Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 21:52 (GMT +7)
Xây dựng Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn: Sẵn sàng các điều kiện
Thứ 2, 06/11/2017 | 15:37:54 [GMT +7] A A
Với việc Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn (Đặc khu Vân Đồn) được xúc tiến thành lập, Vân Đồn sẽ có cơ hội lớn để phát triển đúng với tiềm năng, thế mạnh của nơi đây. Để ước vọng này sớm trở thành hiện thực Vân Đồn đang chuẩn bị những điều kiện quan trọng nhất.
[links()]
Khu vực nhà ga Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đang được tập trung triển khai. |
Khởi động cho Đặc khu
Đứng trước vận hội mới này Vân Đồn đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để sớm hiện thực hóa lộ trình trở thành Đặc khu. Theo lãnh đạo huyện Vân Đồn giải pháp đầu tiên phải có được sự nhất quán, quyết tâm trong đường lối lãnh đạo, chỉ đạo. Bởi vậy, huyện đang tập trung đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị vững mạnh. Trọng tâm là thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính; chính quyền điện tử; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và đặc biệt là bộ máy quản lý chuyên nghiệp trong giai đoạn mới. Từ đó sẽ tạo động lực và tiền đề để phát triển bền vững.
Để chủ động nắm bắt cơ hội, Vân Đồn đã thay đổi phương pháp tiếp cận và cách làm. Trước tiên là tổ chức công khai các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phân khu chức năng; tiếp tục nâng cao trách nhiệm và năng lực quản lý, hoàn thiện quy chế quản lý quy hoạch theo hướng phù hợp với địa hình từng khu vực; tăng cường công tác quản lý đất đai, tài nguyên và bảo vệ môi trường… bởi đây sẽ là tiền đề quan trọng để tạo nguồn lực hình thành và phát triển đặc khu trong tương lai. Vì thế, huyện Vân Đồn đã không ngoài cuộc mà chủ động thành lập Ban chỉ đạo công tác lập quy hoạch, nhất quán, quyết tâm trong chỉ đạo triển khai; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan để điều tra, thu thập số liệu bám sát điều kiện thực tế để tham mưu, bổ sung, hoàn thiện các quy hoạch chuyên ngành.
Từ đầu năm đến nay huyện đã công bố công khai 14 quy hoạch; tổ chức lấy ý kiến tham gia vào các quy hoạch như: Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu vực cảng Cái Rồng, quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái rừng, biển cao cấp Hòn Giai, quy hoạch tổng mặt bằng xây dựng tỷ lệ 1/500 trạm xử lý nước hồ Khe Mai phục vụ Cảng hàng không Quảng Ninh tại xã Đoàn Kết…
Trao đổi với chúng tôi đồng chí Nguyễn Hải Lý, Phó Bí thư Huyện ủy cho biết: Để phát huy những lợi thế nổi bật, huyện đã tổ chức rà soát, nhận định lại tiềm năng và xây dựng kế hoạch phát triển dài hạn. Đặc biệt, đối với lĩnh vực kinh tế, đã định hướng ra các ngành kinh tế mũi nhọn như: Khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản; du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao, khai thác tiềm năng, thế mạnh của vịnh Bái Tử Long gắn với vịnh Hạ Long... kịp thời có chính sách hỗ trợ phát triển, nhân rộng. Cùng với đó, một trong những giải pháp quan trọng nữa mà huyện ưu tiên, đó là công tác cán bộ. Do đó, bộ máy quản lý nhà nước yêu cầu phải chuyên nghiệp, đồng bộ, bắt kịp xu thế phát triển mới. Chính vì thế, huyện đã kiện toàn lại bộ máy tổ chức từ huyện đến cơ sở; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ toàn diện cả về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị...
Hiện nay Ban Chấp hành Đảng bộ huyện có 40 người thì trình độ thạc sĩ là 20%, đại học 75%, trung cấp 5%; trình độ chính trị: Cử nhân 15%, cao cấp 67,5%, trung cấp 17,5%. Đội ngũ cán bộ, công chức gồm 126 người, trong đó tiến sĩ 2 người: 1,59%, thạc sĩ 40 người: 31,75%, đại học: 61,11%. Đối với viên chức có 876 người, trong đó thạc sĩ 1,71%, đại học chiếm 53,88%. Song song với đó huyện cũng đặc biệt quan tâm đến công tác luân chuyển cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ, có nhiều triển vọng, nằm trong quy hoạch cán bộ của địa phương hoặc cán bộ dự nguồn. Đây là điều kiện tốt để cán bộ trưởng thành, vững vàng về phẩm chất chính trị, kỹ năng chuyên môn, tích luỹ kinh nghiệm thực tiễn, có phương pháp lãnh đạo toàn diện, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo tạo bước đột phá trong đào tạo nguồn cán bộ chất lượng, lâu dài cho địa phương. Để đảm bảo bộ máy năng động, tinh gọn thời gian tới huyện sẽ hợp nhất một số phòng ban cơ quan như: Cơ quan tham mưu của khối vận, hợp nhất phòng Nội vụ và Tổ chức, Thanh tra và Kiểm tra.
Chùa Cái Bầu, điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của Vân Đồn. |
Xây dựng nguồn nhân lực
Có thể nói, trong hành trình trở thành Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thì việc chuẩn bị nguồn nhân lực là yếu tố quyết định sự thành công, vì vậy huyện đã hoàn thiện Quy hoạch phát triển nhân lực Vân Đồn đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Theo đó, huyện đặt ra mục tiêu cơ cấu lấy dịch vụ làm trọng, khu vực công nghiệp và nông nghiệp phục vụ ngành dịch vụ. Cơ cấu lao động sẽ chuyển dịch mạnh từ nông nghiệp sang dịch vụ và công nghiệp. Dự báo đến năm 2020, nguồn cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý ở Vân Đồn khoảng 1.000 người. Nhu cầu lao động trong các khu vực kinh tế đến năm 2020, dự báo sẽ cần khoảng 45.000 lao động, đến năm 2030 khoảng 90.000 lao động. Cơ cấu lao động: Đến năm 2020, nông nghiệp giảm xuống còn 24%, công nghiệp 26%, dịch vụ 50%. Đến năm 2030, nông nghiệp 8%, công nghiệp - xây dựng 32%; dịch vụ, thương mại 60%.
Từ việc thay đổi về cơ cấu cũng như lượng cầu về lao động, Quy hoạch đã đưa ra những giải pháp rất cụ thể trong việc phát triển nguồn nhân lực. Trong đó tập trung cho công tác đào tạo nghề. Các dự án đầu tư mới hoặc dự án mở rộng sản xuất tại Vân Đồn sẽ được ngân sách trung ương hỗ trợ chi phí đào tạo nghề ngắn hạn cho người lao động có quốc tịch Việt Nam làm việc tại Vân Đồn trong thời gian hai năm đầu kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Mức hỗ trợ chi phí đào tạo nghề ngắn hạn ban đầu bằng 50% mức lương tối thiểu/tháng. Trong trường hợp thời gian đào tạo trên 3 tháng thì mức hỗ trợ không quá 1,5 lần mức lương tối thiểu/khóa đào tạo. Ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ xây dựng một trường nghề phục vụ cho nhu cầu tại chỗ của Vân Đồn. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, huyện cũng đề nghị tỉnh nâng cấp trung tâm dạy nghề Vân Đồn thành trường cao đẳng nghề và trong giai đoạn 2020-2030 tiếp tục phát triển trở thành trường đại học.
Cùng với việc hoàn thiện Quy hoạch nguồn nhân lực huyện tổ chức rà soát các dự án trên địa bàn, nắm chắc hiện trạng đất, cương quyết thu hồi những dự án vi phạm, chậm triển khai theo kế hoạch. Đồng thời thực hiện tốt công tác GPMB để nhà đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn. Để tạo sự đồng thuận của người dân trong triển khai Đề án Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, mới đây huyện đã tổ chức lấy ý kiến cử tri trên phạm vi toàn huyện; việc tổ chức được thực hiện chặt chẽ, công khai, dân chủ, đúng tiến độ. Số cử tri được lấy ý kiến tham gia là 30.364 trên tổng số 30.959 cử tri thuộc huyện. Trong đó số cử tri đồng ý với Đề án là 29.995 đạt 98,78% so với số cử tri được lấy ý kiến và đạt 96,89% so với tổng số cử tri trên địa bàn huyện. Điều này cho thấy sự đồng thuận rất cao từ phía người dân.
Với bước chuẩn bị kỹ lưỡng của tỉnh, huyện hy vọng rằng mô hình Đặc khu sẽ thành công như mong muốn, tạo bước đột phá trong việc thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Hiểu Trân
Ý kiến người trong cuộc HĐND huyện Vân Đồn vừa tổ chức kỳ họp bất thường thông qua nghị quyết về chủ trương thành lập Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn... Nghị quyết dựa trên cơ sở sự đồng thuận cao của cử tri, người dân địa phương. Nhân dịp này, phóng viên Báo Quảng Ninh đã ghi lại những tâm tư, nguyện vọng của người dân về Đặc khu trong tương lai. Bà Lương Thị Anh, Chủ tịch UBND xã Hạ Long: “Rất mong Quốc hội sớm thông qua Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt” Xây dựng Vân Đồn trở thành Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là chủ trương lớn của Đảng đã được thông qua nhiều kỳ đại hội. Người dân và các cấp chính quyền của huyện Vân Đồn nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung cũng đã sẵn sàng đón nhận vận hội mới này, quyết tâm, đồng thuận và thống nhất cao, có đến 97% cử tri toàn huyện đồng ý. Là người con của Vân Đồn chúng tôi rất vui mừng khi Chính phủ và các bộ, ngành ủng hộ; các thủ tục pháp lý đều đang rất thuận lợi cho cơ chế phát triển mới. Hiện chúng tôi mong muốn Quốc hội sớm thông qua Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với mô hình, tổ chức bộ máy tinh gọn, đủ thẩm quyền và có những cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt. Ông Tạ Đức Quyết, Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch Mai Quyền: “Vân Đồn trở thành Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, doanh nghiệp trên địa bàn sẽ có rất nhiều cơ hội” Là doanh nghiệp gắn bó với Vân Đồn, hơn ai hết chúng tôi rất mong Quốc hội sẽ sớm thông qua Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Bởi bộ luật này sẽ có rất nhiều ưu điểm vượt trội, đủ sức cạnh tranh quốc tế, khuyến khích các nhà đầu tư, các doanh nghiệp phát huy khả năng của mình. Bên cạnh đó, sẽ có thêm các nhà đầu tư lớn, có tiềm năng, có kinh nghiệm trong nước và quốc tế đến Vân Đồn nghiên cứu đầu tư. Khi đó, doanh nghiệp chúng tôi đang sở hữu các vị trí thuận lợi, đắc địa, sẽ có thêm cơ hội hợp tác, phát triển mở rộng với các đối tác tiềm năng. Cụ thể như doanh nghiệp tôi sẽ phát triển các loại dịch vụ, du lịch phù hợp với định hướng phát triển của Đặc khu hành chính - kinh tế. Ông Đinh Thế Cường, xã Đông Xá: “Đời sống người dân sẽ được cải thiện, nhiều cơ hội việc làm mới” Vân Đồn được chọn để xây dựng trở thành Đặc khu, là người dân đặc khu tôi rất vui, phấn khởi. Bởi khi đó, đời sống nhân dân Vân Đồn chắc chắn sẽ có rất nhiều đổi mới, tích cực và phát triển hơn, sẽ có nhiều cơ hội việc làm, thu nhập ổn định. Vui nữa là bởi quê hương mình sẽ có một diện mạo mới đó là hạ tầng xã hội được đầu tư, xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao đời sống vất chất, tinh thần cho nhân dân trong vùng. Ông Ngô Văn Gió, thôn Đài chuối, xã Vạn Yên: “Mong muốn được quan tâm chuyển đổi nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới” Khi biết tin Vân Đồn xây dựng là Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, chúng tôi rất mừng vì đây sẽ là cơ hội để người dân Vân Đồn có thêm việc làm, được hưởng lợi từ các chính sách vượt trội. Được biết trong mục tiêu của Đề án đặc khu thì Vân Đồn sẽ là khu du lịch tầm cỡ quốc tế, và hiện nay Nhà nước đã thu hồi đất nông nghiệp để triển khai các dự án phục vụ đặc khu, vì vậy chúng tôi cũng mong muốn được quan tâm chuyển đổi nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Đỗ Phương - Thu Trang (thực hiện) |
Liên kết website
Ý kiến ()