Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 22:07 (GMT +7)
Vướng mắc trong công tác giao đất, giao rừng
Thứ 3, 10/10/2023 | 08:20:52 [GMT +7] A A
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao đất, giao rừng cho tổ chức và cá nhân trên địa bàn. Qua đó, góp phần bảo vệ và phát triển rừng bền vững, khai thác tiềm năng đất đai, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và hiệu quả tích cực đem lại, trong quá trình thực hiện cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt đề án giao đất, giao rừng, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo giao đất, giao rừng, cho thuê đất, cho thuê rừng để triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, kịp thời đề xuất điều chỉnh đề án giao rừng, thuê rừng gắn liền với giao đất, thuê đất cho các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư trên địa bàn.
Theo thống kê, tổng diện tích đất lâm nghiệp trên toàn tỉnh là 398.389,47ha. Tính đến hết tháng 8/2023 đã giao đất, thuê đất với diện tích 146.654,22ha cho 36.139 hộ gia đình, cá nhân (trong đó 109.789,12ha giao cho 23.415 hộ gia đình, cá nhân là đồng bào DTTS); tổng diện tích đã giao đất, thuê đất cho 140 tổ chức là 166.739,85ha (trong đó giao cho 46 cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện Ba Chẽ, 37 cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện Bình Liêu, 6 cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện Hải Hà).
Qua rà soát, tổng diện tích do UBND xã đang quản lý chưa giao đất, cho thuê đất là 63.161,17ha (trong đó diện tích không có khả năng sản xuất lâm nghiệp là 29.475,64ha; diện tích có khả năng sản xuất nông nghiệp 33.685,53ha). Đối với phần diện tích này, hiện có 5 địa phương xây dựng phương án giao đất lâm nghiệp cho 1.338 hộ gia đình, cá nhân với diện tích 9.850,84ha.
Toàn tỉnh đã thực hiện giao rừng gắn với giao đất là 275.302,19ha. Việc thực hiện giao đất, giao rừng góp phần phát triển rừng bền vững, gắn trách nhiệm chủ rừng trong việc quản lý, bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn. Tuy nhiên, từ thực tiễn thực hiện quản lý về giao đất, giao rừng cho tổ chức, cá nhân trên địa bàn, qua công tác rà soát xác định còn nhiều tồn tại, khó khăn.
Công tác giao đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân những năm trước đây hồ sơ lưu trữ không đầy đủ, giấy tờ về việc giao đất bị thất lạc. Việc giao đất dựa trên bản đồ địa hình đo vẽ thủ công có tỷ lệ nhỏ để làm cơ sở giao đất, do đó độ chính xác không cao, ranh giới đất giữa các chủ sử dụng đất trên thực địa chưa được xác định rõ ràng, dẫn đến trong quá trình sử dụng phát sinh tranh chấp, lấn chiếm đất đai, gây khó khăn trong công tác lập hồ sơ quản lý, xét duyệt cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc rà soát đất rừng chồng lấn giữa đất của hộ gia đình, cá nhân với các tổ chức khác còn nhiều khó khăn về hồ sơ pháp lý, ranh giới, mốc giới sử dụng đất. Diện tích đất lâm nghiệp chưa giao, chưa cho thuê do UBND cấp xã quản lý phân tán, không tập trung, chủ yếu ở các khu vực xa, đất dốc, đồi núi cao, đất bị thoái hóa, bạc mầu... khó khăn cho sản xuất lâm nghiệp.
Ngoài ra, thu nhập từ hoạt động sản xuất lâm nghiệp thấp hơn so với các ngành khác, nên chưa thu hút được các thành phần kinh tế, nhất là các doanh nghiệp đầu tư chiều sâu, liên doanh, liên kết sản xuất kinh doanh tổng hợp theo hướng bền vững, lâu dài, đặc biệt là trồng cây gỗ lớn. Luật Đất đai không quy định hạn chế đối tượng được nhận chuyển nhượng đối với đất rừng sản xuất, do đó trong thời gian qua có việc mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho các đối tượng khác ngoài địa bàn xã, phường, ảnh hưởng đến mục đích giao đất rừng của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã (mục đích giao đất rừng để người dân có đất sản xuất). Vẫn còn tình trạng vi phạm pháp luật đất đai trên đất lâm nghiệp...
Về giao rừng, quy định kiểm kê đất đai và kiểm kê rừng còn nhiều bất cập về tiêu chí xác định loại đất, nguồn gốc đất; loại rừng, nguồn gốc rừng (như tại khu vực Đầm Nhà Mạc, TX Quảng Yên, theo hồ sơ kiểm kê đất của ngành TN&MT là đất nuôi trồng thủy sản, nhưng theo hồ sơ kiểm kê rừng của ngành NN&PTNT là rừng tự nhiên ngập mặn). Việc lập, quản lý quy hoạch 3 loại rừng đến nay đã có nhiều khu vực cần phải điều chỉnh để phù hợp với định hướng phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn tới.
Theo cơ quan chức năng, hiện nay cơ chế quản lý thực thi giao đất, cho thuê đất, quản lý đối với đất rừng của hộ gia đình, cá nhân thuộc thẩm quyền của cấp huyện còn nhiều vướng mắc, chồng chéo các luật; các quy hoạch, kế hoạch định hướng liên quan chưa đồng bộ. Công tác quản lý, sử dụng đất, giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập, tồn tại do các ngành chức năng và chính quyền các cấp; công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về đất đai chưa được thực hiện thường xuyên; việc xử lý các vụ vi phạm có nơi còn nể nang, đùn đẩy, né tránh...
Để tháo gỡ những tồn tại, hạn chế đó, bên cạnh việc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định phù hợp thực tiễn, các cấp, ngành tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các quy định của pháp luật; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát; tăng cường quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, đầu tư, xây dựng...
Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()