Quảng Ninh là một trong số những tỉnh được Bác quan tâm đặc biệt dành thời gian về thăm nhiều lần, Quảng Ninh cũng là tỉnh duy nhất được Bác đồng ý cho dựng tượng của Người khi Người còn sống tại đảo Cô Tô, nay là huyện Cô Tô. Những lần Bác về thăm Quảng Ninh là những sự kiện vô cùng quan trọng, là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Quảng Ninh. Đã hơn 70 năm kể từ lần đầu tiên Bác đặt chân lên vùng đất Quảng Ninh nhưng đó là những kỷ niệm không thể quên của các thế hệ cán bộ và nhân dân Quảng Ninh.
Lần đầu tiên Bác đến thăm Quảng Ninh là ngày 24/3/1946: Bác đi bằng thủy phi cơ Catalina từ sân bay Gia Lâm xuống Vịnh Hạ Long hội đàm với Cao ủy Pháp tại Đông Dương - Đô đốc Georges Thierry D’Argenlieu trên Tuần dương hạm Esmille Bertin. 11 năm sau, Bác về thăm tỉnh từ ngày 3 đến 5/10/1957, trong đó Bác nói chuyện với nhân dân TX Hòn Gai (ngày 4/10/1957); thăm Vịnh Hạ Long (ngày 5/10/1957). Từ ngày 30 đến 31/3/1959: Bác về nghỉ ở Bãi Cháy và thăm Vịnh Hạ Long; ngày 29/3/1959, Bác thăm Sở chỉ huy Trung đoàn 244; ngày 30/3/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm khu Hồng Quảng, thăm một số đơn vị hải quân bảo vệ bờ biển Đông Bắc, thăm mỏ than Đèo Nai, đảo Tuần Châu và cán bộ, chiến sĩ đảo Hòn Rồng.
Một năm sau, Bác thăm tỉnh Hải Ninh (từ ngày 19 đến 20/2/1960): Ngày 19/2/1960, Bác thăm Trường Cấp I, II Móng Cái, Xưởng gốm Móng Cái. Bác qua cầu Bắc Luân thăm một nhà trẻ ở Đông Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc). Ngày 20/2/1960, Bác nói chuyện với nhân dân trong cuộc mít tinh lớn tại sân vận động Móng Cái.
Ngày 8/5/1961, Bác về thăm tỉnh Hải Ninh, nghỉ ở Trà Cổ (Móng Cái). Ngày 9/5/1961, Bác thăm và nói chuyện với nhân dân Cô Tô. Trong chuyến đi này, máy bay đưa Bác đã hạ cánh, dừng chân tại Tiên Yên.
Từ ngày 22/1/1962, Bác cùng Anh hùng du hành vũ trụ Liên Xô Ghéc-man Ti-Tốp thăm khu Hồng Quảng. Sáng 22/1/1962, Bác nói chuyện với nhân dân, cán bộ tại cuộc mít tinh ở sân vận động Hòn Gai rồi cùng G.Titov tham quan Vịnh Hạ Long. Ngày 13/11/1962, Bác về thăm đảo Ngọc Vừng, thăm cán bộ, chiến sĩ tại Quân cảng Vạn Hoa (Vân Đồn).
Ấn tượng nhất với người dân Quảng Ninh là lần về thăm cuối cùng của Bác. Đó là ngày 2/2/1965 (Mùng 1 Tết Ất Tỵ), Bác về vui tết với nhân dân Quảng Ninh. Trưa 30 Tết, trên đường về Quảng Ninh, Bác nghỉ trưa tại Trường Cấp I Phạm Hồng Thái (Đông Triều). Sáng 2/2/1965 (Mùng 1 Tết), Bác nói chuyện với nhân dân tại sân Trường cấp III Hòn Gai. Trên đường về Uông Bí, Bác dừng chân tại đồi thông Yên Lập, thăm một gia đình người Hoa. Tại Uông Bí, Bác nói chuyện và chúc Tết nhân dân và các chuyên gia nước ngoài.
Không chỉ những lần về thăm Quảng Ninh, Bác cũng thường xuyên quan tâm tới tình hình của tỉnh, nhiều lần gửi thư, điện hỏi thăm, động viên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc toàn tỉnh. Trước năm Bác đi xa về cõi vĩnh hằng, do sức khỏe đã yếu, không trực tiếp về thăm Quảng Ninh được, Bác đã gặp mặt các đại biểu công nhân ngành Than tại Phủ Chủ tịch vào ngày 15/11/1968. Tại đây, đoàn đại biểu được báo công với Bác về kết quả sản xuất của ngành, Bác Hồ căn dặn “Phải xây dựng ngành Than trở thành một ngành kinh tế gương mẫu cho các ngành kinh tế khác và tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh giàu đẹp”.
Thiên nhiên ưu ái, ban tặng cho Quảng Ninh những tiềm năng, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh riêng có: Là tỉnh có đường biên giới trên bộ, trên biển, trên không với Trung Quốc; có Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, những đặc sắc của Vịnh Bái Tử Long, có danh thắng Yên Tử, nơi khởi nguồn của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mang bản sắc riêng của Phật giáo Việt Nam và trên 500 di tích lịch sử, danh thắng được xếp hạng; có trữ lượng than lớn nhất Đông Nam Á, gắn liền với nền công nghiệp khai khoáng; nơi phát triển sớm phong trào vô sản hoá, dẫn đến sự ra đời Đảng bộ, Đặc khu mỏ vào tháng 10/1930; nơi hình thành ngành công nghiệp than đầu tiên và cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam; xã hội con người Quảng Ninh là nơi hội tụ, giao thoa, thống nhất trong đa dạng của nền văn minh sông Hồng.
50 năm đã đi qua, những lời Bác dạy là “kim chỉ nam” cho quá trình xây dựng và phát triển của tỉnh Quảng Ninh. Cả hệ thống chính trị của tỉnh luôn chủ động khắc phục khó khăn, không ngừng vươn lên, đã phát hiện, nhận diện sâu sắc hơn về những tiềm năng, lợi thế cùng với thách thức, khó khăn phải giải quyết và mâu thuẫn nội tại của sự phát triển để đề ra các mục tiêu, định hướng trong từng giai đoạn. Với tư duy dám nghĩ, dám làm, Quảng Ninh đã triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng một cách sáng tạo, trở thành điểm sáng về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; đột phá về mô hình tổ chức bộ máy tinh gọn, gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng cán bộ; thực hiện nhất thể hóa chức danh và hợp nhất một số cơ quan của cấp ủy Đảng và chính quyền, đem lại sự cải thiện rõ rệt hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy từ cấp tỉnh đến cơ sở và đóng góp tiền đề cơ sở lý luận, thực tiễn để Trung ương tổng kết, lan tỏa trong cả nước.… Từ đây nguồn lực con người được khơi thông và được khẳng định qua chính kết quả phát triển kinh tế - xã hội ngày càng toàn diện của tỉnh.
Nền kinh tế được định hướng giảm dần việc dựa vào tài nguyên không tái tạo như than, khoáng sản, đất và tăng dần các yếu tố bền vững, như dịch vụ, du lịch, khoa học công nghệ, đầu tư, thương mại, cảnh quan, văn hóa...; lấy du lịch, dịch vụ làm trung tâm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng các quy hoạch chiến lược (về phát triển tổng thể kinh tế - xã hội, xây dựng, phát triển du lịch, bảo vệ môi trường, phát triển khoa học công nghệ…) với sự phối hợp tư vấn của các tập đoàn hàng đầu thế giới, định hình khuôn khổ phát triển thống nhất, toàn diện và bền vững, gắn trực tiếp với công tác xúc tiến đầu tư.
Để phát huy thế mạnh, tiềm năng của tỉnh nhằm phát triển bền vững, thời gian qua tỉnh đã tập trung triển khai quyết liệt các đột phá chiến lược. Về kết cấu hạ tầng, những năm gần đây, Quảng Ninh được đánh giá là hình mẫu trong huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông của cả nước, với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 36.000 tỷ đồng, trong đó vốn xã hội hóa chiếm trên 75%, dự kiến đến đầu năm 2021 đạt gần 200 km cao tốc (chiếm 10% số km cao tốc trong toàn quốc), trong đó có cảng hàng không quốc tế đầu tiên trong cả nước được đầu tư từ nguồn lực ngoài ngân sách.
Hạ tầng du lịch, dịch vụ, đô thị phát triển ngày càng hiện đại, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới đẳng cấp, khác biệt, mở ra thêm nhiều trải nghiệm cho nhân dân và du khách. Các công trình dịch vụ công như hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa thể thao, trụ sở các cơ quan,… được đầu tư theo hướng hợp tác công - tư, góp phần nâng cao chất lượng các dịch vụ công phục vụ người dân.
Trong cải cách hành chính, với tư duy mới, Quảng Ninh đã tách dần dịch vụ công ra khỏi quản lý nhà nước với các mô hình mới, như: Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, cấp huyện, liên kết đến cấp xã, hoạt động hiệu quả, trở thành trung tâm của nền hành chính phục vụ; Ban Hỗ trợ và Xúc tiến đầu tư tỉnh (IPA) trực thuộc UBND tỉnh, trở thành đầu mối giao dịch duy nhất giữa chính quyền với doanh nghiệp.
Trong phát triển nguồn nhân lực thông qua Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ đến năm 2020”, hằng năm, tỉnh dành nguồn lực lớn cho đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, cả trong và ngoài nước. Trường Đại học Hạ Long được tỉnh đầu tư xây dựng cùng với chính sách thu hút giảng viên chất lượng cao và khuyến khích sinh viên riêng có, được các đồng chí lãnh đạo Trung ương kỳ vọng sẽ trở thành một trung tâm đô thị đại học ở vùng Đông Bắc.
Với những nguồn lực mới, từ một Vùng mỏ bị thực dân Pháp khai thác, đàn áp, thời kỳ đầu đổi mới còn phụ thuộc vào ngân sách trung ương, đến nay Quảng Ninh trở thành một trong những tỉnh phát triển mạnh, tỉnh duy nhất cả nước có 4 thành phố, tốc độ tăng trưởng GRDP những năm gần đây hơn 10%/năm, luôn nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu về mức nộp ngân sách nhà nước. Năm 2017, 2018, Quảng Ninh vươn lên dẫn đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số cải cách hành chính (Par Index). An ninh trên tuyến biên giới, biển đảo, tình hình nội bộ nhân dân cơ bản ổn định; trật tự an toàn xã hội được giữ vững, công tác đối ngoại được mở rộng. An sinh xã hội được đảm bảo, đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân ngày càng nâng cao.
Sinh thời Bác dành nhiều tình cảm cho công nhân ngành Than với mong muốn xây dựng ngành Than trở thành ngành kinh tế kiểu mẫu. Thực hiện lời Bác dặn, tỉnh Quảng Ninh và ngành Than luôn phối hợp chặt chẽ, nâng cao hiệu quả phát triển sản xuất, kinh doanh, chăm lo tốt cho đời sống của công nhân cũng như cộng đồng nhân dân vùng mỏ.
Diện mạo Quảng Ninh đã và đang đổi thay từng tháng, từng ngày, từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi, biên giới đến hải đảo. Sự nỗ lực, cố gắng của tỉnh đã được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá rất cao; nhiều địa phương bạn học hỏi kinh nghiệm. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng được nâng cao rõ rệt, từ 52% (năm 2014) lên 85,1% (năm 2018).
Bước vào thời kỳ phát triển mới, cùng với những thuận lợi, thời cơ, Quảng Ninh đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc Quảng Ninh với khát vọng vươn lên, cần tiếp tục đồng lòng đưa Quảng Ninh phát triển trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Trên con đường đó, Quảng Ninh xác định phát triển dựa vào tiềm năng, lợi thế, dựa vào nội lực chủ yếu; nhanh chóng nắm bắt thời cơ, phát triển nhanh, bền vững nhưng không phải bằng mọi giá, tập trung vào một số nhiệm vụ:
Thứ nhất, quán triệt đồng bộ và xuyên suốt quan điểm “xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt”, tiếp tục vận hành tốt những mô hình mới về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát huy hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, sớm đưa các chủ trương, chính sách vào đời sống. Nâng cao vai trò, trách nhiệm, sự gương mẫu và quyết liệt của người đứng đầu, tạo sự thống nhất, sức lan tỏa trong nhận thức, quyết tâm hành động, mở rộng dân chủ, phát huy sức mạnh toàn dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Thứ hai, tiếp tục đổi mới tư duy chiến lược về kinh tế đồng bộ với đổi mới về chính trị, xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm cảng biển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trở thành đô thị thông minh và tiếp tục phát triển ở những tầm cao mới, dựa trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển các đô thị lõi hạt nhân.
Tập trung nguồn lực hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại để tạo thêm động lực phát triển nhanh, bền vững. Sớm hoàn thành hệ thống công trình giao thông đồng bộ, hiện đại, đưa Quảng Ninh trở thành trục kết nối giao thông chính của ASEAN và Trung Quốc, tạo đột phá về du lịch và dịch vụ vận tải, logistics. Tiếp tục phát triển nội lực của nền kinh tế, thu hút các nguồn lực phát triển hạ tầng dịch vụ, du lịch, xây dựng các đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường. Xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, nền kinh tế số và tích cực triển khai mô hình thành phố thông minh, đón đầu xu thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Thứ ba, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và lợi thế của từng địa phương để phát triển dịch vụ trở thành khu vực kinh tế quan trọng hàng đầu. Đẩy nhanh triển khai các dự án hạ tầng du lịch, dịch vụ hiện đại, vươn tầm quốc tế để hình thành các trung tâm du lịch lớn tại Hạ Long, Vân Đồn, Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều và Móng Cái; tiếp tục nhân lên những giá trị cảnh quan, thương hiệu quốc tế Vịnh Hạ Long và quảng bá cảnh quan Vịnh Bái Tử Long.
Thứ tư, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, phát huy hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình OCOP gắn với các hoạt động du lịch, dịch vụ, văn hóa. Tập trung nguồn lực triển khai Chương trình 135, Đề án 196, đảm bảo đến năm 2020 đưa các xã, thôn, bản ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, giảm nghèo bền vững. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Mở rộng xã hội hóa và các dịch vụ giáo dục, y tế chất lượng cao, tiên phong phát triển giáo dục thông minh. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh.
Thứ năm, đưa văn hóa, con người phát triển đạt đến những chuẩn mực tương xứng với vị thế năng động, tiên phong của tỉnh, góp phần xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành “nơi cần đến và nơi đáng sống”. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, phát triển liên vùng nhằm khai thác tốt nhất thế mạnh của địa phương và mở rộng khai thác các nguồn lực. Giữ vững chủ quyền biên giới, biển đảo, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, mở rộng hoạt động hợp tác đối ngoại, ngoại giao nhân dân biên giới.
Trên chặng đường phía trước, khắc ghi tình cảm quý báu đối với vùng than và lời căn dặn của Bác Hồ, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc Quảng Ninh tiếp tục giữ vững niềm tin, quyết tâm xây dựng, khẳng định vị thế mới về một Quảng Ninh năng động, sáng tạo với vai trò động lực, dẫn dắt sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và của cả nước, tạo dựng vị trí vững chắc về một trung tâm du lịch, dịch vụ trên bản đồ quốc tế, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Ý kiến ()