Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:52 (GMT +7)
Phát triển kinh tế biển xứng tầm
Thứ 2, 07/11/2022 | 08:12:39 [GMT +7] A A
Quảng Ninh có lợi thế nổi trội trong phát triển kinh tế biển. Thời gian qua, tỉnh đã dành sự quan tâm đặc biệt, ưu tiên phát triển ngành kinh tế này, trong đó nòng cốt là các hoạt động cảng, dịch vụ và công nghiệp ven biển... Qua đó từng bước đưa Quảng Ninh sớm trở thành một trong các trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước, là cửa ngõ, động lực phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, góp phần kết nối kinh tế biển của đất nước với khu vực và thế giới.
Hiệu quả từ một Nghị quyết
Với vai trò là trung tâm kinh tế biển phía Bắc, các cảng biển Quảng Ninh đảm nhận trên 40% tổng lượng hàng hóa khu vực. Tuy nhiên gần 3 năm qua, tỉnh cũng như nhiều địa phương khác chịu tác động kéo dài của đại dịch Covid-19, khiến nhiều lĩnh vực suy giảm, ngưng trệ; trong đó dịch vụ cảng biển chịu ảnh hưởng nặng nề do chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ bị đứt gãy, các tuyến hàng hải quốc tế buộc phải tạm dừng.
Với mục tiêu không làm đứt gẫy sự phát triển, quyết tâm duy trì mục tiêu tăng trưởng, Quảng Ninh đã bám sát, cụ thể các chỉ đạo của trung ương, chủ động, linh hoạt, thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Trong đó, với tầm nhìn và định hướng chiến lược về phát triển kinh tế biển, tỉnh đã bám sát Nghị quyết số 15-NQ/TU (ngày 23/4/2019) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, với 43 nhiệm vụ, giải pháp, đặt mục tiêu cụ thể để phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển.
Ưu tiên đặc biệt trong giai đoạn này được tỉnh lựa chọn là phát triển đột phá về hạ tầng cảng biển. Theo đó, nhằm nâng công suất tối đa cho các bến cảng hiện hữu, tỉnh thực hiện sắp xếp lại các bến cảng, có lộ trình di dời các cơ sở hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; chỉ đạo rà soát tổng thể các bến cảng hiện hữu, các bến phao neo tại khu vực Con Ong - Hòn Nét; hệ thống lại các bến cảng, luồng lạch để đánh giá, điều chỉnh quy mô, chức năng phù hợp với định hướng phát triển cảng biển của tỉnh; đồng thời thu hút đầu tư vào lĩnh vực cảng biển...Với nhiều giải pháp đồng bộ, giai đoạn 2019-2021 Quảng Ninh đã thu hút được 9 dự án với tổng mức đầu tư hơn 60.000 tỷ đồng.
Cùng với đó, tỉnh triển khai đầu tư nhiều dự án động lực để hoàn thiện kết cấu hạ tầng đấu nối đến hệ thống cảng biển Quảng Yên, Vân Đồn, Hải Hà, Móng Cái và các KCN, KKT. Trong đó, hoàn thành và đưa vào khai thác đường nối KCN Cái Lân đến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; đường kết nối đường tỉnh 331 với đường tỉnh 338 (TX Quảng Yên); đường trục chính thứ 2 của KCN Cảng biển Hải Hà; đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả; cao tốc Vân Đồn - Móng Cái…
Để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế biển, công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin liên quan đến lĩnh vực này được tỉnh tích cực triển khai, mang lại nhiều hiệu quả. Tỉnh đã hoàn thành kết nối hệ thống một cửa quốc gia (NSW) tại 6/6 chi cục hải quan; giảm được hơn 1h đối với thời gian làm thủ tục hàng xuất khẩu; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 cho 160/160 thủ tục hải quan; 100% khu bến được áp dụng triển khai thủ tục hải quan tự động, giảm bớt thời gian cho doanh nghiệp, chủ tàu. Từ đó nhanh chóng tạo sức hút, đến nay các hãng tàu lớn như MAERSK và SITC, hàng hóa vận chuyển bằng container đã chọn Quảng Ninh là điểm đến.
Với nhiều cách làm tích cực, hiệu quả trong triển khai Nghị quyết số 15-NQ/TU, nên dù trong bối cảnh dịch bệnh, kinh tế cảng biển và dịch vụ cảng biển của tỉnh vẫn phát triển đúng hướng, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng, thu ngân sách của tỉnh. Cụ thể, tổng thu ngân sách (thu nội địa) của 9 địa phương ven biển giai đoạn 2019-2022 là 117.189 tỷ đồng, chiếm 85,1% tổng thu nội địa toàn tỉnh và có xu hướng tăng qua các năm. Thu ngân sách của các ngành kinh tế biển giai đoạn này đạt 26.376 tỷ đồng; trong đó du lịch và dịch vụ biển chiếm tỷ trọng 32,01%, kinh tế hàng hải 31,55%, công nghiệp ven biển 35,8%...
Thực hiện Nghị quyết còn tạo ra nhận thức rõ nét về vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển tại Quảng Ninh. Một số điểm nghẽn về phát triển cảng biển bước đầu được tháo gỡ: Công tác lập quy hoạch được triển khai đồng bộ; nhiệm vụ xác định quỹ đất phát triển dịch vụ kho bãi, khu hậu cần logistics cơ bản đáp ứng nhu cầu… Những yếu tố trên đã góp phần quan trọng hình thành tư duy phát triển kinh tế biển tại Quảng Ninh, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng của tỉnh.
Để kinh tế biển phát triển bền vững
Năm 2022, Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và các quy hoạch xây dựng, giao thông cơ bản hoàn thành, tạo ra những định hướng, không gian và chiến lược mới để phát triển nền kinh tế, trong đó có kinh tế biển. Cùng với đó, hệ thống giao thông kết nối liên vùng với Hải Phòng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương đang được nghiên cứu và đầu tư sẽ tạo ra sự kết nối liên thông, tổng thể... Đây là cơ hội rất lớn để Quảng Ninh hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ nguồn tài nguyên, môi trường sinh thái, xây dựng Quảng Ninh trở thành một trung tâm kinh tế biển của cả nước, là cửa ngõ trung chuyển của khu vực Đông Nam Á, động lực phát triển liên vùng theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Ninh tháng 4/2022.
Mục tiêu giai đoạn 2022-2025 tốc độ tăng trưởng kinh tế biển đạt 11,5-12%, đóng góp của kinh tế biển vào cơ cấu GRDP của tỉnh đạt 22-23%; xây dựng Quảng Ninh là một trong những trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ giao thương quốc tế với 13,286 triệu lượt khách du lịch biển, đảo đến Hạ Long - Cẩm Phả - Vân Đồn - Cô Tô; tổng thu từ du lịch 71.737 tỷ đồng, doanh thu dịch vụ cảng biển khoảng 25.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 17,5%/năm; chú trọng phát triển dịch vụ cảng hành khách, cảng hàng hóa, mở rộng hạ tầng cảng biển, nhất là khu dịch vụ hậu cần sau cảng…
Theo đại diện một số chuyên gia và hãng tàu, để cảng biển trở thành mũi nhọn của nền kinh tế, trong giai đoạn đầu thực hiện kế hoạch, Quảng Ninh cần nhận diện rõ những khó khăn, tồn tại, đánh giá khách quan những mặt tích cực, hạn chế để phát triển kinh tế biển tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Song song với đó, cần phải có những giải pháp nhằm kích cầu hàng hóa; tiếp tục nâng cao chất lượng, dịch vụ cảng biển, nâng cao năng lực quản lý, khai thác tối đa công suất các bến cảng hiệu hữu. Đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án bến cảng tổng hợp; phát triển các dịch vụ xếp dỡ hàng hóa tại khu neo đậu, chuyển tải hàng hóa và dịch vụ kho bãi phục vụ hàng tổng hợp; xây dựng các trung tâm logistics thúc đẩy thu hút dịch vụ hàng hóa trong và ngoài tỉnh qua cảng.
Tỉnh tiếp tục nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách đủ mạnh để thu hút đầu tư vào các KKT, tạo ra được nguồn hàng cho các hãng tàu về làm hàng tại các cảng của Quảng Ninh; thu hút, kêu gọi các tập đoàn tài chính, ngân hàng mở chi nhánh, văn phòng đại diện tại Quảng Ninh. Đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp có kinh nghiệm, năng lực tài chính và ý tưởng đầu tư đồng bộ hệ thống cảng biển, hậu cần logistics, kinh doanh đa loại hình dịch vụ theo chuỗi đạt chuẩn quốc tế; tiếp tục triển khai các giải pháp quảng bá thương hiệu, định vị thương hiệu hệ thống cảng biển Quảng Ninh đến các hãng tàu lớn, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ cảng biển trên thế giới.
Cùng với các giải pháp trên, để chuẩn bị đón đầu xu thế phát triển mới, khai thác tốt lợi thế, tiềm năng trong xu hướng dịch chuyển toàn cầu cũng rất cần sự quan tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cảng biển; triển khai các giải pháp vận tải kết hợp, nhằm tiết kiệm cước vận tải, hỗ trợ doanh nghiệp tăng khả năng quay vòng vốn, giảm thời gian chạy rỗng, tăng cường kiểm soát chi phí nhiên liệu, phụ tùng, vật tư, sửa chữa... Quan trọng nhất là những giải pháp và những điểm nghẽn cần được triển khai ngay, như vậy lợi thế về vị trí, năng lực vận tải biển của Quảng Ninh mới có thể khai thác được đúng tầm, phù hợp với xu thế phát triển trong giai đoạn hiện nay.
Đỗ Phương
- GS.TS Nguyễn Văn Kim: "Quảng Ninh có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế biển xanh"
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm việc với tỉnh Quảng Ninh về phát triển kinh tế biển
- Phấn đấu đến năm 2030 hình thành 7 cụm liên kết ngành kinh tế biển
- Quảng Ninh: Phát huy tiềm năng kinh tế biển
- Mũi nhọn kinh tế biển
Liên kết website
Ý kiến ()