Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 22:21 (GMT +7)
Xây dựng NTM gắn với bảo tồn di sản văn hóa
Thứ 5, 18/04/2024 | 16:12:38 [GMT +7] A A
Trong hành trình xây dựng nông thôn mới (NTM), ngoài việc chú trọng về đích những tiêu chí về kết cấu hạ tầng, thu nhập của người dân, các địa phương trong tỉnh còn đặc biệt quan tâm đến việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đảm bảo các thiết chế văn hóa được đầu tư đồng bộ, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.
Đầu tư, phát huy các thiết chế văn hóa
Thực hiện chương trình xây dựng NTM, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở, nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe cho nhân dân. Trong đó, Quyết định số 921/QĐ-UBND ngày 14/4/2022 của UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các trung tâm văn hóa, thể thao huyện, hệ thống cơ sở vật chất văn hóa, thể thao cấp xã, thôn; tu bổ, tôn tạo các di sản văn hóa, phát triển du lịch nông thôn gắn với nhiệm vụ xây dựng NTM trên địa bàn toàn tỉnh; lắp đặt các dụng cụ thể dục, thể thao đơn giản tại nhà văn hóa. Đồng thời, xây dựng mô hình điểm “Nâng cao hiệu quả hoạt động trung tâm văn hóa, thể thao” ở tất cả các địa phương. Đến nay, 100% số xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao đều đảm bảo tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa.
Toàn tỉnh hiện có 12/13 địa phương được đầu tư xây dựng mới và sửa chữa, cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất Trung tâm Văn hóa, thể thao cấp huyện. Có 103/177 xã, phường, thị trấn đã thành lập Trung tâm văn hóa, thể thao; 1.449/1.452 thôn, khu có nhà văn hóa, trong đó 976 nhà văn hóa cơ bản đạt chuẩn.
Nhiều thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư, đưa vào sử dụng và trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, trở thành điểm du lịch hấp dẫn, như: Trung tâm Bảo tồn văn hóa dân tộc Dao xã Bằng Cả (TP Hạ Long), khu văn hóa, thể thao dân tộc Tày (huyện Tiên Yên), làng người Dao thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn (TP Móng Cái)...
Trên địa bàn tỉnh còn có 6 địa bàn được lựa chọn thực hiện điểm mô hình nâng cao hiệu quả hoạt động trung tâm văn hoá, thể thao cấp xã, là: Xã Đầm Hà (huyện Đầm Hà), xã Quảng Đức (huyện Hải Hà), xã Đồng Tiến (huyện Cô Tô), xã Hải Đông (TP Móng Cái), xã Đông Ngũ (huyện Tiên Yên), xã Lục Hồn (huyện Bình Liêu). Để đảm bảo hoạt động, các địa phương đã thành lập bộ máy tổ chức, các CLB; chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị; đẩy mạnh tổ chức các phong trào văn hóa, văn nghệ, hoạt động thể dục, thể thao...
Động lực cho sự phát triển
Xác định văn hoá là sức mạnh, nguồn lực nội sinh cho sự phát triển, Quảng Ninh luôn chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị của tài nguyên văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, phong phú trên địa bàn. Trên cơ sở đó, công tác trùng tu, tôn tạo, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được chú trọng, nhất là phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và một số di tích quốc gia đặc biệt. 5 năm gần đây, tỉnh đã chi gần 4.800 tỷ đồng cho lĩnh vực văn hóa, thể thao. 100% di tích cấp quốc gia, 70% di tích cấp tỉnh đã được tu bổ, tôn tạo với tổng kinh phí trên 1.600 tỷ đồng.
Nhằm đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, tỉnh đã hoàn thành hồ sơ khoa học “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc” trình UNESCO ghi danh Di sản thế giới; thành công trong việc đề nghị UNESCO công nhận Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là Di sản Thiên nhiên thế giới. Đồng thời, hoàn thành xếp hạng cho 12 di tích; đến nay, toàn tỉnh có 8 di tích quốc gia đặc biệt, 56 di tích quốc gia, 100 di tích cấp tỉnh được xếp hạng và 466 di tích kiểm kê.
Cùng với đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” ngày càng đi vào chiều sâu, đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH, giữ gìn ANTT, đảm bảo an sinh xã hội ở các địa phương. Năm 2023, toàn tỉnh có 95% số hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, 96% khu dân cư đạt danh hiệu “Thôn, khu phố văn hóa”.
Năm 2024, thực hiện nội dung chủ đề công tác năm “phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh” gắn với Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững, tỉnh đã quan tâm thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy, phát triển những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn; dành nhiều nguồn lực, xây dựng các đề án, đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa đồng bộ vùng đồng bào DTTS.
Cùng với đó là chú trọng bảo tồn, tôn tạo các điểm di tích, danh thắng; bảo tồn, khôi phục các làng nghề truyền thống, đặc biệt là di sản văn hóa của cộng đồng các DTTS đang có nguy cơ mai một; xây dựng quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh đảm bảo đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm và có lộ trình cụ thể, phân vùng đầu tư, khai thác dựa trên tài nguyên, thế mạnh của mỗi địa phương để gắn với phát triển du lịch.
Các địa phương trong tỉnh cũng chủ động nghiên cứu và thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vùng DTTS, trong đó nhiều trò chơi dân gian, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống, nghề thủ công... được lưu giữ, tạo ấn tượng, sức hấp dẫn đối với du khách.
Vân Anh
- Tiên Yên: Phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc
- Về Quảng Yên trải nghiệm văn hoá và hơn thế nữa...
- "Văn hóa Hạ Long mở màn cho quá trình lịch sử vĩ đại của dân tộc"
- Để bản sắc văn hóa, con người Quảng Ninh ngày càng tỏa sáng
- Ba Chẽ: Gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống
- Hạ Long: Xây dựng quảng trường khu văn hoá núi Bài Thơ và tôn tạo đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn
- Đưa Nhà trưng bày không gian văn hoá đồng bào người Dao Thanh Y vào khai thác trong quý II/2024
- Nâng cao hiệu quả hoạt động trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã
Liên kết website
Ý kiến ()