng thành viên TKV và lãnh đạo điều hành thường xuyên kiểm tra đột xuất tình hình chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường tại các đơn vị vùng miền Tây. Quá trình kiểm tra, lãnh đạo Tập đoàn đã chỉ ra một vài hạn chế điển hình của một số đơn vị trong công tác quản lý kho bãi chứa than, vệ sinh đường chuyên dụng vận chuyển than, hoạt động của các thiết bị phun sương dập bụi…; đồng thời yêu cầu các đơn vị khắc phục ngay trong thời gian ngắn nhất.
Thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn, các đơn vị đã nghiêm túc đánh giá lại quy trình sản xuất, quy định quản lý các nhiệm vụ về môi trường và các công trình, thiết bị phục vụ vệ sinh môi trường đến các đơn vị khối sản xuất, chế biến, tiêu thụ than hiện nay, những tồn tại trước đây đã được cải thiện đáng kể.
Đơn cử, như tại Công ty Kho vận Đá Bạc – nơi đang vận hành hệ thống pha trộn, tiêu thụ than vùng miền Tây cho Tập đoàn, hầu hết mặt bằng sân công nghiệp khu vực cảng Điền Công đã được nâng cấp, các hệ thống thoát nước cũng được đầu tư đồng bộ. Dọc các tuyến đường trong và ngoài ranh giới quản lý, đơn vị trồng bổ sung hệ thống cây xanh, giúp cải thiện chất lượng không khí và ngăn bụi khá hiệu quả ở khu vực này. Hay tại Công ty CP Than Vàng Danh, những mảng xanh ngày càng phủ rộng khắp khai trường của mỏ. Trên các tuyến đường vào mỏ như đường Lán Tháp- Vàng Danh, Công ty bố trí xe phun nước dập bụi và cắt cử công nhân quét dọn thường xuyên, đảm bảo môi trường khu vực dân cư giáp ranh khai trường luôn sạch sẽ, hạn chế tối đa bụi than phát tán.
Song hành giữa sản xuất và môi trường là hướng đi lâu dài giúp Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam duy trì sự phát triển bền vững. Vấn đề cốt lõi để thực hiện được mục tiêu kép này chính là đầu tư nâng tầm hạ tầng công nghệ khai thác. Đồng bộ với các dây chuyền sản xuất hiện đại, liên hoàn là các công trình, đề án bảo vệ môi trường. Đảm bảo hài hòa giữa những giải pháp này, TKV và các đơn vị sản xuất, kinh doanh than vùng miền Tây đã đáp ứng cơ bản các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Đây cũng là định hướng của tỉnh Quảng Ninh trong phát triển các ngành công nghiệp trên địa bàn, đóng góp vào mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương trong giai đoạn tới.
Hoàng Yến
Liên kết website
Ý kiến ()