Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 16/11/2024 20:24 (GMT +7)
Xu thế tất yếu của phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ
Thứ 7, 17/12/2022 | 12:07:03 [GMT +7] A A
Sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ mang lại lợi ích lớn bởi góp phần duy trì hệ sinh thái tự nhiên, không gây hại đến sức khỏe người nông dân trực tiếp canh tác và người tiêu dùng. Đáp ứng xu thế tất yếu này, nông nghiệp Quảng Ninh đang có những chuyển biến tích cực.
TX Đông Triều là vùng trọng điểm phát triển nông nghiệp của tỉnh, với sản lượng nông sản các loại cung cấp ra thị trường đạt hàng nghìn tấn/năm. Được biết, để đảm bảo hình thành những vùng sản xuất tập trung, vùng chuyên canh, những cánh đồng mẫu lớn, thị xã đã thực hiện dồn điền, đổi thửa ngoài thực địa tại các xã, phường. Đặc biệt là đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, hình thành tư duy sản xuất hiện đại cho người nông dân, gắn với phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ để tăng giá trị nông sản và giá trị của từng diện tích canh tác. Trong quá trình đó, các cấp Hội Nông dân thị xã đang rất tích cực phát huy vai trò của mình thông qua mô hình “Vận động nông dân tham gia vào chuỗi sản xuất hữu cơ và thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025” triển khai sâu rộng. Các chi, tổ hội đều hướng hoạt động đến việc khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; giới thiệu, hướng dẫn sử dụng các chế phẩm sinh học, hữu cơ thay thế kháng sinh và các chất hóa học trong chăn nuôi, trồng trọt, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm...
Thực tế cho thấy, việc áp dụng những nguyên tắc, trình tự sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch theo hướng VietGAP, hữu cơ đã góp phần nâng cao đáng kể chất lượng, giá trị sản phẩm. Đơn cử như tại các xã Việt Dân, An Sinh... các hộ nông dân trồng na theo hướng VietGAP đã được Hội Nông dân hỗ trợ tư vấn rất kỹ về quy trình các khâu chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, theo dõi, ghi chép hằng ngày để làm cơ sở đánh giá kết quả cuối cùng. Mỗi quả na khi xuất bán đều được dán tem nhãn truy xuất nguồn gốc rõ ràng, tạo nên hình ảnh chuyên nghiệp cho nông sản khi đến tay người tiêu dùng với nhu cầu ngày càng cao hơn về đồ ăn tươi ngon, an toàn. Ngoài ra, nhiều sản phẩm nông sản khác của Đông Triều cũng đã và đang được đầu tư theo hướng nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả kinh tế. Có thể kể đến như trồng ổi VietGAP tại xã Hồng Thái Đông diện tích 20ha, trồng nếp cái hoa vàng VietGAP tại xã Hồng Phong diện tích 10ha...
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 1.000ha sản xuất hàng hóa nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, 28 cơ sở có chứng nhận VietGAP trong lĩnh vực chăn nuôi; 416 cơ sở áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (GMP, SSOP, HACCP...); 14 vùng trồng cây ăn quả, 5 cơ sở đóng gói quả tươi và 9 công ty xuất khẩu thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc; duy trì 16 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận với 59 loại sản phẩm. Điển hình có thể kể đến như huyện Đầm Hà và Tiên Yên đang đi đầu về phát triển mô hình trồng cây quế khi được Tổ chức Chứng nhận quốc tế toàn cầu độc lập trong quản lý và giám sát hàng hóa (Control Union Certifications) cấp chứng nhận đạt hữu cơ tiêu chuẩn châu Âu cho diện tích gần 350ha với hơn 220 tấn quế hữu cơ. Đây là tấm vé danh giá để quế Quảng Ninh được chào đón tới những thị trường khắt khe nhất của châu Âu, giá bán cao hơn 20% so với quế thông thường.
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, việc sản xuất các sản phẩm hữu cơ đạt tiêu chuẩn được chứng nhận góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, củng cố và phát triển thương hiệu. Nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm hữu cơ từ 15-20% giá trị trên một đơn vị sản phẩm trở lên so với sản xuất theo phương thức thông thường. Quan trọng hơn là mang lại lợi ích đối với sức khỏe con người, góp phần cải tạo, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững nền kinh tế... Điều này cũng phù hợp với quan điểm chỉ đạo nhất quán của tỉnh tại Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/9/2022 của về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030.
Văn Bá
Liên kết website
Ý kiến ()