Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 21:53 (GMT +7)
“Vườn ươm” doanh nghiệp FDI tại Bình Phước
Thứ 3, 28/02/2023 | 17:17:16 [GMT +7] A A
Ngược dòng thời gian, thời điểm tái lập tỉnh vào năm 1997, Bình Phước chỉ có 1 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với số vốn đăng ký khiêm tốn hơn 20 triệu USD. Sau 26 năm kể từ ngày tái lập, đến nay, Bình Phước đã thu hút 366 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư gần 3,5 tỷ USD. Có được kết quả ấn tượng này phải nói đến sự nỗ lực rất lớn của chính quyền tỉnh khi quyết tâm thực hiện chủ trương “trải thảm đỏ” để đón làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Đón "sóng" đầu tư
Được biết đến là doanh nghiệp chăn nuôi, chế biến thịt gà xuất khẩu hiện đại và lớn nhất tại Việt Nam, tổ hợp nhà máy xuất khẩu gà CPV Food do Tập đoàn CP Thái Lan làm chủ đầu tư tọa lạc tại Khu công nghiệp Becamex - Bình Phước (thị xã Chơn Thành) có vốn đầu tư lên tới 250 triệu USD. Đây là tổ hợp các nhà máy và trang trại chăn nuôi theo mô hình chuỗi khép kín với công suất 100 triệu con/năm, trong đó giai đoạn 1 là 50 triệu con/năm. CPV Food Bình Phước được kỳ vọng tạo ra bước đột phá trong ngành chăn nuôi Việt Nam. Nhà máy dự kiến cung cấp sản phẩm thịt gà chất lượng cao, an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu sang Nhật Bản (45%), châu Âu (35%), châu Á (10%) và Trung Đông (10%), đem về nguồn ngoại tệ 100 triệu USD mỗi năm trong giai đoạn 1 và 200 triệu USD mỗi năm trong giai đoạn 2. Đồng thời, tạo việc làm cho hơn 3.000 lao động, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường do quy hoạch chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung và cách xa khu dân cư.
Chỉ sau 2 năm hoạt động, doanh nghiệp này đã “biến” thế mạnh về ngành chăn nuôi của Bình Phước thành những sản phẩm hàng hóa có giá trị xuất khẩu, trong đó đáng chú ý có lô hàng 33,6 tấn thịt gà chế biến mang thương hiệu CPV Food đã chính thức được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản vào cuối tháng 10-2022.
Trước bối cảnh khó khăn chung của tình hình trong nước và quốc tế nhưng tháng 3-2022, “ông lớn” trong ngành sản xuất tã trẻ em đến từ Thổ Nhĩ Kỳ - Hayat, cũng đã khánh thành nhà máy tại Khu công nghiệp Becamex - Bình Phước, với vốn đầu tư lên tới 250 triệu USD. Với hệ thống sản xuất tự động theo tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu, Hayat đặt mục tiêu sở hữu 30% thị phần trong nước đối với sản phẩm tã Molfix “Made in Viet Nam” vào năm 2025 và cung ứng sản phẩm tới các thị trường tiềm năng khác trong khối ASEAN như Campuchia, Philippines, Lào và Indonesia, với tổng giá trị xuất khẩu ước đạt 50 triệu USD/năm. Bên cạnh hạng mục tã giấy cho trẻ em hiện có, Hayat đang có kế hoạch đầu tư vào nhà máy khăn giấy với sản lượng 60 ngàn tấn/năm và nhà máy sản xuất chất tẩy rửa với công suất 250 ngàn tấn/năm.
Việc Nhà máy Hayat Kimya khánh thành đi vào hoạt động là kết quả nổi bật trong thu hút đầu tư nước ngoài của tỉnh, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh tại các tỉnh, thành phía Nam.
Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư
Bình Phước có 13 khu công nghiệp được đầu tư với tổng diện tích trên 6.000 ha. Cùng với nguồn lao động dồi dào, dư địa rộng lớn, cơ sở hạ tầng đang dần được đầu tư đồng bộ, vị trí địa lý thuận lợi, nằm sát vùng tam giác phát triển năng động, gồm: TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương. Dự kiến, thời gian tới, tỉnh chỉ tập trung phát triển các khu công nghiệp với diện tích dưới 500 ha, không phát triển các dự án khu công nghiệp quá lớn với diện tích trên 1.000 ha; chỉ xem xét mở rộng khu công nghiệp khi tỷ lệ lấp đầy thực tế đạt tối thiểu 60%. Đồng thời phát triển các cụm công nghiệp một cách vững chắc; mỗi địa phương cấp huyện phát triển không quá 3 cụm công nghiệp; chú trọng phát triển một số cụm công nghiệp chuyên ngành. Ưu tiên hàng đầu là giải phóng mặt bằng, hạn chế tối đa nguy cơ thiếu quỹ đất sạch, đồng thời đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở chuyên gia, thiết chế văn hóa, hệ thống thương mại, bệnh viện, trường học nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp. Cùng với đó bổ sung nhằm hoàn thiện quy định về chính sách khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư; tăng cường đẩy mạnh xúc tiến đầu tư để kêu gọi các nhà đầu tư chọn Bình Phước làm điểm dừng chân.
Ông Trần Quốc Duy, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh cho biết: Trong năm 2023, nội dung hoạt động xúc tiến đầu tư sẽ có nhiều sáng tạo và đổi mới. Bên cạnh tham mưu UBND tỉnh tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, chúng tôi dự kiến sẽ mở rộng quy mô xúc tiến đầu tư không chỉ ở cấp tỉnh mà còn ở cấp huyện, thị, thành phố, cùng với đó sẽ tăng cường các kỹ năng xúc tiến đầu tư cho cán bộ chuyên môn, lãnh đạo doanh nghiệp, lãnh đạo các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế để tìm ra lộ trình, giải pháp thu hút đầu tư hiệu quả nhất. Về đối tượng, ngoài kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước, chúng tôi sẽ tập trung vào các kiều bào ở nước ngoài để mời gọi đến tìm hiểu về môi trường đầu tư tại tỉnh Bình Phước.
Trên đà phát triển, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước đã ban hành 6 kết luận về phát triển công nghiệp giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, định hướng đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, tăng sức cạnh tranh để thu hút đầu tư vốn FDI vào các lĩnh vực mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên thực tế, năm 2022, thu hút đầu tư FDI của tỉnh đang chậm lại tạm thời để phù hợp với những khó khăn chung của tình hình trong nước và thế giới. Đây cũng là thời điểm để lãnh đạo tỉnh nhận diện điểm nghẽn, trong đó điểm nghẽn lớn nhất là hạ tầng giao thông để có những giải pháp đầu tư trọng tâm, trọng điểm, từng bước khắc phục khó khăn, hạn chế trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Với nền tảng “4 tốt” gồm hạ tầng tốt, nhân lực tốt, chính sách tốt, dịch vụ công tốt, lãnh đạo tỉnh cam kết luôn đồng hành với doanh nghiệp; luôn lắng nghe, chia sẻ và tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh. Đây là tiền đề, là mấu chốt quan trọng để Bình Phước hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn, là “vườn ươm” doanh nghiệp FDI trong thời gian tới.
Theo baobinhphuoc.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()